Xung đột Israel-Hamas ảnh hưởng thế nào đến chính sách Trung Đông của Mỹ?
Giới quan sát nhận định xung đột Israel-Hamas sẽ ảnh hưởng 2 mục tiêu lớn trong chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Một tuần trước khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định khu vực Trung Đông ngày nay “yên tĩnh hơn hai thập niên trước”.
Thế nhưng sự kiện phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza (Palestine) tấn công vào Israel sáng 7-10 và chiến dịch đáp trả của Israel sau đó đã giáng đòn mạnh vào nỗ lực của Mỹ nhằm hòa giải Israel và Saudi Arabia, đồng thời làm phức tạp thêm cách tiếp cận của Washington đối với Iran, theo hãng tin Reuters.
Theo giới quan sát, xung đột Israel-Hamas đang đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào một cuộc khủng hoảng có khả năng định hình lại chính sách Trung Đông của nước này.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia
Nhiều quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng nỗ lực bình thường hóa quan hệ Israel và Saudi Arabia có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Song nhiều chuyên gia lại có quan điểm bi quan hơn, theo Reuters.
Các chuyên gia nhận định cuộc xung đột Israel-Hamas đe dọa trì hoãn hoặc làm chệch hướng nỗ lực ngoại giao nhiều năm qua của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập, theo hãng tin AP.
Ông Jon Alterman - Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) - nhận định “mọi nỗ lực bình thường hóa có thể bị trì hoãn trong tương lai gần”.
Tương tự, ông Steven Cook - thành viên cấp cao về Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi tại Tổ chức nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ và quan hệ quốc tế Council on Foreign Relations (Mỹ) - cho rằng “động lực bình thường hóa này có thể sẽ chậm đi hoặc dừng lại, ít nhất là trong một khoảng thời gian”.
Đầu tuần, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby từ chối bình luận về tiến triển của các cuộc đàm phán bình thường hóa giữa Israel-Saudi Arabia mà trọng tâm của Washington hiện nay là hỗ trợ Israel.
Xung đột cũng làm dấy lên những chỉ trích mới về việc chính quyền Biden thúc đẩy mở rộng quan hệ giữa Tel Aviv và Riyadh. Ông Khaled Elgindy - chuyên gia tại Viện Trung Đông tại Mỹ (tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về khu vực Trung Đông) và là cựu cố vấn cho các lãnh đạo Palestine - cáo buộc chính quyền ông Biden đã phớt lờ người Palestine khi thúc đẩy quá trình bình thường hóa Israel-Saudi Arabia.
Theo các quan chức Palestine và một nguồn tin trong khu vực, nhóm Hamas đã gửi một thông điệp rằng không thể phớt lờ người Palestine nếu Israel muốn đảm bảo an ninh, và bất kỳ thỏa thuận nào giữa Israel và Saudi Arabia cũng có thể cản trở quá trình bình thường hóa giữa Riyadh với Iran.
Cách tiếp cận với Iran
Giới chuyên gia nhận định sau xung đột Israel-Hamas, Mỹ có thể bị buộc phải xem xét lại cách tiếp cận đối với Iran, theo Reuters. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, chính quyền ông Biden nỗ lực đưa Iran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân năm 2015 nhưng vẫn không có tiến triển.
Ngày 9-10, Nhà Trắng cáo buộc Iran “đồng lõa” với nhóm Hamas trong vụ tấn công vào Israel cuối tuần qua. Tờ The Wall Street Journal trước đó cũng đưa tin các quan chức Iran hỗ trợ nhóm Hamas lên kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, Mỹ chưa cung cấp thông tin tình báo hay bằng chứng cho thấy Iran có vai trò trực tiếp.
Đáp lại, Tehran bác bỏ cáo buộc trên, gọi đó là “động cơ chính trị”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Nasser Kanani khẳng định nước này không can thiệp "vào việc ra quyết định của các quốc gia khác, bao gồm Palestine". Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc cũng bác bỏ các cáo buộc về sự liên quan của Tehran trong xung đột Israel-Hamas, theo hãng tin AFP.
Các chuyên gia nhận định xung đột Israel-Hamas có thể sẽ đẩy mạnh “cuộc chiến tranh trong bóng tối” của Iran với Israel. “Iran ngày nay có thể ít bị răn đe hơn, dù đúng hay không, bởi vì nước này coi chính quyền [Mỹ] ít sẵn sàng tham gia vào một cuộc xung đột quân sự hoặc thực hiện các hành động có nguy cơ xảy ra xung đột” - ông Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo Mỹ ở Trung Đông, nói.
Bà Sanam Vakil - GS tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ) và là giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) - nói rằng: “Chưa có tổng thống Mỹ nào phát triển chính sách để quản lý và kiềm chế vai trò của Iran trong khu vực”.
Do đó, bà Vakil nhấn mạnh: “Một cách tiếp cận hoàn toàn mới, một chiến lược hoàn toàn mới với Iran là rất cần thiết”.
Ông Putin chỉ trích chính sách Mỹ ở Trung Đông
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq - ông Mohammed al-Sudani ở thủ đô Moscow (Nga) hôm 10-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Trung Đông là một minh chứng cho thấy Mỹ không có khả năng giải quyết xung đột, theo đài RT.
“Tôi tin rằng nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Họ cố gắng độc quyền giải quyết hòa bình nhưng đáng tiếc là không chú ý đến việc tìm kiếm những thỏa hiệp có thể chấp nhận được cho cả hai bên” - ông Putin nói.
Thay vào đó, Washington gây áp lực lên hai bên trong nỗ lực áp đặt các giải pháp của riêng mình, theo Tổng thống Nga.
Ông Putin cũng chỉ trích Mỹ "chưa bao giờ tính đến lợi ích cốt lõi của người dân Palestine".
Việt Nam lên tiếng về xung đột giữa Hamas và Israel
Theo TTXVN, ngày 8-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: VN quan tâm, theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân.
“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân” - người phát ngôn Phạm Thu Hằng bày tỏ.