Xung đột Nga-Ukraine: Hứa tiếp tục đối thoại tìm giải pháp hòa bình, Moscow đặt điều kiện để rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus
Ngày 31/7, hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) đưa tin, Moscow sẽ tiếp tục đối thoại với các đối tác Trung Quốc, Brazil và châu Phi về giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Tuyên bố trên được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi trong ngày 28/7 tại thành phố St. Petersburg của Nga.
Tại sự kiện, một số nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cùng ngày, Giám đốc Vụ SNG II thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexei Polishchuk thông báo, Moscow có thể thực hiện phương án rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi lãnh thổ Belarus, nếu Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “từ bỏ lộ trình hủy diệt” nhằm phá hoại an ninh của Nga và Belarus.
Ông Polishchuk nhấn mạnh: “Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus là lời đáp trả đối với chính sách hạt nhân gây bất ổn lâu dài của NATO và Washington, cũng như những thay đổi cơ bản xảy ra gần đây ngay trong chính vấn đề an ninh châu Âu”.
Theo nhà ngoại giao Nga, đây là biện pháp ngăn chặn bắt buộc nhằm bảo đảm an ninh cho liên minh Nga-Belarus.
Vì vậy, vũ khí hạt nhân sẽ được rút khỏi lãnh thổ Belarus với điều kiện Mỹ và NATO thay đổi những chính sách trên, đồng thời loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của Washington cùng cơ sở hạ tầng tương ứng khỏi châu Âu.
Đầu năm 2023, Moscow và Minsk đã nhất trí về việc chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tổng thống Putin thông báo, quá trình xây dựng kho chứa loại vũ khí này ở Belarus đã hoàn tất trong ngày 1/7 vừa qua.
Khẳng định không vi phạm bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào, nhà lãnh đạo Nga cho biết, Moscow chỉ đang thực hiện những điều Washington đã làm trong nhiều thập kỷ qua bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu.
Hồi tháng 4, tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã “cập bến” Belarus. Bên cạnh đó, một bộ phận máy bay tấn công mặt đất đã được chuyển đổi để mang vũ khí hạt nhân.