Xung đột Israel-Iran và bài toán Trung Đông: 'Cách giải' của Mỹ, Nga và Trung Quốc

Với tình hình căng thẳng Israel-Iran và bài toán Trung Đông hiện nay, Mỹ, Trung Quốc và Nga theo đuổi những cách tiếp cận khác nhau, song cùng chia sẻ xu hướng giảm mức độ can dự vào khu vực vốn nhiều bất ổn này.

Các nước lớn là Mỹ, Trung Quốc và Nga đều có cách tiếp cận riêng về xung đột Israel-Iran. (Nguồn: Shuterstock)

Các nước lớn là Mỹ, Trung Quốc và Nga đều có cách tiếp cận riêng về xung đột Israel-Iran. (Nguồn: Shuterstock)

Các "ranh giới đỏ" mới

Tờ National Interest mới đây đăng tải bài phân tích nhận định rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt được một số thành công trong thúc đẩy hòa bình bằng cách sử dụng sức mạnh, đồng thời trấn an dư luận trong nước rằng Washington vẫn kiên định với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.

Mỹ đã phát đi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc và Nga rằng Washington sẵn sàng hành động nhanh chóng, dứt khoát nhằm đạt các mục tiêu giới hạn, có thể hoàn tất mục tiêu trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, Israel đã đạt được mục tiêu chiến lược khi giành thế chủ động trong định hình cục diện an ninh khu vực.

Các hoạt động quân sự của Israel nhằm vào Iran không nhất thiết để định đoạt tương lai của Cộng hòa Hồi giáo, nhưng đã góp phần thiết lập loạt “ranh giới đỏ” mới trong khu vực.

Thông qua các hành động nhanh gọn, không cần tham vấn sâu các đối tác quốc tế, Israel và Mỹ phát đi thông điệp rõ ràng: Họ sẵn sàng sử dụng vũ lực bất cứ khi nào nhận định Iran là một mối đe dọa tiềm tàng.

Hơn nữa, Mỹ và Israel sẽ quyết định "mối đe dọa tiềm tàng" là gì và nếu Iran trả đũa, nước này có thể sẽ nhận lại một phản ứng áp đảo.

Trong bối cảnh đó, bài viết nhận định, các lực lượng như Hezbollah, Hamas, Houthi và các nhóm vũ trang tại Iraq không còn được xem là lực lượng ủy nhiệm hoàn toàn của Iran. Những nhóm này ngày càng hành động theo lợi ích riêng, dù vẫn thúc đẩy ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.

Một số quốc gia Arab, trong đó có Saudi Arabia, nhiều khả năng sẽ tiến gần hơn tới Israel, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác ngoại giao và quân sự theo hướng cởi mở hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, triển vọng mở rộng Hiệp định Abraham trên phạm vi khu vực khó có thể tiến triển nếu xung đột tại Gaza chưa chấm dứt hoàn toàn.

Khi lợi ích chưa đủ lớn

Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dù còn do dự, song đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán hạt nhân với Iran. Có thời điểm, Nhà Trắng được cho là cân nhắc khả năng ký kết một thỏa thuận không cần Quốc hội phê chuẩn, cho phép Iran duy trì một phần năng lực hạt nhân ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, tình hình diễn biến phức tạp sau khi Israel tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Iran, khiến tiến trình đối thoại rơi vào thế bấp bênh.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump đã có loạt hành động quân sự được đánh giá là nhằm khẳng định quyết tâm và vai trò điều phối của Mỹ. Thỏa thuận ngừng bắn sau đó giữa Israel và Iran được nhìn nhận như một minh chứng cho ảnh hưởng của Washington trong việc hạ nhiệt căng thẳng.

Giới quan sát cho rằng, ngoài tác động trực tiếp tới xung đột khu vực, động thái lần này còn gửi đi thông điệp cứng rắn tới các bên liên quan, trong đó có Bắc Kinh và Moscow, về lập trường của Mỹ đối với những giới hạn chiến lược mà Washington đặt ra.

Vậy nhưng, Trung Quốc và Nga có thực sự "mặn mà" với vòng xoáy Trung Đông hiện nay?

Tạp chí Foreign Policy mới đây đăng tải bài phân tích về phản ứng của Nga trước căng thẳng giữa Israel và Iran. Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin duy trì lập trường trung lập và đề xuất vai trò trung gian hòa giải, thay vì công khai ủng hộ Tehran.

Giới quan sát cho rằng phản ứng thận trọng của Moscow phần nào phản ánh giới hạn trong quan hệ đối tác giữa Nga và Iran. Dù hai bên đã ký kết thỏa thuận an ninh từ đầu năm, Nga chưa cung cấp hỗ trợ quân sự đáng kể cho Iran. Các hệ thống tên lửa phòng không – được xem là cần thiết để đối phó với các cuộc không kích – không được chuyển giao, trong khi lô máy bay chiến đấu Su-35 đặt mua từ năm 2023 vẫn chưa đến tay Tehran. Điều này khiến Iran tiếp tục phải dựa vào đội bay từ những năm 1970 do Mỹ sản xuất.

Lập trường của Nga được cho là nhằm cân bằng lợi ích. Moscow đã chỉ trích các cuộc không kích của Israel và cảnh báo Mỹ về nguy cơ leo thang, song đồng thời cũng không ủng hộ việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân – điều được cho là đi ngược lại lợi ích an ninh của Nga trong khu vực.

Viện Lowy (Australia) mới đây đăng tải bài phân tích về phản ứng thận trọng của Trung Quốc trước căng thẳng Israel-Iran, chỉ ra ba nguyên nhân chính lý giải cách tiếp cận kiềm chế của Bắc Kinh trong vấn đề Trung Đông.

Thứ nhất, quan hệ Trung Quốc – Iran vốn không gắn bó chặt chẽ. Ngoài lập trường chung phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ, hai bên ít chia sẻ đồng thuận chiến lược. Trung Quốc được hưởng lợi từ trật tự hiện tại tại khu vực và có lý do để dè chừng trước những tham vọng khu vực của Tehran.

Thứ hai, Bắc Kinh ngày càng tăng cường quan hệ kinh tế với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia – hai đối tác chủ chốt tại Vùng Vịnh với tổng giá trị đầu tư hàng chục tỷ USD. Mối quan hệ này đi kèm với sự phối hợp chính trị và những lợi ích chung, đặc biệt trong việc bảo đảm an ninh hàng hải qua Eo biển Hormuz – tuyến vận chuyển dầu mỏ chiến lược mà Iran từng đe dọa phong tỏa.

Thứ ba, Trung Quốc nhận thức rõ những hệ lụy mà Mỹ đã phải đối mặt sau các cuộc can dự kéo dài tại Trung Đông. Kinh nghiệm đó khiến Bắc Kinh lựa chọn tiếp cận thận trọng hơn. Dù là khách hàng nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng ngày càng tăng tại khu vực, Trung Quốc vẫn còn cách khá xa so với vai trò truyền thống của Mỹ trong việc định hình trật tự an ninh Trung Đông.

John Gong, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế tại Bắc Kinh, cho rằng mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc trong suốt cuộc xung đột Israel-Iran là tránh “giá dầu tăng vọt” có thể đe dọa đến an ninh năng lượng của nước này.

Như vậy, rõ ràng Mỹ, Trung Quốc và Nga đều có những toan tính riêng đối với khu vực Trung Đông. Một số người trong chính quyền Mỹ hiện nay cho rằng nhiều khả năng Washington sẽ nắm bắt cơ hội lần này để rút Mỹ khỏi Trung Đông, coi các hành động ở Iran là "nhiệm vụ đã hoàn thành" và là cái cớ tốt để chuyển hướng nguồn lực sang các ưu tiên khác. Sau giai đoạn này, rất có thể Trung Đông sẽ phải tự tìm hướng để tự hóa giải "mớ bòng bong" của chính mình.

(theo National Interest, Foreign Policy, Viện Lowy)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-iran-va-bai-toan-trung-dong-cach-giai-cua-my-nga-va-trung-quoc-319558.html