Xung đột Nga – Ukraine chưa có hồi kết đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa cho Mỹ
Theo Bloomberg, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài hơn 9 tháng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt có thể sẽ trở thành một gánh nặng lớn đối với Mỹ.
Ukraine đã đạt được một bước tiến lớn trong cuộc xung đột với Nga trong thời gian gần đây khi giành lại quyền kiểm soát thành phố Kherson mà không cần trải qua trận chiến dữ dội ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, chiến thắng này của Ukraine đang vấp phải những ý kiến trái chiều từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đó là liệu Ukraine có nên bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga?
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, lập luận rằng chính phủ Ukraine nên tìm cách đàm phán với Nga trước khi cuộc xung đột trở nên bế tắc hơn. Trong khi đó, các quan chức Mỹ khác phản đối ý kiến này, nói rằng Washington sẽ không bao giờ ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải đàm phán hoặc nhượng bộ.
“Sẽ không có vấn đề nào về Ukraine được quyết định mà không có Ukraine”, Tổng thống Biden nói, nhấn mạnh quan điểm chính thức của Mỹ là bất kỳ giải pháp nào cũng phải do Kiev quyết định, chứ không phải Mỹ hay châu Âu.
Những câu hỏi bỏ ngỏ trong xung đột ở Ukraine
Những quan điểm trên cho thấy sự không chắc chắn về những câu hỏi quan trọng của Washington, bao gồm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt có thể sẽ làm suy yếu Mỹ hay không.
Câu hỏi đầu tiên là Ukraine sẽ cố gắng đạt được những bước tiến mới trong giai đoạn tiếp theo hay rơi vào tình trạng bế tắc. Khi Nga rút quân khỏi Kherson, họ có thể tổ chức lại lực lượng và chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới ở những khu vực khác. Trong khi đó, lực lượng Ukraine sẽ cần nghỉ ngơi sau thời gian dài chiến đấu. Ngoài ra, Kiev có thể phải sự kháng cự mạnh mẽ hơn khi các lực lượng Moscow bổ sung thêm binh sĩ, rút ngắn đường tiếp tế và chuẩn bị các lớp phòng thủ khác.
Các nhà phân tích quân sự lưu ý rằng thời tiết khắc nghiệt kèm theo bão tuyết vào mùa đông có thể sẽ làm chậm tiến độ phản công của Ukraine. Bên cạnh đó, Nga đang liên tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng khiến nhiều khu vực của Ukraine mất điện. Điều này hoàn toàn khiến Kiev có thể rơi vào tình trạng khó khăn hơn trong thời gian tới.
Thứ hai, một câu hỏi mà Mỹ dường như cũng chưa có câu trả lời là cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ leo thang tới mức nào?
Vào tháng 10, Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine và để ngỏ khả năng sẽ bảo vệ những khu vực này bằng vũ khí hạt nhân.
Sau khi rút quân khỏi Kherson, các lực lượng của Nga đã tấn công các vùng khác của Ukraine ở phía Đông. Tình hình xung quanh Bakhmut, một địa điểm quan trọng ở miền Đông Ukraine đã trở nên căng thẳng hơn trong bối cảnh cả Nga và Ukraine không thể tạo ra bước đột phá đáng kể nào sau nhiều tháng xung đột.
Theo một số nhà phân tích, thành phố Bakhmut, tại khu vực Donbass giờ đã trở thành “cơn lốc hủy diệt” đối với quân đội của cả hai nước. Nga đang thực hiện mọi nỗ lực giành quyền kiểm soát thành phố trong khi Ukraine quyết tâm giữ vững lớp phòng thủ.
Bên cạnh đó, Ukraine được cho là đang lên kế hoạch giành lại quyền kiểm soát Crimea. Cựu chỉ huy không quân của Ukraine Mikhail Zabrodsky nói rằng quân đội nước này đã lên kế hoạch giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea trong năm 2023.
Ông Zabrodsky tiết lộ chiến dịch nhằm giành lại Crimea sẽ không phải là một cuộc tấn công trực diện vô nghĩa, mà sẽ được thực hiện bằng cách kết hợp các lực lượng bộ binh, hải quân và không quân, bao gồm cả việc sử dụng máy bay không người lái.
Một phần mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là củng cố hơn nữa quyền kiểm soát đối với Crimea. Bởi vậy, những tuyên bố gần đây của Ukraine cũng như các trận chiến khốc liệt giữa hai bên có thể sẽ khiến cuộc xung đột tiếp tục tăng nhiệt trong thời gian tới.
Thế khó của Mỹ trong cuộc xung đột ở Ukraine
Câu hỏi thứ ba là liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine có đoàn kết với nhau để vượt qua những thử thách sắp tới hay không? Những bước tiến của Ukraine trong thời gian gần đây có thể đã đảm bảo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong suốt mùa đông.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn muốn tránh một kịch bản trong đó nhiều quốc gia châu Âu sẽ không tiếp tục hỗ trợ Ukraine do cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến họ đối mặt với nền kinh tế khó khăn.
Nhà Trắng cũng có thể lo ngại về việc Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với quan điểm của Mỹ về việc viện trợ cho Ukraine vào năm tới.
Đây có lẽ là lý do tại sao chính quyền Tổng thống Biden hối thúc ông Zelensky rút lại tuyên bố trước đó nói rằng Ukraine sẽ chỉ đàm phán với nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga. Nếu Ukraine muốn có sự hỗ trợ cần thiết từ phương Tây để giành chiến thắng, họ phải thể hiện sự sẵn sàng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột.
Cuối cùng, liệu một cuộc xung đột kéo dài sẽ giúp ích hay gây tổn hại cho Mỹ? Nếu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây ra những tổn thất lớn cho Ukraine, thì đó có thể là một vận may chiến lược đối với Mỹ khi quân đội Nga cũng phải chịu nhiều thiệt hại.
Cuộc xung đột kéo dài cũng sẽ khiến Mỹ đối mặt với nhiều gánh nặng khi phải hỗ trợ cho Ukraine. Kể từ Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 18,9 tỷ USD. Hiện tại, Mỹ đang phải vật lộn để đáp ứng cam kết viện trợ quân sự với Ukraine mà không làm ảnh hưởng đến kho vũ khí dự trữ của mình.
Bên cạnh đó, xung đột ở Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến Mỹ phải xem xét lại kho dự trữ chiến lược cùng câu hỏi liệu họ có đủ vũ khí nếu xung đột lớn nổ ra hay không./.