Xung đột Nga-Ukraine: DN Việt cần thảo luận với đối tác Mỹ để tránh vạ lây
Ngày 11-3, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tọa đàm Doanh nghiệp Việt trước tác động cuộc chiến Nga- Ukraine.
Việt Nam sẽ gặp khó nếu Mỹ, châu Âu cấm vận DN dầu khí của Nga
Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, CEO Viện Tài chính quốc tế IIF Wasington DC nhận định, cuộc chiến Nga-Ukraine đã tác động mạnh đến cục diện chính trị thế giới và quan trọng không kém là một loạt các biện pháp cấm vận mà Mỹ, châu Âu cùng một số nước khác đã ban hành trừng phạt Nga.
Các biện pháp này đã gây xáo trộn lớn trên thị trường tài chính, dầu khí và ngũ cốc thế giới… Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nhưng cũng có thể tìm thấy cơ hội để phát triển.
Theo TS Hùng, hiện nay Nga sản xuất 11,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó có 10 triệu thùng dầu thô/ngày, đứng thứ ba thế giới. Tuy nhiên, Nga xuất khẩu khoảng 7,8 triệu thùng/ngày trong đó khoảng 5 triệu thùng/ngày là dầu thô, đứng đầu thế giới.
Khi lượng xuất khẩu dầu từ Nga bị cắt giảm, giá dầu đã nhảy vọt từ 94 USD/thùng lên trên 125 USD/thùng. Nếu biện pháp cấm vận dầu khí Nga được ban hành, giá dầu có khả năng tăng lên 150-200 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng cao kéo giá nhiên liệu ở Việt Nam tăng, làm chi phí sản xuất, phân phối của doanh nghiệp (DN) và chí phí tiêu dùng của người dân tăng.
Đối với Việt Nam, nếu giá nhiên liệu tăng 10% GDP sẽ giảm 0,5% và lạm phát tăng 0,4%. Bộ Tài Chính đã đề xuất với chính phủ xin giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn để bớt sức ép tăng giá và hỗ trợ sức mua tiêu dùng.
Đây là hướng đi đúng nhưng khó có thể khắc phục hoàn toàn tác động tăng giá trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, từ trước tới nay, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần mở rộng phạm vi cấm vận lên các cá nhân hay DN ở nước thứ ba (cấm vận thứ cấp). Luật CAATSA 2017 đã cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng cấm vận ngoài lãnh thổ Mỹ.
Do đó, Việt Nam sẽ gặp khó khăn nếu Mỹ, châu Âu cấm vận các DN dầu khí của Nga.
Hiện nay, Việt Nam liên doanh với Nga trong Vietsovpetro (Petrovietnam 51%-Zarubezhneft 49%) nên có thể bị cáo buộc là tiếp tục giao dịch với DN Nga bị cấm vận. Như thế là vi phạm luật cấm vận của Mỹ.
Vì vậy, Việt Nam cần tham khảo tư vấn pháp lý chuyên môn ở Mỹ để chuẩn bị đối phó với tình huống này.
Cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo, nông sản
Theo TS Hùng, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ năm, hai nước cộng lại cung cấp hơn 30% lúa mì cho thị trường thế giới.
Cuộc chiến và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá các loại ngũ cốc, nông phẩm khác tăng. Nếu chiến sự Ukraine kéo dài, mức cung lúa mì cho thế giới có thể giảm 30%, tạo ra khủng hoảng lương thực, giá nông phẩm tăng cao thêm…
Việt Nam xuất khẩu gạo trên 6,5 triệu tấn/năm, đứng thứ hai thế giới. Do đó, giá gạo và nông phẩm tăng có lợi cho Việt Nam.
Mỗi năm EU nhập khoảng 160 tỉ USD lương thực. Thời điểm này là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo, các loại nông phẩm sang EU đang có nhu cầu tăng.
Bên cạnh đó, vì cấm vận và vì người dân tự động tẩy chay hàng hóa Nga nên EU đang cần có nguồn cung ngũ cốc và nông phẩm thay thế.
Do đó, Việt Nam nên tập trung nâng cao thị phần trong EU, trước mắt là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với thuế quan 0% theo EVFTA. Đặc biệt, nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được châu Âu ưa chuộng.
"Việt Nam có cơ hội tốt để có thể tăng cường xâm nhập thị trường EU, chủ yếu là trong lĩnh vực nông phấn và lương thực để thay thế hàng từ Nga và Ukraine.
Điều quan trọng là chính phủ, các hiệp hội DN và bản thân DN cần tìm hiểu về luật cấm vận của Mỹ và tiến hành thảo luận với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Nga" - TS Hùng nhấn mạnh.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhà nước làm sao "giao tiếp" phía luật sư, các nhà chiến lược Hoa Kỳ, châu Âu để hướng dẫn DN ứng xử sao để không bị rơi vào trường hợp bị cấm vận thứ cấp.
Gần đây, hội đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó cốt lõi là kết nối DN sản xuất với nhau, kết nối với các đối tác bán lẻ trong và ngoài nước, kết nối với cơ quan xây dựng tiêu chuẩn... để tăng sức cạnh tranh cho DN.
"Cách đây mấy ngày hội nhận được đề nghị của đối tác Nhật Bản muốn mua hành tím và đã giới thiệu hành tím Vĩnh Châu.
Tuy nhiên, khi làm việc với các hợp tác xã Vĩnh Châu, nếu không đạt tiêu chuẩn nào thì hành Việt Nam khó hy vọng xuất khẩu sang Nhật. Hơn ai hết sự bảo hộ cho nông sản của Nhật rất cao và yêu cầu chất lượng chứ không xuề xòa như thị trường Trung Quốc.…” - bà Hạnh nói.