Xung đột Israel-Hamas: Các nước xung quanh theo phe nào?
Mạng lưới các mối quan hệ phức tạp trong khu vực đang ngày càng căng thẳng khi Israel bắn phá Gaza để trả đũa cuộc tấn công chết chóc của Hamas và dọn đường cho một chiến dịch trên bộ.
Dưới đây là đánh giá của trang Guardian (Anh) về lập trường của các nước láng giềng với Israel liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Ai Cập
Ai Cập, quốc gia có chung biên giới với Israel và Gaza, từ lâu đã có mối quan hệ phức tạp với Hamas, đặc biệt là do tổ chức này có nguồn gốc là một nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) ở Ai Cập.
Mặc dù Cairo đã ký hiệp ước hòa bình chính thức với Israel vào năm 1978 tại Trại David (Mỹ), công chúng Ai Cập có xu hướng ủng hộ người Palestine hơn các chính quyền ở nước này – ngoại trừ chính phủ tồn tại ngắn ngủi do tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo, bị lật đổ vào năm 2013.
Cairo đã đóng vai trò là người đối thoại giữa Hamas và Israel trong các thời kỳ xung đột, Tuy nhiên, Ai Cập từ lâu vẫn cảnh giác về mong muốn của một số người thuộc phe cánh hữu của Israel yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm về Gaza, viện dẫn đến giai đoạn Ai Cập quản lý dải đất ven biển này từ năm 1948-67.
Sau khi Israel phong tỏa chặt Dải Gaza, hiện nay cửa khẩu Rafah của Ai Cập là con đường tiếp tế duy nhất cho Gaza. Đây cũng là lối thoát khả thi duy nhất cho hàng trăm nghìn người Palestine đang sống trong cảnh khổ sở ở Dải Gaza.
Ai Cập đang chịu áp lực lớn liên quan vấn đề cho phép người tị nạn vượt qua biên giới để thoát khỏi cuộc xung đột Israel - Hamas. Song với Cairo, mở cửa biên giới là một vấn đề rất khó khăn do những lo ngại về an ninh, xã hội.
Jordan
Giống như Ai Cập, Jordan đã ký một hiệp ước hòa bình chính thức với Israel – vào năm 1994.
Điều làm phức tạp quan điểm của Jordan về vấn đề Israel-Palestine là thực tế hơn 2 triệu người Palestine đã đăng ký làm người tị nạn ở Jordan, hầu hết trong số họ được hưởng tư cách nhà nước đầy đủ của Jordan, trong khi một tỷ lệ thậm chí còn lớn hơn trong dân số Jordan có thể có nguồn gốc từ người Palestine.
Waqf, tổ chức quản lý các thể chế Hồi giáo xung quanh khu vực al-Haram al-Sharif (được người Do Thái gọi là Núi Đền) ở Jerusalem, là một cơ quan của chính phủ Jordan, đã kéo Amman vào các cuộc xung đột xung quanh địa điểm này. Giống như với Cairo, Israel có xu hướng nhạy cảm với quan điểm của Jordan.
Trong cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 8/10, Quốc vương Jordan Abdullah II đã nêu rõ lập trường không lay chuyển của Amman đối với sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp chính trị đảm bảo tất cả các quyền công bằng và hợp pháp của Palestine. Theo Quốc vương Jordan, hòa bình và ổn định không thể đạt được nếu không có một giải pháp công bằng và toàn diện về vấn đề Palestine dựa trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.
Liban
Israel đã trải qua hai cuộc xung đột đáng kể liên quan đến Liban - nước láng giềng phía bắc, gần đây nhất là vào năm 2006 trong cuộc chiến tàn khốc với lực lượng Hezbollah của người Hồi dòng Shia, được cho là một trong những tổ chức ủy nhiệm đáng gờm nhất của Iran.
Israel từ lâu đã lo lắng về việc phải tiến hành một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận với Hamas và Hezbollah. Tuy nhiên, bế tắc chính trị lâu dài và sự sụp đổ kinh tế ở Liban gần đây là yếu tố hạn chế đối với Hezbollah. Mặc dù Hezbollah đã cho phép các phe phái Palestine ở Liban bắn tên lửa vào Israel trong hai tuần qua, nhưng vẫn chưa rõ liệu phong trào này có đang chuẩn bị cho cuộc tấn công của riêng họ trong trường hợp diễn ra một chiến dịch trên bộ vào Gaza, hay chỉ đơn giản là phát tín hiệu ủng hộ tới Hamas.
Syria
Kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ ở Syria, Israel đã tiến hành một số lượng lớn các cuộc tấn công vào nước này, chủ yếu nhằm vào các tuyến đường cung cấp và kho chứa vũ khí từ Iran mà Israel tuyên bố là dành cho Hezbollah và Hamas. Trong khi mối đe dọa trực tiếp từ Syria đối với Israel dường như đã phần nào giảm bớt trong vài năm qua, các lực lượng ủy nhiệm và tài sản của Iran từ lâu được ghi nhận là hoạt động ở Syria. Do điều này, tuần trước, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào hai sân bay chính của Syria ở Damascus và thành phố phía bắc Aleppo, làm hư hại các đường băng hạ cánh tại hai sân bay có lẽ nhằm ngăn chặn việc sử dụng đường băng cho giao thông quân sự trong những tuần tới.
Mới đây nhất, ngày 22/10, Syria cáo buộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tấn công tên lửa vào các sân bay ở Damascus và Aleppo, gây gián đoạn hoạt động. Theo cáo buộc này, vào sáng sớm 22/10, Israel đã phóng tên lửa từ biển Địa Trung Hải tới phía Tây Latakia và từ Cao nguyên Golan nhắm vào sân bay quốc tế Damascus và Aleppo. Đường băng bị hư hại khiến các sân bay không thể hoạt động.
Iran
Bất kỳ phản ứng nào trong khu vực đối với một chiến dịch trên bộ của Israel đều có thể khiến quốc tế hướng ánh nhìn về phía Iran, quốc gia là đã cảnh báo Israel rằng họ có thể "cảm thấy" buộc phải can thiệp trong trường hợp Israel tấn công Gaza bằng đường bộ.
Iran, quốc gia đối địch lâu dài của Israel, bị cáo buộc thường sử dụng lực lượng ủy nhiệm để thúc đẩy các hoạt động can thiệp của mình, do đó thu hút sự quan tâm của các nhóm liên minh với họ ở khắp Trung Đông. Iran sở hữu khả năng tên lửa có thể tấn công Israel, nhưng việc Mỹ nhanh chóng triển khai lực lượng hải quân và các tài sản quân sự trong khu vực trong những ngày gần đây là lời cảnh báo hậu quả cho sự can thiệp từ Tehran
Iraq
Sự tái xuất hiện các cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq trong tuần này bởi các nhóm đồng minh Iran báo hiệu một sự phức tạp khác. Mỹ hiện có khoảng 2.500 binh sĩ đồn trú tại 3 căn cứ ở Iraq cùng với khoảng 1.000 binh sĩ từ các quốc gia khác trong liên minh quốc tế được thành lập để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Các cuộc tấn công xảy ra sau khi các phe phái trung thành với Iran tăng cường đe dọa chống lại Mỹ. Một trong số họ, Lữ đoàn Hezbollah, yêu cầu Mỹ “rời khỏi” Iraq, “nếu không họ sẽ phải nếm mùi lửa địa ngục”.
Yemen
Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen đã bắn rơi máy bay không người lái vào sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia, chủ yếu nhắm vào các cơ sở dầu mỏ. Liệu những máy bay này có tầm bắn và khả năng tiếp cận Israel hay không lại là một câu hỏi khác. Tuy nhiên, tên lửa và máy bay không người lái của Houthi có khả năng đe dọa hoạt động vận chuyển hàng hải ở Vịnh Aden, Biển Arab và Biển Đỏ. Việc tàu chiến Mỹ hôm 19/10 đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái phóng từ Yemen - mà người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết đã được phóng "có khả năng hướng tới các mục tiêu ở Israel" - cho thấy nguy cơ này đang gia tăng.