Xung đột Israel - Hamas: Xe tăng IDF 'bắn nhầm' đồn Ai Cập, đoàn xe viện trợ thứ 2 chưa thể tiến vào Gaza
Số người thiệt mạng ở dải Gaza tiếp tục tăng, Hezbollah ra lời cảnh báo, Mỹ-Trung Quốc lần lượt lên tiếng…là một số tin tức đáng chú ý về xung đột Israel - Hamas.
* Xe tăng Israel “bắn nhầm” đồn Ai Cập: Ngày 22/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận xe tăng của quân đội nước này đã “vô ý” bắn trúng một đồn quân sự của Ai Cập.
Tuyên bố nêu rõ: “Vụ việc đang được điều tra và thông tin chi tiết đang được xem xét. IDF bày tỏ vô cùng lấy làm tiếc về vụ việc này”. Hiện chưa có báo cáo cụ thể về thương vong sau sự cố nêu trên.
Đồn quân sự của Ai Cập bị bắn trúng nằm ở Kerem Shalom, gần biên giới Israel-Ai Cập và phía Nam Dải Gaza, nơi đang chứng kiến các cuộc đụng độ quyết liệt giữa IDF và Hamas.
* Số người Palestine thiệt mạng ở Dải Gaza tăng mạnh: Ngày 22/10, người phát ngôn Bộ Y tế ở Gaza, ông Ashraf Al-Qudra, cho biết kể từ ngày 7/10, đụng độ ở dải Gaza đã khiến 4.651 người Palestine thiệt mạng, trong đó có tới 40% là trẻ em. Ngoài ra, hơn 14.245 người khác đã bị thương, 70% là trẻ em và phụ nữ.
Quan chức này cũng cho biết, trong 24 giờ qua, các cuộc đụng độ giữa hai bên đã khiến 266 người Palestine thiệt mạng trong 24 giờ qua, trong đó có 117 trẻ em.
Người dân Palestine ở Dải Gaza cho biết IDF đã cảnh báo, họ phải di dời từ miền Bắc Gaza về miền Nam để tránh bị thương vong. Tuy nhiên, nhiều người dân tại đây cho rằng, việc di chuyển về phía Nam hiện nay là khá nguy hiểm.
Về phần mình, hiện Israel ghi nhận ít nhất 1.500 người thiệt mạng và hơn 4.200 người bị thương.
* Đoàn xe viện trợ thứ 2 chưa vào dải Gaza: Ngày 22/10, báo chí Ai Cập đưa tin đoàn 17 chiếc xe tải chở hàng viện trợ đã từ Ai Cập vào Dải Gaza. Phóng viên AP cho biết đã thấy 7 xe chở nhiên liệu hướng vào dải Gaza.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine Juliette Touma đã phủ nhận tin trên. Tuyên bố của quan chức này, cũng như IDF cho biết các xe tải đó vận chuyển nhiên liệu đã được lưu trữ sẵn trong dải Gaza để phân phát tới các khu vực khác, thay vì nhiên liệu mới.
Trước đó, ngày 21/10, đoàn xe gồm 20 chiếc của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Ai Cập đã vào Gaza.
Sau khi xung đột với Hamas bùng phát ngày 7/10 vừa qua, Israel đã bao vây hoàn toàn dải Gaza, đồng thời cắt điện, nước, năng lượng. Hiện 2,4 triệu người Palestine đang mắc kẹt tại khu vực. Hơn 40% số nhà ở đây đã bị hư hại hoặc phá hủy do xung đột.
Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế và khu vực hối thúc Israel cho phép viện trợ cấp thiết vào Gaza để giảm nhẹ thảm họa nhân đạo ở vùng lãnh thổ này. Hiện Rafah là cửa khẩu duy nhất vào Gaza không do Israel kiểm soát, song các cuộc không kích đã làm đường sá hư hỏng và ngăn xe chở hàng cứu trợ.
Liên hợp quốc ước tính cần 100 xe tải chở hàng/ngày mới có thể đáp ứng nhu cầu của dân Gaza. Trong khi đó, IDF lại đang đẩy mạnh các cuộc không kích, đồng thời các lực lượng Israel được cho là đang chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza.
* Hezbollah: Israel sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Gaza: Ngày 22/10, Phó Thủ lĩnh của Hezbollah, ông Sheikh Naim Qassem khẳng định, lực lượng này đã “ở trung tâm” của xung đột. Bên cạnh đó, ông nêu rõ: “Chúng tôi đang cố gắng làm suy yếu Israel và cho họ biết rằng chúng tôi đã sẵn sàng tham chiến”. Ngoài ra, các quan chức của Phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza cũng đã tuyên bố nếu Israel phát động chiến dịch tấn công trên bộ ở Gaza, Hezbollah sẽ tham chiến.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Jonathan Conricus nhấn mạnh: “Hezbollah đang kéo Lebanon vào cuộc xung đột mà nước này chẳng những không thu hoạch được gì, thậm chí có thể mất rất nhiều. Hezbollah đang chơi một trò chơi nguy hiểm. Họ đang làm leo thang tình hình”.
* Mỹ ‘sẵn sàng hành động’, Trung Quốc và Iran nói gì? Ngày 22/10, phát biểu trong chương trình “This Week” của đài ABC (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: “Nếu bất kỳ nhóm, quốc gia nào tìm cách mở rộng xung đột này và lợi dụng tình hình đáng tiếc này, lời khuyên của chúng tôi là hãy dừng lại. Chúng tôi có quyền tự vệ và sẽ không ngần ngại có hành động thích hợp”.
Đáng chú ý, ông đưa ra tuyên bố trên khi trước đó vài giờ, Lầu Năm góc thông báo sẽ chuyển một Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cùng một lượng binh sĩ tới Trung Đông.
Trong khi đó, điện đàm với người đồng cấp Luxembourg Jean Asselborn ngày 21/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã chỉ trích các đợt tấn công của Israel vào dải Gaza, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đây.
Về phần mình, nhà ngoại giao Luxembourg cho biết, ông nhận thức được sự nghiêm trọng ở Gaza và hy vọng một giải pháp chính trị có thể được ưu tiên để chấm dứt căng thẳng càng sớm càng tốt. Ông cũng hy vọng Iran có thể đóng vai trò “mang tính xây dựng và tích cực” để khôi phục hòa bình trong khu vực này.
Trong cuộc điện đàm sau đó, ông Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Oman Sayyid Badr Albusaidi đã thảo luận cách để ngăn chặn xung đột, dỡ bỏ sự bao vây và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Cả hai đều phản đối mạnh mẽ việc buộc người Gaza phải di dời đến phía Nam của vùng đất ven biển này.
Cùng ngày, Đặc phái viên Trung Quốc tại Trung Đông, ông Trạch Tuyển, đã tuyên bố, Bắc Kinh nhận thấy “vũ lực không phải là cách giải quyết” cuộc xung đột Israel-Hamas và một lần nữa kêu gọi ngừng bắn. Phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình” tại Ai Cập, nhà ngoại giao này, đã kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt giao tranh (Israel - Hamas) càng nhanh càng tốt”.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh, ông Trạch cũng gặp người đứng đầu Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Israel, nhưng nước này đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine trong nhiều thập kỷ và duy trì quan điểm về giải pháp hai nhà nước.