Xung đột Israel - Iran mở ra kỷ nguyên mới của chiến tranh tâm lý
Cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran đánh dấu bước ngoặt mới trong chiến tranh tâm lý, khi mạng xã hội, tin giả và trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành vũ khí chiến lược mới nguy hiểm còn hơn cả tên lửa.
AI và mạng xã hội làm thay đổi cục diện chiến tranh thông tin
Vài giờ trước khi lực lượng Israel không kích nhà tù Evin ở thủ đô Tehran hôm 23/6, các bài đăng bằng tiếng Ba Tư bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội, dự báo vụ tấn công và kêu gọi người dân Iran tới giải cứu tù nhân.
Ngay sau khi tên lửa rơi xuống, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội X và Telegram, được cho là ghi lại cảnh nổ ở cổng vào nhà tù Evin. Vụ không kích là thật, nhưng các bài đăng và đoạn video đi kèm không đúng như những gì chúng thể hiện. Theo các nhà nghiên cứu theo dõi hoạt động này, đây là một phần trong chiến dịch đánh lừa dư luận của phía Israel.

Hình ảnh do AI tạo ra sau khi Iran tuyên bố bắn hạ F-35 của Israel.
Đó không phải là chiêu trò duy nhất trong cuộc đối đầu kéo dài 12 ngày. Cả Israel và Iran dường như đã biến mạng xã hội thành chiến trường số, sử dụng tin giả và đánh lạc hướng nhằm tác động đến diễn biến thực địa, bên cạnh các đòn tấn công bằng tên lửa khiến hàng trăm người thiệt mạng và làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Theo các nhà phân tích, mức độ và cường độ của cuộc chiến thông tin lần này vượt xa những gì từng diễn ra trước đây. Các chiến dịch bắt đầu ngay trước các đòn đánh quân sự, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và lan rộng với tốc độ chưa từng thấy.
Chiến tranh thông tin, còn gọi là chiến tranh tâm lý (psyops), vốn không phải khái niệm mới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, chiến dịch giữa Israel và Iran lần này có quy mô lớn hơn và mục tiêu cụ thể hơn, được hàng triệu người chứng kiến trực tiếp qua màn hình điện thoại ngay giữa lúc bom rơi đạn nổ.
Điều này trở nên khả thi nhờ công nghệ hiện đại – đặc biệt là mạng xã hội và AI – cho phép các quốc gia phản ứng tức thì trước các sự kiện và tiếp cận người dân trong nước lẫn cộng đồng quốc tế một cách thuyết phục hơn bao giờ hết.
Vũ khí chiến lược mới còn nguy hiểm hơn cả tên lửa
Phía Iran được cho là đã gửi cảnh báo bằng tiếng Hebrew tới hàng nghìn điện thoại di động tại Israel, khuyên người nhận tránh các hầm trú ẩn vì các tay súng đang lên kế hoạch đột nhập và tấn công người bên trong. Ngược lại, một mạng lưới tài khoản được cho là của Israel đăng tải các nội dung bằng tiếng Ba Tư nhằm làm suy giảm niềm tin của người dân Iran vào chính phủ, bao gồm cả các video do AI tạo ra với giọng đọc của một “người phụ nữ” ảo.
“Chắc chắn đây là một kỷ nguyên mới của chiến tranh ảnh hưởng. Chưa từng có thời điểm nào trong lịch sử mà quy mô tuyên truyền có thể được mở rộng đến mức này”, Giáo sư James J.F. Forest thuộc Đại học Massachusetts Lowell nhận định.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc đều từ chối bình luận về các chiến dịch chiến tranh tâm lý.
Cả Israel và Iran được cho là đã tiến hành các chiến dịch ảnh hưởng, đồng thời tận dụng AI để mở rộng phạm vi tác động. Giáo sư Hany Farid (Đại học California, Berkeley), người đồng sáng lập công ty GetReal Security, cho biết video giả mạo cảnh nổ ở nhà tù Evin là một ví dụ điển hình cho trình độ công nghệ ngày càng tinh vi của các bên.
Nội dung lan truyền trong xung đột lần này bao gồm hình ảnh chỉnh sửa, video bịa đặt nhằm làm nhụt tinh thần hoặc bôi nhọ đối phương – từ ảnh cũ của các cuộc xung đột trước, hình ảnh nhà lãnh đạo tối cao Iran và Thủ tướng Israel bị xuyên tạc, cho đến những sản phẩm công nghệ khó nhận biết như video Evin mà một số hãng tin lớn, trong đó có New York Times, có lúc nhầm tưởng là thật.
Ông Farid so sánh mức độ lan truyền hiện nay với thời Thế chiến II, khi các quốc gia chỉ có thể phát thông điệp qua tờ rơi hoặc sóng phát thanh: “Khi đó, bạn có một thông điệp gửi tới nhiều người. Giờ bạn có thể phát một triệu thông điệp tới một triệu người khác nhau. Điều đó tạo ra sự khác biệt rất lớn”.
“Phía Iran dường như nhắm tới đối tượng trong nước và khu vực nhiều hơn là Israel”, ông Ari Ben-Am, đồng sáng lập công ty phân tích số liệu Telemetry Data Labs nhận định.
Một trong các video giả mạo trong cuộc xung đột giữa Israel và Iran hồi tháng 6 khác cho thấy sân bay Ben Gurion ở Israel bị phá hủy. Thực tế điều này chưa từng xảy ra.
Iran tuyên bố đã bắn rơi ít nhất 3 tiêm kích F-35 của Israel, nhưng Tel Aviv bác bỏ thông tin này và thực tế cũng không có bằng chứng xác thực. Các nhà nghiên cứu truy vết các bức ảnh và video về xác máy bay Israel cũng như máy bay Mỹ được lan truyền trên mạng cho thấy chúng có nguồn gốc từ các nguồn tin thân Iran. Thậm chí, truyền thông Iran còn tuyên bố bắt được một phi công Israel tên là Sarah Ahronot, nhưng bức ảnh thực tế là của một sĩ quan hải quân Chile chụp từ năm 2011.
Cuộc chiến chưa có hồi kết ngay cả khi ngừng bắn
Công ty NewsGuard, chuyên theo dõi tin giả, xác nhận phía Iran đã phát tán ít nhất 28 thông tin sai lệch qua mạng xã hội và các kênh truyền thông. Dù được xác định là giả, nhưng những nội dung nói trên vẫn thu hút hàng triệu lượt xem và tiếp tục tồn tại trên mạng.
AI giờ không chỉ dịch nội dung sang các ngôn ngữ khác mà còn điều chỉnh sắc thái cho phù hợp với từng nhóm người xem.
“Các tài khoản giả giờ trông thuyết phục hơn. Tiếng Hebrew dùng trong các bài đăng rất tự nhiên, nội dung được thiết kế bài bản nhắm tới từng đối tượng cụ thể. Lượng thông tin được tung ra – văn bản, hình ảnh, video – là chưa từng thấy trước đây”, ông Achiya Schatz, Giám đốc FakeReporter – tổ chức Israel chuyên theo dõi các chiến dịch tin giả, nói.
Chiến dịch của phía Israel không chỉ nhắm đến mục tiêu phá hủy mà còn nhằm khơi dậy làn sóng bất mãn trong xã hội Iran. Một báo cáo của công ty an ninh Horizon Intelligence (trụ sở tại Brussels) chỉ ra rằng các tài khoản liên quan tới Israel đã chia sẻ những đoạn video cũ về biểu tình để tạo cảm giác có bất ổn trong lòng Iran. Một video do AI tạo ra thậm chí mô tả người Iran hô vang khẩu hiệu “Chúng tôi yêu Israel”.
Ông Darren L. Linvill, đồng Giám đốc Trung tâm Pháp y Truyền thông tại Đại học Clemson (Mỹ), cho rằng video nhà tù Evin được lan truyền có hệ thống qua các tài khoản giả nhằm phát tán nội dung chống Iran. Ông gọi đây là ví dụ rõ ràng về “sự phối hợp giữa tấn công quân sự và chiến tranh tâm lý”.
Ngay cả sau khi 2 bên ngừng bắn ngày 24/6, chiến tranh thông tin vẫn tiếp diễn. Một tài khoản mới trên X tuyên bố là người phát ngôn tiếng Ba Tư của cơ quan tình báo Israel (Mossad) xuất hiện, đăng tải lời kêu gọi người Iran nổi dậy kèm theo cam kết hỗ trợ y tế và tài chính.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng những gì đang diễn ra giữa Israel và Iran là hình mẫu cho loại hình chiến tranh trong tương lai – nơi thông tin giả, nội dung do AI tạo ra và mạng xã hội có thể được sử dụng như vũ khí chiến lược, song hành cùng tên lửa và xe tăng.
“Chúng ta chưa thực sự chuẩn bị sẵn sàng cho hình thức chiến tranh tâm lý kiểu mới này. Dù không làm thay đổi kết quả trên chiến trường, nhưng nó có thể làm thay đổi cách thế giới nhìn nhận về các cuộc xung đột”, ông David Millar, cựu sĩ quan tình báo Mỹ nhận định.