Xung đột Israel-Palestine: Vòm Sắt của Israel bộc lộ những điểm yếu nào?

Không tồn tại một hệ thống phòng thủ tên lửa đảm bảo đánh chặn 100% tất cả các tên lửa đang bay đến, xung đột Israel-Palestine mới đây đã bộc lộ những điểm yếu cố hữu của hệ thống thống phòng không Vòm Sắt đang được tung hô của Israel.

Vòm Sắt (Iron Dome) là hệ thống phòng không di động tầm ngắn đa nhiệm, được phát triển để chống lại các tên lửa tầm ngắn và các mối đe dọa từ đạn pháo 155 mm có tầm bắn 4-70 km, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết sương mù, bão bụi, mây mù và mưa. Theo nhà sản xuất Vòm Sắt - Rafael Advanced Defense Systems - cho đến nay, đây là hệ thống đáng tin cậy nhất, có khả năng bắn hạ các tên lửa trong khoảng thời gian 15 giây từ khi phóng cho đến khi tác động vào tên lửa đang bay đến.

Một khẩu đội Iron Dome bao gồm một radar phát hiện và theo dõi, một hệ thống quản lý chiến đấu và điều khiển vũ khí, và 3-4 bệ phóng tên lửa, mỗi bệ được trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir. Theo nhà sản xuất, một khẩu đội Vòm Sắt có thể bảo vệ một thành phố cỡ trung bình. Hiện có 10 hệ thống Vòm Sắt di động đang được sử dụng ở Israel và nhà nước Do Thái cần 13 hệ thống để bảo vệ toàn bộ đất nước. Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật này được quảng cáo có khả năng đánh chặn từ 85-90% tên lửa của đối phương, tuy nhiên, trong những ngày gần đây, hiệu quả của nó đã bị đặt dấu hỏi.

Cuộc xung đột Palestine-Israel đang diễn ra trên thực tế là cuộc đối đầu giữa lực lượng công nghệ cao và công nghệ thấp. Israel sử dụng hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất, để đối đầu với những tên lửa tự chế đơn giản nhất, và vũ khí công nghệ cao của Israel đã bộc lộ những thiếu sót. Về nguyên tắc, không tồn tại một hệ thống phòng thủ tên lửa đảm bảo đánh chặn 100% tất cả các tên lửa, và ngay cả khi các tên lửa được đánh chặn thành công, vẫn còn các mảnh đạn rơi từ không trung có khả năng gây chết người và sát thương.

Hệ thống Vòm Sắt được quảng cáo có tỷ lệ đánh chặn lên tới 90%; Nguồn: IDF

Hệ thống Vòm Sắt được quảng cáo có tỷ lệ đánh chặn lên tới 90%; Nguồn: IDF

Bất kỳ tổ hợp nào cũng có giới hạn bão hòa riêng của nó - số lượng mục tiêu tối đa mà hệ thống phòng không có thể tấn công với một lần nạp tên lửa. Trong Chiến tranh Gaza năm 2014, Hamas đã bắn gần 4.000 quả rocket, nhưng được dàn trải trong 50 ngày. Mức cao nhất khoảng 200 quả rocket dàn trải cả ngày - và trong 50 ngày xung đột, chỉ trong khoảng hai tuần, hơn 100 quả rocket được bắn mỗi ngày. Nhưng mới đây, Hamas đã bắn thành công hơn 100 quả rocket trong vòng vài phút, trong đó, có một số lượng lớn tập trung vào Tel Aviv - một trong những mục tiêu tối quan trọng mà Vòm Sắt phải bảo vệ.

Trang Forbes của Mỹ nhận định, khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát dữ dội mới đây, Vòm Sắt không có lợi thế áp chế tuyệt đối so với tên lửa giá rẻ số lượng nhiều của Hamas. Theo thông tin công khai, mỗi quả tên lửa Vòm Sắt có giá từ 40.000 đến 100.000 USD, trong khi giá mỗi quả rocket do người Palestine bắn chỉ rơi vào khoảng 1.000 - 5.000 USD. Sự ra đời của hệ thống này chủ yếu là vì lý do kinh tế. Nếu mỗi tên lửa của Palestine bắn trúng một khu dân cư của thành phố, nhà nước có nghĩa vụ bồi thường cho cư dân số tiền ít nhất là 250.000 USD. Vì lý do này, Vòm Sắt không phản ứng với các tên lửa và đạn pháo bay qua lãnh thổ không có người ở, nhưng luôn cố gắng đánh chặn những tên lửa bay đến các khu dân cư.

Hiện nay tên lửa mà người Palestine sử dụng cũng đã thay đổi - một bước nhảy vọt cả về chất lượng, số lượng tên lửa được sử dụng chống lại Tel Aviv và chiến thuật bắn một lượng lớn tên lửa đồng thời. Trong kho vũ khí của các chiến binh Hamas có các loại vũ khí khác nhau, đặc điểm định tính và định lượng của chúng không được tiết lộ. Tên lửa của không quá phức tạp, loại tên lửa Kazan tự chế có kích thước đã lớn hơn, nhưng thiết kế cơ bản không thay đổi, được trang bị một đầu đạn nổ tự chế.

Những tên lửa này được sản xuất tại Dải Gaza, vỏ đạn là một ống thép hoặc nhôm với các cánh nâng được hàn phía đuôi, không có bất kỳ hệ thống dẫn đường nào và được phóng từ một giá đỡ đơn giản bằng kim loại (cũng được sản xuất tại Dải Gaza). Tên lửa ban đầu dài khoảng 1,8 m, nặng 36 kg, được trang bị đầu đạn nặng 8 kg và tầm bắn chỉ khoảng 3 km. Hiện nay, tên lửa lớn nhất mà Hamas sử dụng có trọng lượng hơn 50 kg, nhưng chưa phải là lớn lắm và có thể được lắp đặt và phóng bởi hai người, nhưng tầm bắn đã vượt quá 30 km.

Xung đột Israel-Plastine mới đây đã làm bộc lộ các điểm yếu và khiếm khuyết của Vòm Sắt; Nguồn: dw.com

Xung đột Israel-Plastine mới đây đã làm bộc lộ các điểm yếu và khiếm khuyết của Vòm Sắt; Nguồn: dw.com

Câu hỏi lớn hơn là liệu ước tính của tình báo Israel có chính xác không khi cho rằng Hamas chỉ có vài trăm tên lửa có thể vươn tới Tel Aviv. Các nhà quan sát cho rằng, tốc độ, độ chính xác, tầm bắn và hiệu lực được cải thiện của rocket mà Hamas sử dụng đang đặt ra thách thức đối với các hệ thống phòng không của Israel. Số lượng hệ thống Vòm Sắt có trong trang bị của Israel không đủ để bảo vệ toàn bộ quốc gia, nhất là trong một cuộc chiến nhiều mặt trận.

Bên cạnh đó, Vòm Sắt cũng không thể đánh chặn tên lửa hay rocket được phóng từ khoảng cách chưa đầy 4 km; hệ thống này cũng không thể theo dõi mục tiêu bay với tốc độ cao trong khoảng thời gian chưa đầy 28 giây. Nếu đối phương tiếp cận càng gần Israel hơn, mối đe dọa sẽ càng nghiêm trọng hơn. Chi phí vận hành tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt cao hơn nhiều so với rocket của Hamas và Hezbollah, làm cho việc bắn hạ trở thành một nỗ lực tốn kém.

Ngay cả trước khi bùng phát giao tranh gần đây, các quan chức tình báo và an ninh quốc gia Israel từ lâu đã cảnh báo rằng Hezbollah có đủ số lượng tên lửa đủ để tấn công nhà nước Do Thái với hơn 1.000 quả rocket trong một ngày, một lượng lớn có thể xuyên thủng lá chắn Iron Dome, kể cả khi nó đánh chặn được 85-90%. Với lượng rocket như vậy, Vòm Sắt bị xuyên thủng là điều không thể tránh khỏi. Các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện tại Iron Dome chỉ có chức năng che chắn; nó phải được bổ sung bằng hệ thống phòng thủ tích cực hơn, chẳng hạn như chủ động tìm kiếm các kho chứa tên lửa và bệ phóng trước khi chúng được sử dụng và ra tay tiêu diệt trước, bằng các cuộc không kích và pháo binh.

Nhà sản xuất từng quảng cáo Vòm Sắt có tỷ lệ đánh chặn lên tới 90%, khi 2.500 quả rocket của Hamas và Hezbollah đã bị đánh chặn thành công từ năm 2011 đến tháng 1/2021. Tuy nhiên, quân đội Israel ước tính tỷ lệ đó dao động từ 85-90%. Để đảm bảo chắc chắn khi tiêu diệt một mục tiêu, Vòm Sắt sẽ phóng liền hai tên lửa để đánh chặn một tên lửa. Nếu hết tên lửa, Vòm Sắt trở thành "cục sắt", và con số thương vong có thể tăng lên nhanh chóng.

Trường hợp đó có thể khiến Israel thực hiện các hành động quân sự khác, như dùng không quân, để phá hủy các bệ phóng tên lửa của Hamas. Nếu Israel tiến hành một cuộc tấn công mặt đất vào các trận địa phóng tên lửa của Hamas, có thể gây ra thương vong lớn và hậu quả chính trị toàn cầu. Thiệt hại do cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas là rất nhỏ, nên bất kỳ hành động quân sự nào của Israel đều bị coi là không cân xứng và phản cảm./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/xung-dot-israel-palestine-vom-sat-cua-israel-boc-lo-nhung-diem-yeu-nao-860528.vov