Xung đột Israel-Hamas có thể kết thúc 'trong tuần tới' như ông Trump kỳ vọng?

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố Israel đã đồng ý với các điều kiện cho một thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày với Hamas, mở ra hy vọng hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài gần 2 năm ở Gaza.

Trong một bài đăng trên Truth Social ngày 1/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa thắp lên hi vọng hòa bình cho cuộc chiến đã kéo dài gần 2 năm ở Gaza: “Israel đồng ý với các điều kiện cần thiết để hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày, trong thời gian này chúng tôi sẽ làm việc với các bên để chấm dứt cuộc chiến này. Phía Qatar và Ai Cập đã nỗ lực rất lớn để mang đến hòa bình, họ sẽ đưa ra đề xuất cuối cùng”.

Ông Trump cũng lạc quan cho rằng một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Hamas có thể đạt được “ngay trong tuần tới”, trong khi Ngoại trưởng Israel Gideon Sa'ar tuyên bố, Tel Aviv đã sẵn sàng ngừng bắn với Hamas.

Tuy vậy, câu hỏi lớn hơn vẫn còn đó: Liệu một lệnh ngừng bắn thực sự và lâu dài có khả thi hay không?

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Mỹ được lợi gì từ thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza?

Tổng thống Trump tỏ ra lạc quan trước những gì ông coi là thắng lợi mang tính bước ngoặt trong vai trò trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Iran, sau chuỗi leo thang nguy hiểm hồi đầu năm. Ông chủ Nhà Trắng có vẻ tin rằng có thể tái sử dụng “công thức chiến thắng” này để gây sức ép buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận một thỏa thuận hòa bình tại Gaza.

Việc ông Netanyahu dự kiến sẽ trở lại thăm Nhà Trắng trong tuần tới là một dấu hiệu cho thấy sức ép từ phía Mỹ đang bắt đầu có trọng lượng thực sự. Trong các cuộc đàm phán như thế, sự hiện diện của nhà lãnh đạo quốc gia có ý nghĩa chính trị đặc biệt: đó là lời thừa nhận rằng, bất chấp lập trường và những tuyên bố cứng rắn trước đó về việc quét sạch Hamas ra khỏi Gaza, Tel Aviv không thể hoàn toàn phớt lờ yêu cầu của Washington.

Tuy nhiên, có vẻ như những nỗ lực làm trung gian hòa giải cho Israel và Hamas của ông Trump không chỉ nhằm mang lại hòa bình cho dải đất Trung Đông này. Đằng sau những dòng tweet đậm chất biểu tượng là một chiến lược tham vọng hơn nhiều: phục hồi tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab, vốn được khởi động từ nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump thông qua Hiệp định Abraham. Cuộc chiến ở Gaza đã đóng băng các bước tiến quan trọng với Saudi Arabia, Oman và các đối tác vùng Vịnh khác. Một lệnh ngừng bắn, dù chỉ là tạm thời, vẫn có thể giúp Mỹ tháo gỡ thế bế tắc đó.

Với Tổng thống Trump, đây không đơn thuần là một chiến thắng ngoại giao. Một Gaza yên tĩnh hơn, một Trung Đông mở cửa trở lại cho các thỏa thuận kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể trên con đường “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Cơ hội của Israel

Một tín hiệu tích cực khác cho thấy thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng là phát biểu gần đây của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: theo ông, cuộc đối đầu quân sự với Iran đã mở ra "cơ hội chiến lược" cho Israel tại Gaza.

Trong cuộc chiến dữ dội kéo dài 12 ngày với Tehran, Israel tuyên bố đã loại bỏ 30 quan chức an ninh cấp cao và 11 nhà khoa học hạt nhân Iran. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào năng lực tình báo và hậu cần của quốc gia này, tạo điều kiện cho Israel thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn theo các điều kiện có lợi cho mình ở Gaza.

Chuyên gia Marika Sosnowski của The Conversation nhận định rằng, cũng giống như khi đối chọi với Iran, Thủ tướng Netanyahu giờ đây có thể công khai tuyên bố “chiến thắng” tại Gaza, mà không bị xem là nhân nhượng hoặc suy yếu trước áp lực chính trị trong nước, đặc biệt từ phe cực hữu trong liên minh cầm quyền vốn luôn cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu mềm mỏng nào với Hamas.

Về mặt lý thuyết, dự thảo ngừng bắn hiện tại, được xây dựng dựa trên đề xuất của Qatar và Ai Cập, dường như đang khôi phục lại khuôn khổ của vòng đàm phán từng đổ vỡ hồi tháng 1/2025; theo đó đề xuất thiết lập một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày. Theo các báo cáo, kế hoạch này bao gồm việc các nhà lãnh đạo Hamas phải rời khỏi Gaza và bốn quốc gia Arab – trong đó có Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ai Cập, sẽ cùng quản lý dải đất này trong một cơ chế giám sát khu vực.

Dù vậy, những điều khoản này có vẻ quá xa rời thực tế. Hamas đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng đàm phán cho một thỏa thuận lâu dài, nhưng điều họ đối mặt là một thỏa thuận thiếu tính đối xứng và có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ ảnh hưởng chính trị – quân sự tại dải Gaza.

Cảnh đổ nát sau ở Gaza sau cuộc xung đột Isreal-Hamas. Ảnh: Reuters

Cảnh đổ nát sau ở Gaza sau cuộc xung đột Isreal-Hamas. Ảnh: Reuters

Theo những điều khoản được tiết lộ, Israel cũng sẽ tiếp tục kiểm soát toàn bộ các cửa khẩu ra vào Gaza. Trong khi đó, Quỹ Nhân đạo Gaza – một cơ chế viện trợ do Mỹ và Israel bảo trợ, sẽ được độc quyền cung cấp và quản lý hàng cứu trợ cho khu vực này, gạt bỏ hoàn toàn vai trò của Hamas và các tổ chức địa phương. Đối với nhiều người Palestine, điều này khó lòng chấp nhận được.

Một chi tiết gây tranh cãi khác trong dự thảo là điều khoản cho phép người dân Gaza được “tự nguyện di cư” đến các quốc gia chưa được nêu tên. Israel từng nhiều lần khẳng định rằng việc tái định cư người Palestine ở nước ngoài là “giải pháp nhân đạo”. Tuy nhiên, đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, đây vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Hy vọng nào cho hòa bình?

Hiện có nhiều động lực đang đồng thời thúc đẩy khả năng đạt được một lệnh ngừng bắn tại Gaza. Trong số đó có thể kể đến áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ – đồng minh then chốt của Israel, những tính toán nội bộ trong chính trường Israel, và ảnh hưởng dư chấn từ cuộc đối đầu gần đây giữa Israel và Iran. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế đối với chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza.

Trong kịch bản lý tưởng, bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào đạt được cần được ràng buộc bằng những điều khoản rõ ràng và chi tiết. Đó không chỉ là điều kiện để các bên hiểu rõ trách nhiệm của mình, mà còn tạo nền tảng pháp lý để cộng đồng quốc tế lên tiếng nếu xảy ra bất kỳ vi phạm nào trong tương lai.

Dẫu vậy, trong bối cảnh hiện tại, ngay cả một lệnh ngừng bắn ngắn hạn cũng có thể được xem là bước ngoặt chiến thuật đáng giá. Nó có thể giúp giảm thiểu thương vong, mở đường cho viện trợ đi vào Gaza, vốn đang bên bờ thảm họa nhân đạo, đồng thời tạo điều kiện cho việc trao trả các con tin Israel và tù nhân Palestine.

Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo nhìn nhận rằng một lệnh ngừng bắn tạm thời không thể thay thế cho một giải pháp chính trị toàn diện. Việc chấm dứt tiếng súng, nếu không đi kèm với một lộ trình cụ thể nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân của xung đột cũng chỉ là liều thuốc giảm đau nhất thời.

Lịch sử cho thấy con đường dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn thực sự chưa bao giờ bằng phẳng; và hòa bình ở Gaza cũng không phải là ngoại lệ. Nhìn lại cuộc xung đột đã âm ỉ suốt 70 năm qua, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm kiếm hòa bình đều mang màu sắc của một ván cờ chiến lược – nơi những nhượng bộ thường chỉ mang tính tạm thời, và đôi khi chỉ là cái cớ để chuẩn bị cho vòng leo thang kế tiếp.

Tuy nhiên, thách thức không chỉ nằm ở bàn đàm phán, mà còn ở chặng đường dài và đầy bất trắc sau đó: duy trì, thực thi và bảo vệ những gì đã cam kết. Hòa bình, nếu có thể đạt được, sẽ là kết quả của những bước đi nhỏ nhưng nhất quán, những nhượng bộ khó khăn nhưng cần thiết, và trên hết là thiện chí thực sự từ cả hai bên tham chiến.

Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo The Conversation, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/xung-dot-israel-hamas-co-the-ket-thuc-trong-tuan-toi-nhu-ong-trump-ky-vong-post1211776.vov