Xung đột Nga-Ukraine: Châu Phi nói về điều quan trọng, Kiev 'giải mã' các vụ nổ, Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân khi nào?

Ngày 16/6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi Ukraine và Nga giảm leo thang xung đột.

Thành phố Bakhmut, Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Thành phố Bakhmut, Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo châu Phi với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky, ông Ramaphosa nói: "Chiến dịch quân sự này phải được giải quyết và nên có hòa bình thông qua đàm phán. Chúng tôi cho rằng phải có sự giảm leo thang ở cả hai bên".

Trong khi đó, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema nhìn nhận, điều quan trọng đối với lục địa châu Phi là đóng góp cho hòa bình ở Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Comoros Azali Assoumani, người hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU) cho rằng, một hiệp ước hòa bình ở Ukraine cần phải được thực hiện thông qua Hiến chương Liên hợp quốc.

Các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Phi nói trên đang thăm Kiev như một phần của sứ mệnh trung gian hòa bình giữa Nga và Ukraine.

* Trong khi đó, Ukraine cho rằng, loạt vụ tấn công vào trung tâm thủ đô Kiev trong cùng ngày (16/6) là một "thông điệp" gửi tới các nhà lãnh đạo châu Phi đang thực hiện sứ mệnh hòa bình ở Ukraine.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: “Tổng thống Nga Vladimir Putin 'xây dựng lòng tin' bằng cách phát động cuộc tấn công tên lửa lớn nhất vào Kiev trong nhiều tuần, chính xác là trong thời gian các nhà lãnh đạo châu Phi ở thăm của thủ đô của chúng ta".

Trước đó, các nhân chứng đã nghe thấy nhiều tiếng nổ ở trung tâm thủ đô Kiev. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cảnh báo, nhiều tên lửa đang nhắm tới thành phố này.

* Cũng trong ngày 16/6, phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông có quan điểm “tiêu cực” đối với khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Ông Putin nhắc lại, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, chủ quyền và sự tồn tại của nước này.

Người đứng đầu nước Nga giải thích: “Vũ khí hạt nhân được tạo ra để đảm bảo an ninh của chúng tôi theo nghĩa rộng nhất của từ này là sự tồn tại của nhà nước Nga. Nhưng trước hết, chúng tôi không có nhu cầu như vậy".

Tổng thống Nga cũng nói rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngoài ra, cũng theo Tổng thống Putin, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào Điện Kremlin và các cuộc tấn công ở tỉnh biên giới Belgorod (Nga) là những nỗ lực nhằm kích động Nga đáp trả mạnh mẽ.

(theo AFP, Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-chau-phi-noi-ve-dieu-quan-trong-kiev-giai-ma-cac-vu-no-moscow-su-dung-vu-khi-hat-nhan-khi-nao-231249.html