Xung đột Israel - Hamas trước nguy cơ lan rộng ra khu vực
Xung đột Israel - Hamas tiếp tục leo thang với nguy cơ một cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza và một mặt trận xung đột thứ hai mở ra với Hezbollah ở phía Bắc Gaza.
Các nước Mỹ, Jordan, Ai Cập đang tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột, đặc biệt không để lan rộng ra khu vực. Mỹ tuyên bố ủng hộ việc vô hiệu hóa Hamas nhưng cảnh báo sẽ là sai lầm nếu Israel chiếm đóng dải Gaza một lần nữa.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “60 phút” của đài CBS phát sóng tối qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ quan điểm cần phải vô hiệu hóa hoàn toàn lực lượng Hamas nhưng cần phải thiết lập một nhà nước Palestine độc lập. Tổng thống Joe Biden cho rằng, các tàu chiến Mỹ được điều tới khu vực nhưng quân đội Mỹ không cần thiết triển khai trên thực địa.
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan trước đó cũng bày tỏ lo ngại cuộc xung đột có thể leo thang với mặt trận thứ hai mở ra ở phía bắc có sự can dự hậu thuẫn của Iran.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ lo ngại xung đột sẽ mỏ rộng ra toàn Trung Đông: “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ tác nhân nào, có thể là tác nhân nhà nước như Iran hay một nhóm khủng bố khác như Hezbollah, mở rộng cuộc xung đột này, mở ra các mặt trận bổ sung khiến Lực lượng Phòng vệ Israel phân tâm khỏi cuộc chiến chính của họ chống lại Hamas. Đó là lý do tại sao tổng thống đã ra lệnh cho nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald R. Ford tiến vào phía Đông Địa Trung Hải như một thông điệp răn đe mạnh mẽ. Và đó là lý do tại sao chúng tôi vừa mới thông báo rằng tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower và các tàu hộ tống sẽ đi theo hướng đó để sẵn sàng cho các hoạt động răn đe trong khu vực”.
Giới chức Mỹ cũng đang thúc giục Israel tạm dừng kế hoạch tấn công trên bộ để thực hiện các nỗ lực nhân đạo cho cư dân Gaza bị mắc kẹt trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cửa khẩu biên giới do Ai Cập kiểm soát vào Gaza sẽ mở cửa trở lại và Mỹ đang làm việc với Ai Cập, Israel và Liên Hợp Quốc để nhận được hỗ trợ thông qua cửa khẩu này.
Trong lúc này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục ngoại giao con thoi giữa các nước Arab và dự kiến hôm nay trở lại Israel với quyết tâm đảm bảo cuộc xung đột Israel - Hamas không lan sang những nơi khác trong khu vực. Sau khi thăm một loạt quốc gia gồm Jordan, Bahrain, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia và Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định quyền tự vệ của Israel nhưng nhấn mạnh việc này cần được thực hiện theo cách tránh gây tổn hại cho dân thường.
Tổng thống Ai cập Abdel Fattah al-Sisi cũng cho rằng, hành động trả đũa của Israel đã vượt xa quyền tự vệ và trở thành sự “trừng phạt tập thể” đối với dải Gaza, nơi sinh sống của 2,3 triệu người Palestine. Jordan cảnh báo bất kỳ động thái nào của Israel nhằm ép buộc người Palestine ở dải Gaza di tản sẽ đẩy khu vực này đến "vực thẳm" của một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian thông qua hãng Al Jazeera phát đi cảnh báo rằng, "nếu Israel thực hiện cuộc tấn công trên bộ như dự kiến, Iran sẽ đáp trả mà không thể đơn thuần là quan sát viên”. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết Mỹ cũng sẽ phải chịu “thiệt hại đáng kể” nếu cuộc chiến ở Gaza lan thành một cuộc xung đột lớn hơn. Theo giới quan sát, nếu như Hezbollah ở Lebanon tham gia vào cuộc xung đột, nó có thể tạo ra điểm bùng phát tiếp theo, lôi kéo các cường quốc lớn hơn trong khu vực như Iran và Saudi Arabia.
Trong bối cảnh xung đột không ngừng leo thang, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi Israel chấm dứt các hoạt động quân sự bởi các hành động và chính sách của Hamas không đại diện cho người dân Palestine ở Gaza.