Tuyên bố rõ ràng của BTQP Mỹ khi xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 4

Trước thềm xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 4 (24/2/2022 - 24/2/2025), Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) Mỹ Pete Hegseth khẳng định sẽ không có binh sĩ Mỹ nào được triển khai đến Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo hãng thông tấn Liên bang Nga TASS ngày 24/2, tuyên bố nêu trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đưa ra với Fox News.

Khi được hỏi liệu lực lượng Mỹ có thể được điều động đến Ukraine hay không, ông Hegseth khẳng định câu trả lời là không.

“Chúng tôi đã rất rõ ràng về điều đó. Quân đội Mỹ sẽ không có mặt trên thực địa ở Ukraine. Nhưng một mối quan hệ đối tác kinh tế thì quan trọng”, ông Hegseth nói.

Đồng thời, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng: “Ở châu Âu, các nước châu Âu nên dẫn đầu trong việc đảm bảo an ninh”.

“Thật đáng khích lệ khi thấy các nhà lãnh đạo châu Âu nói rằng ‘chúng tôi sẵn sàng tham gia vào Ukraine và hỗ trợ các đảm bảo an ninh’. Chúng tôi hoan nghênh điều đó”, ông Hegseth nói thêm.

Trước đó, tờ Thời báo phố Wall (The Wall Street Journal) của Mỹ dẫn nguồn thạo tin cho biết Thủ tướng Anh Keir Starmer có thể trình bày dự thảo kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Pháp tại Ukraine với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 27/2.

Theo thông tin của tờ Thời báo phố Wall, London và Paris muốn nhận được sự hỗ trợ hỏa lực từ Washington trong trường hợp lực lượng gìn giữ hòa bình của họ gặp nguy hiểm. Trong kế hoạch này, Pháp và Anh muốn triển khai cả lực lượng bộ binh, không quân và hải quân.

Phản ứng trước thông tin trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với TASS rằng Moskva (Moscow) có thái độ tiêu cực đối với ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine.

Theo ông Grushko, đây là một bước đi có thể dẫn đến leo thang xung đột.

Trước đó, báo Bưu điện Kiev (The Kyiv Post) của Ukraine ngày 19/2 cho biết sau cuộc họp của khoảng 20 nhà lãnh đạo phương Tây ở Paris, vào hôm 26/2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không loại trừ khả năng sẽ đưa quân tới Ukraine trong tương lai.

Khi đó, tuyên bố về viễn cảnh điều quân đến Ukraine của ông Macron đã gây ra một làn sóng phủ nhận từ các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với nhiều thành viên lớn của khối, bao gồm Mỹ, Anh và Đức, khẳng định họ không có kế hoạch nào như vậy.

Tuy nhiên, bối cảnh ngoại giao quốc tế đã chứng kiến nhiều biến đổi đáng kể kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, đã thúc đẩy châu Âu phải đánh giá lại vai trò của mình.

Đề xuất của ông Macron về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine như một phần của thỏa thuận ngừng bắn đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận ở châu Âu dù chưa nhận được sự đồng thuận.

Cuộc tranh luận của châu Âu về lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine không chỉ là vấn đề triển khai, mà còn liên quan đến bản sắc và vai trò của “lục địa già” trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, nơi mà các liên minh truyền thống đang được tái định hình.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo TASS/The Kyiv Post)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tuyen-bo-ro-rang-cua-btqp-my-khi-xung-dot-nga-ukraine-buoc-sang-nam-thu-4-20250224051328237.htm