Xung đột kéo giảm tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu

Theo Unicef, xung đột đã cản trở nỗ lực tiêm chủng cho trẻ em trên toàn thế giới khi khoảng 14,5 triệu trẻ em chưa được tiêm một liều vaccine nào.

Yemen có 580.000 trẻ em chưa được tiêm chủng, tăng 424.000 so với 3 năm trước. Nguồn: Guardian.

Yemen có 580.000 trẻ em chưa được tiêm chủng, tăng 424.000 so với 3 năm trước. Nguồn: Guardian.

Dữ liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (LHQ) (Unicef) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, hơn một nửa số trẻ em sống ở các quốc gia có xung đột vũ trang hoặc các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác đang ở trong điều kiện dễ bị tổn thương.

Cuộc chiến ở Sudan đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng, từ khoảng 110.000 trẻ vào năm 2021 lên ước tính 701.000 trẻ vào năm 2023. Yemen có 580.000 trẻ em chưa được tiêm chủng, tăng 424.000 trẻ so với 3 năm trước. Ngoài 14,5 triệu trẻ em “không tiêm chủng” vào năm 2023, còn 6,5 triệu trẻ em “được tiêm chủng chưa đủ”, nghĩa là các em chưa nhận đủ số liều khuyến cáo.

Theo các quan chức LHQ, cả 2 con số này đều tăng so với năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng, dù một số khu vực đạt được tiến bộ, nhưng mục tiêu quốc tế nhằm giảm một nửa số trẻ em được tiêm liều 0 vào năm 2030 vẫn chưa đạt được.

Tiến sĩ Katherine O’Brien - Giám đốc bộ phận tiêm chủng và vaccine của WHO, cho biết: “Điều này khiến tính mạng của những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất gặp nguy hiểm. Trẻ em trong môi trường nhân đạo cũng thiếu an ninh, thiếu dinh dưỡng, thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe và rất có thể do những nguyên nhân đó mà chúng sẽ chết vì một căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine nếu mắc phải”.

Tỷ lệ bao phủ vaccine toàn cầu vẫn chưa trở lại mức năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng. Năm đó, 12,8 triệu trẻ em được phân loại là “không tiêm chủng” và thêm 5,5 triệu trẻ em được tiêm chủng không đầy đủ.

Hơn một nửa số trẻ em tiêm vaccine liều 0 trên thế giới sống ở 10 quốc gia có sự kết hợp giữa số lượng sinh lớn, hệ thống y tế yếu hoặc cả hai như: Nigeria, Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Congo và Indonesia. Năm 2023, Sudan, Yemen và Afghanistan gia nhập danh sách.

Báo cáo của LHQ cũng cho thấy đã có sự gia tăng mạnh mẽ về mức độ bao phủ của vaccine HPV, loại vaccine chống lại bệnh ung thư cổ tử cung, tuy nhiên, loại vaccine này vẫn cần được giới thiệu ở 51 quốc gia khác.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xung-dot-keo-giam-ty-le-tiem-chung-toan-cau-10285778.html