Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã diễn ra được hơn 8 tháng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các nước phương Tây đang nỗ lực cung cấp viện trợ quân sự, bao gồm cả tiền bạc lẫn vũ khí, trang bị giúp chính quyền Kiev chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Hôm 26/10/2022, tờ báo Hy Lạp Estia đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hôm 24/10, đã yêu cầu chính quyền Athen gửi thêm vũ khí giúp Kiev chống lại lực lượng quân sự hùng mạnh hơn của Nga.
Trước đó, ông Mitsotakis thông báo rằng, ông và Ngoại trưởng Mỹ đã thảo luận về sự phối hợp chặt chẽ với tư cách đồng minh NATO để giúp Ukraine phòng thủ trước Nga, cũng như để đề phòng những diễn biến phức tạp mới phát sinh trong thời gian gần đây ở phía Đông Địa Trung Hải.
Ấn phẩm lưu ý, chính quyền Washington hiện không muốn tham gia vào các cuộc chiến tranh "không vì tự do, cũng không mang lại lợi ích" và Mỹ sẽ tìm cách đảm bảo để những nước khác phải chiến đấu vì họ, điều này thể hiện rõ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Estia cho rằng, Ukraine đã trở thành tiền đồn trong cuộc chiến vốn đã đang diễn ra giữa phương Đông và phương Tây, với hai đại diện tiêu biểu là Nga và Mỹ. Dưới sự giật dây của Washington, các chính khách ở Kiev đã biến nước mình trở thành “lính xung kích trên tiền đồn chống Nga” của phương Tây.
Hệ lụy của nó là châu Âu đang phải gánh chịu cái giá quá đắt của chiến tranh, các nước EU đang được Mỹ hô hào hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí và đạn dược trị giá hàng tỷ USD, giúp chính quyền Kiev tiếp tục kháng cự trước sức mạnh quân sự vượt trội của nước láng giềng hùng mạnh.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng là hao hụt vũ khí, giảm kho đạn, đến khi cạn kiệt hoàn toàn. Bài báo nêu thông tin đáng lưu ý là hiện nay không quốc gia châu Âu nào giữ được kho dự trữ đạn dược quá 25 ngày.
Theo tờ báo, Washington đang huy động mọi nguồn cung cấp có thể cho Kiev, trong số đó có Hy Lạp và Athen không thể không thực hiện, do bị Washington ép buộc. Nước này đã gửi vài lô vũ khí cỡ nhỏ không thuộc NATO và đang chuẩn bị gửi xe bọc thép cũ của Liên Xô cho Ukraine.
Tờ báo giấy của Hy Lạp nhận định, mỗi đợt vận chuyển vũ khí tiếp theo sẽ làm suy yếu hệ thống phòng thủ quốc gia và khả năng răn đe của nước này và những lô vũ khí chưa biết bao giờ dừng lại, bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine dường như chưa có hồi kết.
Nhận định này dường như đã được khẳng định tính chính xác khi vào hôm 26/10, Tổng thư ký NATO là ông Jens Stoltenberg cho biết, ông sẽ không cam kết dự đoán thời gian kết thúc của cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng liên minh này quyết tâm tiếp tục hỗ trợ Kiev.
"Các cuộc chiến tranh về bản chất là không thể dự đoán trước... Tôi sẽ không tiên đoán cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Ukraine chừng nào nó còn tiếp tục" - ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo ở trụ sở NATO ở Brussels.
Tổng thư ký tuyên bố rằng, “hầu hết các cuộc chiến tranh đều kết thúc tại bàn đàm phán”, chiến thắng trên chiến trường sẽ quyết định chiến thắng trên bàn đàm phán. Do đó, thành tựu của Kiev trong các cuộc đàm phán với Moscow sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của Quân đội Ukraine trên chiến trường.
Trong cuộc điện đàm trước đó của ông Blinken với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Nga đã nói rằng, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài xung đột, kéo dài sự thống khổ của chế độ Kiev và làm gia tăng số lượng nạn nhân.
Ngược lại, nhà lãnh đạo NATO lại cho rằng, những gói hỗ trợ quân sự của NATO cho Ukraine được thực hiện để cung cấp cho nước này có đủ tiềm lực đạt được “các điều kiện hòa bình có thể chấp nhận được đối với Kiev, cũng như đẩy nhanh cách tiếp cận các cuộc đàm phán”.
Người đứng đầu NATO khẳng định, Quân đội Ukraine càng mạnh trên chiến trường và đạt được những thắng lợi càng lớn, thì cơ hội và triển vọng cho một cuộc dàn xếp chính trị đảm bảo duy trì Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và độc lập ở châu Âu cũng ngày càng sáng sủa hơn.
Toàn Thắng