Từ thỏa thuận khoáng sản đến thương vụ vũ khí: Mỹ đang rời xa tiến trình hòa bình ở Ukraine?

Tuần qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có một động thái quan trọng trong quan hệ với Ukraine: phê duyệt đợt bán vũ khí đầu tiên, đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., Mỹ, ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., Mỹ, ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang Al Jazeera, thoạt nhìn, đây là một bước đi mang tính hỗ trợ an ninh của Washington với Kiev. Tuy nhiên, trong bối cảnh Ukraine đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình và Nga vẫn thể hiện lập trường cứng rắn, câu hỏi đặt ra là liệu hành động này có khiến triển vọng hòa bình trở nên xa vời hơn?

Thỏa thuận khoáng sản lịch sử

Một mỏ khoáng sản ở Kirovohrad, Ukraine. Ảnh: AP/TTXVN

Một mỏ khoáng sản ở Kirovohrad, Ukraine. Ảnh: AP/TTXVN

Ngày 30/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác khoáng sản để cùng khai thác các mỏ khoáng sản mới tại Ukraine - bao gồm kim loại, dầu và khí đốt – những tài nguyên chiến lược của Ukraine.

Theo nội dung của thỏa thuận, một nửa doanh thu từ phí bản quyền và cấp phép sẽ được đưa vào quỹ tái thiết quốc gia Ukraine. Tuy nhiên, biên bản này không nêu rõ khung thời gian thực hiện, tỷ lệ đầu tư cụ thể từ phía Mỹ, hay việc Washington có vai trò điều phối đầu tư tư nhân ra sao.

Phát biểu về thỏa thuận, ông Bessent khẳng định: “Thỏa thuận này gửi đi tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng Chính quyền Tổng thống Trump cam kết theo đuổi một tiến trình hòa bình đặt trọng tâm vào một Ukraine độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng”.

Còn phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy mô tả đây là “một quan hệ đối tác thực sự bình đẳng” và cho rằng nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước.

Tuy nhiên, việc ký thỏa thuận khai khoáng chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn, mà nhiều nhà phân tích cho rằng đang gắn chặt lợi ích kinh tế và quân sự của Mỹ. Chỉ hai ngày sau, Washington đã công bố một thương vụ quân sự trị giá hàng trăm triệu USD.

Gói hỗ trợ F-16: Dấu hiệu thay đổi cách tiếp cận của Mỹ

Máy bay tiêm kích F-16. Ảnh: PAP/TTXVN

Máy bay tiêm kích F-16. Ảnh: PAP/TTXVN

Ngày 2/5, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) thông báo Chính quyền của Tổng thốngTrump đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 310 triệu USD cho Ukraine. Gói này bao gồm các phụ tùng thay thế, dịch vụ bảo dưỡng và chương trình đào tạo dành cho phi công và kỹ thuật viên Ukraine, nhằm hỗ trợ đội máy bay chiến đấu F-16.

Theo nguồn tin từ trang War Zone, các thân máy bay F-16 đã ngừng hoạt động tại căn cứ không quân Mỹ ở Arizona đang được tháo dỡ để lấy linh kiện, sau đó vận chuyển sang Ukraine bằng máy bay vận taỉAntonov-124.

Điểm đáng lưu ý là gói hỗ trợ này không bao gồm các máy bay F-16 hoặc tên lửa đang hoạt động – những khí tài tấn công chủ lực. Tuy nhiên, Ukraine vẫn sẽ có thể vận hành máy bay F-16 do các đồng minh châu Âu – bao gồm Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy – đã cam kết cung cấp khoảng 85 chiếc trong thời gian tới.

Đây cũng là lần đầu tiên mà Chính quyền Tổng thống Trump cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, và cũng là lần đầu tiên Ukraine sẽ phải chi trả cho khoản viện trợ này, trái ngược với các gói viện trợ miễn phí trước đó từ chính quyền tiền nhiệm Joe Biden, với tổng trị giá hỗ trợ quân sự và tài chính lên đến 130 tỷ USD.

Dấu hiệu xa rời tiến trình hòa bình tại Ukraine?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Vatican ngày 26/4/2025. Ảnh: AP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Vatican ngày 26/4/2025. Ảnh: AP/TTXVN

Mặc dù Mỹ vẫn nhấn mạnh cam kết “hòa bình lâu dài” cho Ukraine, song động thái bán vũ khí dường như lại mâu thuẫn với chính tuyên bố của Chính quyền Tổng thống Trump trước đó, khi ông từng cam kết sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình sau khi nhậm chức. Thực tế, những hành động gần đây cho thấy chính quyền này đang rút dần vai trò trung gian hòa giải xung đột Ukraine sau những nỗ lực chưa có nhiều kết quả..

Ngày 17/4, Mỹ đề xuất một lệnh ngừng bắn mà họ cho là “cuối cùng” dành cho cả Ukraine và Nga. Phát biểu trên Fox News ngày 1/5, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố: “Đã đến lúc hai bên phải tự tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến. Chúng tôi sẽ không tiếp tục đứng ra tổ chức các cuộc họp trung gian”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cũng tuyên bố: “Bây giờ, mọi việc tùy thuộc vào cả hai bên”.

Thậm chí, ông Marco Rubio, quyền Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia, còn cho rằng nước Mỹ “có những vấn đề quan trọng hơn đang diễn ra trên khắp thế giới”, thể hiện sự ưu tiên giảm thiểu can dự trực tiếp vào cuộc xung đột này.

Đáp lại, Ukraine chấp nhận đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Mỹ. Tuy nhiên, phía Nga chỉ đồng ý ngừng bắn 3 ngày nhằm đảm bảo an ninh cho Lễ duyệt binh ngày 9/5 tại Moskva – sự kiện có sự tham dự của 29 nguyên thủ quốc tế.

Tổng thống Zelensky đã bác bỏ đề xuất này, khẳng định: “Một lệnh ngừng bắn thực sự phải kéo dài 30 ngày – không có tên lửa, không có thiết bị bay không người lái, không có các cuộc tấn công trên tiền tuyến”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đáp trả rằng lời kêu gọi của ông Zelenskyy mang tính “đe dọa các nhà lãnh đạo thế giới”. Cùng lúc, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định đề xuất ngừng bắn 3 ngày nhằm “kiểm tra mức độ sẵn sàng của Kiev đối với một giải pháp hòa bình lâu dài”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với báo O Globo của Brazil: “Quả bóng không nằm trong tay chúng tôi. Cho đến nay, Kiev vẫn chưa thể hiện sự sẵn sàng đàm phán”.

Theo các nhà quan sát, sự chồng chéo giữa một mặt là cam kết vì một Ukraine độc lập và hòa bình, mặt khác là hành động tiếp sức quân sự có điều kiện từ phía Mỹ, đang làm dấy lên nghi ngờ về lập trường thực sự của Washington đối với tiến trình hòa bình.

Việc bán vũ khí, gắn liền với khai thác tài nguyên, cho thấy Mỹ đang ưu tiên các lợi ích song hành – vừa hỗ trợ an ninh, vừa đảm bảo cơ hội kinh tế lâu dài tại Ukraine. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Nga coi là sự khiêu khích, đồng thời làm suy yếu vai trò trung lập của Mỹ trong đàm phán.

Và trong bối cảnh các đề xuất ngừng bắn liên tục thất bại, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Liệu việc tăng cường vũ trang cho Ukraine có phải là bước tiến đến hòa bình, hay là bước lùi khỏi nó?

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tu-thoa-thuan-khoang-san-den-thuong-vu-vu-khi-my-dang-roi-xa-tien-trinh-hoa-binh-o-ukraine-20250510170559412.htm