Xung đột Israel-Hamas: Các bên thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, Hezbollah chuyển giao căn cứ
Ngày 12/4, các nhà ngoại giao từ hàng chục quốc gia đã ra tuyên bố chung, kêu gọi giải pháp hai nhà nước cũng như thống nhất ngay lập tức Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Diễn đàn ngoại giao Antalya đang diễn ra với chủ đề "Tận dụng ngoại giao trong một thế giới chia rẽ". (Nguồn: TRT World)
Tại Diễn đàn ngoại giao Antalya lần thứ 4 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trưởng các quốc gia Arab, Hồi giáo và các đại diện của Ủy ban cấp Bộ trưởng về Dải Gaza ra thông cáo chung nhấn mạnh sự cần thiết của việc biến lời kêu gọi giải pháp hai nhà nước liên quan cuộc xung đột giữa Hamas và Israel thành hành động, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt các hành động gây hấn ở Dải Gaza và Bờ Tây.
Thông cáo chung nêu rõ: "Chúng tôi, bao gồm các ngoại trưởng và đại diện từ Ủy ban cấp bộ trưởng về Dải Gaza của Liên đoàn Arab (AL) và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), cũng như các đại diện của Ireland, Na Uy, Slovenia, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Liên bang Nga đã gặp nhau hôm nay tại thành phố Antalya để thảo luận tình hình đang diễn ra ở Gaza, với trọng tâm là chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza. Chúng tôi tìm cách thực hiện các hành động cụ thể để thực thi giải pháp hai nhà nước nhằm đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực".
Các đại diện của Ủy ban cấp bộ trưởng về Dải Gaza nhấn mạnh cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đang ở giai đoạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, làm suy yếu các nỗ lực thực hiện giải pháp hai nhà nước, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Bất chấp các cuộc đàm phán kéo dài hàng thập kỷ giữa các bên xung đột và sự tham gia của cộng đồng quốc tế, giải pháp hai nhà nước, được cộng đồng quốc tế công nhận là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc xung đột, đã bị bỏ qua.
Thông cáo chung cho biết mặc dù cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực và lời kêu gọi nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng và bền vững cho cuộc xung đột, nhưng những hành động đó vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể trên thực tế. Thông cáo nêu quan điểm rằng việc thiếu tiến triển trong việc thực hiện giải pháp hai nhà nước đang góp phần làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan và bạo lực, đồng thời khẳng định lập trường lên án các hình thức bạo lực và khủng bố.
Các đại diện đồng thời kêu gọi các bên liên quan tham gia các cuộc đàm phán chân thành và tận tâm, bao gồm cả thông qua vai trò hòa giải của các nhà trung gian khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, thông cáo chung hối thúc cộng đồng quốc tế đảm nhận trách nhiệm ủng hộ một giải pháp chính trị và công bằng nhằm chấm dứt sự chiếm đóng và làn sóng bạo lực ở Trung Đông.
Ngoại trưởng các quốc gia Arab-Hồi giáo và đại diện của Ủy ban cấp bộ trưởng về Gaza một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và lên án các hành động thù địch ở Dải Gaza. Họ cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và vĩnh viễn phù hợp với các nghị quyết của LHQ và thực thi đầy đủ thỏa thuận về ngừng giao tranh và trao đổi con tin, có hiệu lực vào ngày 19/1.
Thông cáo chung kêu gọi thống nhất đặt Dải Gaza với Bờ Tây, trong đó có cả Đông Jerusalem, dưới sự quản lý của chính quyền Palestine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp hỗ trợ chính trị và tài chính để giúp chính quyền Palestine đảm nhận tất cả các trách nhiệm của mình ở Gaza.
Trong một diễn biến khác ở khu vực, theo Arab News, ngày 12/4, lực lượng Hezbollah rút khỏi hầu hết căn cứ ở phía Nam Lebanon.
Phần lớn các căn cứ quân sự của lực lượng Hezbollah ở phía Nam Lebanon đã được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội nước này.
Một nguồn tin giấu tên cho biết trong số 265 địa điểm quân sự đã xác định của Hezbollah ở phía Nam Lebanon, lực lượng này đã bàn giao khoảng 190 địa điểm cho quân đội.
Theo thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 27/11/2024 chấm dứt hơn 1 năm giao tranh giữa Hezbollah và Israel, chỉ có lực lượng gìn gìn hòa bình Liên hợp quốc và quân đội Lebanon được triển khai ở khu vực phía Nam Lebanon. Thỏa thuận yêu cầu Hezbollah phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự của lực lượng này ở miền Nam, di chuyển lực lượng về phía Bắc của sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 30km. Trong khi đó, Israel được yêu cầu phải hoàn thành việc rút quân khỏi Lebanon trước ngày 18/2 sau khi bỏ lỡ thời hạn hồi tháng 1. Mặc dù vậy, nước này vẫn giữ quân đội ở 5 vị trí được xem là chiến lược. Quân đội Israel tiếp tục tấn công vào các mục tiêu họ cho là cơ sở hạ tầng của Hezbollah hoặc các thành viên của lực lượng này ở Lebanon.
Giám sát thỏa thuận trên là một ủy ban do Mỹ đứng đầu, và Pháp là một trong số các thành viên. Khoảng 1 tuần trước, phó đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Morgan Ortagus đã có chuyến thăm tới Lebanon, thảo luận với giới chức cấp cao nước chủ nhà về việc giải giáp Hezbollah. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình LBCI của Lebanon, bà Ortagus cho biết đang tiếp tục yêu cầu chính quyền Lebanon thực hiện giảm các hoạt động bạo lực, trong đó có việc giải giáp Hezbollah, và điều này sẽ diễn ra “càng sớm càng tốt”.
Lực lượng Hezbollah bắt đầu tấn công miền Bắc Israel sau khi xung đột tại Gaza bùng phát tháng 10/2023, với lý do bày tỏ ủng hộ người Palestine. Giao tranh giữa lực lượng này và Israel qua biên giới kéo dài hàng tháng đã biến thành xung đột từ tháng 9/2024. Theo giới chức Lebanon, hơn 4.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này.