Xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 4 với hy vọng hòa bình

Hôm nay, cuộc xung đột Nga – Ukraine chính thức bước sang năm thứ 4. Mỹ dưới sự trở lại nắm quyền của Tổng thống Donald John Trump đang tăng tốc các nỗ lực đàm phán hòa bình với Nga để tìm cách chấm dứt xung đột; trong khi châu Âu dường như vẫn kiên định lập trường cần đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Nga và Mỹ đang lên lịch họp cấp cao lần thứ hai, để mở đường cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 Tổng thống. Diễn biến diễn ra trong bối cảnh Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ngày 22/2 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump tin vào khả năng đạt được thỏa thuận với Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine, sớm nhất là trong tuần này. Theo bà Leavitt, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matt Waltz đang làm việc “suốt ngày đêm”, để chuẩn bị cho một thỏa thuận.

Cũng thư ký báo chí Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng đang tham gia thảo luận với phía Ukraine về thỏa thuận khoáng sản. Bà Leavitt nhấn mạnh, thỏa thuận khoáng sản rất quan trọng để “giúp thu hồi tiền thuế của người Mỹ” và tạo ra mối quan hệ đối tác kinh tế giữa Mỹ và Ukraine khi nước này tái thiết. Theo đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff, thỏa thuận khoáng sản với Ukraine cũng có thể sẽ được ký kết trong tuần này, bởi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không còn dao động về đề xuất của Mỹ khi nhận ra rằng Mỹ đã làm rất nhiều cho nước này.

Tổng thống Zelensky. Ảnh: BBC

Tổng thống Zelensky. Ảnh: BBC

Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky đêm qua xác nhận, nước này sẵn sàng chia sẻ khoáng sản với Mỹ, nhưng trước tiên Mỹ cần khiến Nga chấm dứt xung đột. Tổng thống Ukraine cũng tuyên bố, ông sẵn sàng từ chức nếu điều đó dẫn tới hòa bình ở Ukraine hoặc nó có thể để đổi lấy tư cách thành viên NATO: “Nếu đó là vấn đề hòa bình ở Ukraine và bạn thực sự muốn tôi rời khỏi vị trí của mình, tôi sẵn sàng làm điều đó để đổi lấy hòa bình. Kịch bản thứ 2 là tôi có thể rời đi để đổi lấy tư cách thành viên NATO cho Ukraine nếu có cơ hội như vậy. Tôi sẽ hành động ngay mà không cần phải nói chuyện dài dòng về vấn đề này. Tôi tập trung vào an ninh của Ukraine ngày hôm nay chứ không phải 20 năm nữa. Tôi không có kế hoạch nắm quyền trong nhiều thập kỷ. Do đó, đó là mục tiêu và ước mơ của tôi”.

Song cũng theo Tổng thống Zelensky, đề cập vấn đề bầu cử chính là ý đồ gây áp lực lên Ukraine ở thời điểm hiện tại. Khác với Mỹ, các nước châu Âu dường như vẫn đang muốn hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine. Hôm qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer, qua đó các bên cùng nhấn mạnh sự kiên định hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính và quân sự.

Theo kế hoạch, tuần này, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Starmer sẽ có mặt tại Washington để tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh, giờ là thời điểm cần sự đoàn kết hơn nữa trong việc ủng hộ Ukraine: “Khi chúng ta bước vào một giai đoạn mới của cuộc xung đột này, chúng ta phải củng cố sự đoàn kết của mình hơn nữa. Không chỉ có tính cấp bách về mặt đạo đức đòi hỏi điều này, mà nó còn liên quan đến lợi ích quốc gia của chúng ta. Sự bất ổn kinh tế mà cuộc xung đột này gây ra sẽ vẫn tiếp tục trừ khi chúng ta có một giải pháp công bằng và ổn định cho Ukraine. Đây là một trong những bài học lớn nhất trong lịch sử của chúng ta. Sự bất ổn ở châu Âu luôn ảnh hưởng đến chúng ta, và đây là khoảnh khắc mang tính thế hệ".

Hôm qua, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu Antonio Costa cũng thông báo triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Châu Âu vào ngày 6/3 để thảo luận về Ukraine và vấn đề quốc phòng Châu Âu. Ông nhận định, đây là thời khắc quyết định đối với an ninh Ukraine và châu Âu.

Đình Nam/VOV1 Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/xung-dot-nga-ukraine-buoc-sang-nam-thu-4-voi-hy-vong-hoa-binh-post1156829.vov