Xung đột Nagorno-Karabakh là 'bài học báo động' với Trung Quốc
Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc UAV có thể thay đổi cục diện chiến trường trong cuộc xung đột Nagorno - Karabakh được coi là 'bài học báo động' với quân đội nước này.
Việc máy bay không người lái (UAV) có thể thay đổi cục diện chiến trường trong cuộc xung đột Nagorno – Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan được coi là “bài học báo động” với quân đội Trung Quốc, theo một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Naval and Merchant Ships thuộc Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc.
Bài viết cho rằng việc UAV của Azerbaijan áp đảo lực lượng Armenia trên chiến trường cho thấy Trung Quốc cần có một chiến lược đối phó được tính toán kỹ lưỡng.
“Bài học báo động” cho quân đội Trung Quốc
Theo Naval and Merchant Ships, dù chiếm ưu thế về lực lượng bộ binh thông thường, bao gồm xe tăng, phương tiện thiết giáp và radar, quân đội Armenia vẫn dễ dàng trở thành “miếng mồi ngon” cho UAV vũ trang của Azerbaijan. Đáng chú ý trong số đó là UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo tấn công chính xác các mục tiêu trong chiến hào và các phương tiện đang di chuyển.
Các video do UAV của Azerbaijan quay lại cho thấy binh sĩ Armenia bị lộ vị trí và bị nhắm mục tiêu khi hoạt động trên mặt đất. Những UAV này còn được sử dụng trong hoạt động trinh sát nhằm giúp Azerbaijan chiếm thế thượng phong và buộc Armenia phải ký hiệp định đình chiến sau sáu tuần.
Khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh nằm trong đường biên giới của Azerbaijan được quốc tế công nhận song do người Armenia kiểm soát.
“Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, lá chắn chống UAV đã không được sử dụng hiệu quả. Mặc dù mỗi bên bắn rơi lượng lớn UAV của đối phương nhưng không bên nào có khả năng ngăn khí tài này gây thiệt hại” – bài báo của Naval and Merchant Ships có đoạn.
Bài báo tiếp tục cho biết: “Quân đội chúng ta có một lượng lớn UAV các loại và cũng đang đối mặt mối đe dọa từ những UAV tiên tiến của đối thủ tiềm tàng. So với những UAV dùng trong xung đột Nagorno – Karabakh, mối đe dọa UAV mà chúng ta đối mặt tiên tiến hơn về công nghệ, khó phát hiện và ngăn chặn hơn”.
Bài báo viết rằng vì thế, quân đội Trung Quốc cần nâng cao nhận thức về mối đe dọa từ UAV và đưa khí tài này vào chiến lược và chương trình huấn luyện.
“Đối với hầu hết các đơn vị cơ sở của quân đội Trung Quốc, chiến thuật chống UAV là điều mới mẻ” – bài báo viết. Bài báo thêm rằng các đơn vị cần có hiểu biết sâu hơn về đặc điểm của các loại UAV khác nhau, từ UAV tấn công cho tới UAV tàng hình cũng như chiến lược đối phó chúng.
Bài báo của Naval and Merchant Ships gợi ý cần xây dựng mạng lưới phát hiện đa tầng trang bị radar chống UAV, radar bù điểm mù, các trạm phát hiện sóng vô tuyến và các giải pháp theo dõi bằng âm thanh hoặc hồng ngoại khác. Mục đích nhằm liên tục giám sát UAV ở nhiều vị trí trong phạm vi rộng.
Các chiến thuật chống UAV khác được đề xuất bao gồm gây nhiễm điện tử, sử dụng tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần phiên bản triển khai mặt đất LD-2000 hay đánh lừa UAV bằng các mục tiêu giả trên mặt đất.
Trung Quốc cũng là nước sử dụng tích cực UAV trong lĩnh vực quân sự và nước này tiếp tục phát triển các loại UAV mới có khả năng tàng hình tốt hơn, bay cao và nhanh hơn, bền hơn và có thể tự hoạt động.
Trung Quốc còn phát triển một loại UAV tự sát giá rẻ, có thể phóng “thành bầy đàn” từ một phương tiện chiến thuật hạng nhẹ hoặc từ trực thăng để tấn công mục tiêu, truyền thông Trung Quốc đưa tin hồi tháng 10.
Diện mạo chiến tranh tương lai
Ông Michael Raska, giáo sư trợ lý tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng dẫu UAV được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq và Afghanistan trước đây, song giới lãnh đạo quân sự và chính trị Armenia đã không bắt kịp những tiến bộ công nghệ để ứng phó kịp thời.
“Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh chắc chắn sẽ làm tăng các cuộc tranh luận về việc sử dụng UAV trong giao tranh cũng như các biện pháp đối phó hiệu quả” – ông Raska nói.
Theo nhà phân tích an ninh Timothy Heath của viện chính sách RAND (Mỹ), giao tranh tại Nagorno-Karabakh cho thấy về lý thuyết, các lực lượng quân sự yếu hơn vẫn có thể triển khai UAV vũ trang một cách hiệu quả để gây ra tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng bộ binh đối phương được cho là vượt trội hơn nhưng lại thiếu chuẩn bị và chiến lược ứng phó.
“Cuộc xung đột gần đây cho thấy các quân đội tiên tiến phải phát triển hệ thống phòng thủ giá rẻ và đa dạng để chống UAV. Lực lượng trên bộ nên trang bị nhiều radar di động và tên lửa đất đối không để có thể theo kịp các đơn vị thiết giáp và bộ binh trong quá trình hành tiến” – ông Heath nói.
Nhà phân tích cấp cao về chiến lược và năng lực quốc phòng tại Viện chính sách Chiến lược Úc – ông Malcolm Davis nhận định cuộc xung đột Nagorno-Karabakh phần nào cho thấy diện mạo chiến tranh tương lai, trong đó vũ khí sát thương tự động hoặc UAV tự sát có thể mở ra đường hướng mới cho các cường quốc nhỏ và trung bình trong khai thác công nghệ mới.
“Kết hợp hiệu quả với thông tin tình báo, giám sát và do thám, một phi đội UAV mang đến cho quân đội các nước khả năng tấn công nhanh chóng và chính xác vào các lực lượng mặt đất không được bảo vệ hoặc bị lộ” – chuyên gia Davis nói.
“Đối với những nước không đủ khả năng trang bị không quân hiện đại, UAV là phương tiện hiệu quả về chi phí để giành quyền kiểm soát trên không” – ông Davis nói tiếp.
Ông nói thêm rằng các nước cần phát triển năng lực chống UAV.
“Tôi nghĩ rằng yếu tố quan trọng là các hệ thống chống UAV nên được trang bị từ cấp chiến thuật tới từng đơn vị nhỏ, trong đó xe tăng và phương tiện thiết giáp được tích hợp hệ thống chống UAV ngay từ khâu thiết kế” – ông Davis nói.