Xung đột Nga - Ukraine kích hoạt cuộc đua nâng cấp pháo binh châu Âu

Hơn hai năm triển khai trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, pháo binh vẫn chứng tỏ vai trò rất quan trọng trên chiến trường, bất chấp sự góp mặt của các khí tài hiện đại khác. Nhiều nước châu Âu cũng nhận thức được thực tế này và đang chạy đua để hiện đại hóa lực lượng pháo binh của mình.

Đồng loạt mua sắm mạnh tay

Các nước Tây Âu, phần lớn trong số đó thuộc NATO, đã bỏ bê pháo binh của họ cho đến gần đây. Chẳng hạn vào năm 2019, quân đội Anh chỉ triển khai hai trung đoàn pháo binh, mỗi trung đoàn được trang bị 24 lựu pháo tự hành L39 AS90 155 mm và hai khẩu đội gồm 6 pháo kéo hạng nhẹ L118 105 mm được phân công cho Lữ đoàn tấn công đường không số 16.

Song những gì đang diễn ra trong cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy, pháo binh vẫn rất quan trọng trên chiến trường. Vì thế, trong 6 tháng đầu năm nay, một số nước châu Âu như Pháp, Estonia, Croatia và Romania đã quyết định đầu tư mạnh vào việc hiện đại hóa và mua lựu pháo mới.

Các binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành CAESAR, một trong những loại lựu pháo 155mm được đánh giá cao nhất trên thế giới. Ảnh: Defence News.

Các binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành CAESAR, một trong những loại lựu pháo 155mm được đánh giá cao nhất trên thế giới. Ảnh: Defence News.

Vào cuối tháng 1 năm nay, Tập đoàn KNDS đã thông báo rằng Bộ Quốc phòng Pháp đã đặt hàng tổng cộng 109 khẩu lựu pháo tự hành CAESAR phiên bản MkII mới nhất từ công ty Nexter, một bộ phận của KNDS, với giá 350 triệu euro. Lựu pháo tự hành mới này dự kiến được bàn giao vào năm 2026 và để thay thế những khẩu AMX-30 AuF1 cũ cũng như 76 khẩu CAESAR Mk I còn trong biên chế.

Romania đã lựa chọn lựu pháo tự hành K9 Thunder có nguồn gốc từ Hàn Quốc để hiện đại hóa hỏa lực của mình. Hãng tin Reuters cho biết Bucharest sẽ mua một lô 54 khẩu pháo tự hành K-9 với trị giá khoảng 920 triệu USD, đây là đợt mua sắm vũ khí lớn nhất của họ trong 7 năm qua. Thỏa thuận được công bố trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik và người đồng cấp Romania Angel Tilvar khi ông Shin tới thăm quốc gia Đông Âu này hồi tháng 6 vừa qua.

Triển lãm quốc phòng Eurosatory ở Paris hồi tháng 6 năm nay cũng mang đến những diễn biến sôi động trong lĩnh vực hiện đại hóa pháo binh tại châu Âu. Trong hội chợ này, ngoài Pháp và Croatia thì Estonia cũng quyết định “chơi lớn” với những khẩu CAESAR. Theo tuyên bố chính thức của Trung tâm Đầu tư Quốc phòng Estonia, nước này sẽ mua 12 khẩu CAESAR cùng với tùy chọn ưu đãi khi mua thêm.

Việc mua pháo tự hành bánh lốp CAESAR phù hợp với chiến lược của Estonia cho giai đoạn 2024-2028. Estonia xem Pháp là đối tác quan trọng hàng đầu trong NATO trong khi CAESAR là một trong những hệ thống lựu pháo đã được chứng minh khả năng chiến đấu tốt nhất hiện có. Dự kiến, Estonia sẽ nhận được những khẩu CAESAR vào cuối năm nay và số còn lại bàn giao vào năm sau.

Nhưng Estonia không “đi chợ” một mình. Họ “ghép đơn” cùng với Pháp và Croatia. Giống như Estonia, việc Croatia đặt mua lựu pháo tự hành CAESAR là động thái nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng với Pháp và do đó tăng khả năng tương tác với các lực lượng vũ trang trong NATO. Hiện tại, Croatia có tổng cộng 13 lựu pháo tự hành PzH 2000 do Đức sản xuất và một vài khẩu pháo 2S1 Gvozdika từ thời Liên Xô cũ. Nhu cầu bổ sung là rất rõ ràng, nhưng vẫn chưa biết số lượng chính xác mà Croatia muốn mua.

Lựu pháo tự hành bánh xích K9 Thunder của quân đội Hàn Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận. Romania vừa đặt mua 54 khẩu pháo loại này. Ảnh: Defence News.

Lựu pháo tự hành bánh xích K9 Thunder của quân đội Hàn Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận. Romania vừa đặt mua 54 khẩu pháo loại này. Ảnh: Defence News.

Cuộc cạnh tranh của các nhà sản xuất vũ khí

Dù không mua sắm mạnh tay song các nước châu Âu thời gian qua vẫn đi đầu trong việc phát triển và sản xuất các hệ thống pháo binh hiện đại. Công ty liên doanh Pháp - Đức KNDS là cái tên tiêu biểu với CAESAR, một hệ thống độc đáo đã lấp đầy sổ đặt hàng của họ trong nhiều năm.

CAESAR (CAmion Équipé d'un Système d'Artillerie), là hệ thống lựu pháo tự hành được nhiều quốc gia sử dụng, bao gồm Pháp, Indonesia, Thái Lan và Ukraine. CAESAR trang bị pháo 155mm với dự trữ tiêu chuẩn 52 viên đạn, đặt trên xe kéo 6x6 hoặc 8x8. Pháo CAESAR có thể bắn tất cả các loại đạn cỡ nòng 155mm tiêu chuẩn của NATO, bao gồm cả đạn chống tăng BONUS và đạn dẫn đường Excalibur.

CAESAR được vận hành bởi một khẩu đội từ ba đến năm người, có hệ thống bảo vệ NBC (hạt nhân, sinh học và hóa học). Những khẩu CAESAR Mk II sẽ có cabin mới với lớp giáp được cải tiến cung cấp khả năng bảo vệ đạn đạo cấp độ 2, bảo vệ mìn cấp độ 2 và bảo vệ chống lại các thiết bị nổ tự chế (IED). Nó cũng được trang bị khung gầm mới do Arquus phát triển, động cơ 460 mã lực và hộp số tự động mới, giúp nâng cao hơn nữa hiệu suất.

Ngoài ra, CAESAR Mk II còn có phiên bản cập nhật radar vận tốc đầu nòng do công ty Weibel của Đan Mạch thiết kế và hệ thống dẫn đường quán tính Geonyx của Safran, cho phép dẫn đường và ngắm đến tọa độ ngay cả khi không có tín hiệu hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS).

Với trọng lượng dưới 18.000 kg, CAESAR có khả năng đạt tốc độ 90 km/h trên đường bộ và 50 km/h trên địa hình gồ ghề cùng phạm vi hoạt động 600 km. Kích thước khá gọn (dài 9,94m, rộng 2,55m và cao 3,2m) cho phép CAESAR xoay trở linh hoạt trong nhiều môi trường triển khai khác nhau.

Ngoài các đơn hàng từ Pháp, Estonia và Croatia, quân đội Bỉ cũng đặt hàng 27 khẩu CAESAR Mk II, dự kiến sẽ được giao vào năm 2027 để trang bị cho hai tiểu đoàn. Lithuania đã ký hợp đồng mua 18 khẩu CAESAR Mk II vào tháng 12/2023 và thậm chí đang đề nghị được tham gia phát triển loại pháo này. Cộng hòa Séc cũng đặt hàng 62 khẩu pháo trên khung gầm Tatra 8x8.

Đối thủ của CAESAR, như đã đề cập có K9 của Hàn Quốc. Nhưng không thể bỏ qua Panzerhaubitze 2000, hay PzH 2000, là một lựu pháo tự hành bánh xích cũng do KNDS sản xuất, với khẩu pháo 155m của Rheinmetall. Với trọng lượng chiến đấu là 57 tấn, PzH 2000 nặng gấp đôi so với M109 của Mỹ và được thiết kế bằng các công nghệ đã được chứng minh từ dòng xe tăng Leopard 1 và 2.

PzH 2000 có hệ thống kiểm soát hỏa lực (FCS) tinh vi với máy tính đạn đạo dựa trên INS và GNSS. Cơ chế nạp đạn tự động cho phép tốc độ bắn 4 viên/phút. Hiện tại, PzH 2000 đang phục vụ cho quân đội Croatia, Hà Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Lithuania và Ukraine trong khi liên doanh IVECO-OTO Melara (CIO) sản xuất theo giấy phép PzH 2000 cho quân đội Ý. Tạp chí Euro Defence cho biết, KNDS đang thực hiện đơn đặt hàng cung cấp 54 khẩu PzH 2000 cho quân đội nhiều nước khác nhau.

Vương quốc Anh cũng lên kế hoạch thay thế lựu pháo AS90 của mình, nhất là khi 30 khẩu trong số đó đã được chuyển giao cho Ukraine. Dù đã lựa chọn RCH 155, một phiên bản của khẩu PzH 2000, làm phương án thay thế vào từ tháng 4 nhưng như một biện pháp tạm thời, quân đội Anh mới đây đã đặt hàng 14 khẩu lựu pháo tự hành Archer từ BAE Systems.

Archer bao gồm một pháo Bofors FH77BW cỡ nòng 155mm được lắp trên nhiều bệ xe tải khác nhau, nhưng chủ yếu là những chiếc Volvo A30D 6x6 đã được cải tiến, RMMV HX2 8x8 hoặc Oshkosh HEMTT 8x8 và Oshkosh PLS 10x10. Nó được vận hành bởi một kíp lái gồm bốn người từ bên trong cabin được bảo vệ NBC và chống được các loại mìn cấp độ 2. Archer có thể khai hỏa mà không yêu cầu kíp lái phải xuống xe, và theo nhà sản xuất, nó có thể bắn sáu viên đạn, di chuyển 500m rồi lại triển khai trong vòng hai phút.

Các loại đạn của Archer cũng đa dạng, từ đạn nổ mạnh (HE) thông thường với tầm bắn 30 km, đạn chống tăng BONUS có tầm bắn 35 km, đạn nổ mạnh tầm xa (HEER) tới 40 km và đạn dẫn đường chính xác Excalibur tới hơn 50 km. Chính phủ Thụy Sĩ cũng đưa Archer vào danh sách rút gọn trong danh sách những hệ thống pháo binh tương lai của mình.

Triển lãm quốc phòng Eurosatory ở Paris hồi tháng 6 năm nay, chứng kiến những diễn biến sôi động trong lĩnh vực hiện đại hóa pháo binh tại châu Âu. Ảnh: Milmag.pl.

Triển lãm quốc phòng Eurosatory ở Paris hồi tháng 6 năm nay, chứng kiến những diễn biến sôi động trong lĩnh vực hiện đại hóa pháo binh tại châu Âu. Ảnh: Milmag.pl.

Pháo khỏe cần có đạn tốt

Các tập đoàn vũ khí châu Âu hiện cũng đang hợp tác để khôi phục năng lực sản xuất đạn dài hạn. Tháng 3 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã duyệt chi 500 triệu euro theo Đạo luật Liên minh châu Âu về Hỗ trợ sản xuất đạn dược (ASAP) và nguồn tài trợ này sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu tăng năng lực sản xuất lên hai triệu quả đạn mỗi năm vào cuối năm 2025. Chính phủ Tây Ban Nha mới đây cũng trao hợp đồng cho Rheinmetall, một trong những nhà sản xuất đạn pháo lớn nhất thế giới, để cung cấp 94.200 viên đạn 155mm.

Trong lĩnh vực thuốc phóng, Pháp đang tái lập năng lực sản xuất khi công ty Eurenco của họ sẽ tăng gấp đôi công suất. Eurenco đã ngừng sản xuất chất đẩy tại Pháp vào năm 2007, thay vào đó, họ chọn nhập khẩu từ nhà máy Karlskoga của Thụy Điển. Nhưng hoạt động sản xuất của Eurenco đã được khởi động lại tại Bergerac, nơi một cơ sở mới sẽ sản xuất 1.200 tấn chất đẩy mỗi năm, để nạp 500.000 lần nạp đẩy mô-đun. Công ty này đặt mục tiêu mở thêm nhà máy thứ ba vào năm 2026 để sản xuất 1,2 triệu đơn vị nạp đẩy hàng năm.

Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu nổi tiếng với các loại đạn tinh vi nên các hệ thống pháo binh NATO sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn nổ, đạn cảnh báo, đạn khói, đạn chiếu sáng, đạn hồng ngoại và đạn có ngòi cảm biến như đạn BONUS - Bofors NUtating và SMArt 155. Giờ đây, quân đội Pháp đang phát triển đạn dẫn đường KATANA GNSS/INS với độ chính xác rất cao: sai số vòng tròn (CEP) chỉ dưới 10m tại mục tiêu.

Nexter Arrowtech, một công ty con của KNDS, cũng đang nghiên cứu đạn LU 320 có thể đạt vận tốc đầu nòng trên 1.000 m/s và tầm bắn 50 km, cùng ngòi nổ hiệu chỉnh quỹ đạo SPACIDO. Được thiết kế để hoạt động song song với radar Doppler đặt trên ống pháo, ngòi nổ SPACIDO đo chính xác tốc độ và quỹ đạo của đạn trong những giây đầu tiên rời nòng sau đó truyền thông tin đến máy tính điều khiển hỏa lực. Trong trường hợp cần thiết, máy tính sẽ chỉ thị cho SPACIDO hiệu chỉnh quỹ đạo của đạn bằng phanh khí.

Những loại đạn đa dạng và tinh vi kể trên là yếu tố then chốt làm nên sức mạnh cho các hệ thống pháo binh châu Âu. Và bây giờ, khi những quốc gia NATO đang tái nhận thức lại tầm quan trọng của thứ vũ khí này, có thể họ sẽ còn cho ra lò những loại đạn mới, những loại lựu pháo mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai không xa.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/xung-dot-nga-ukraine-kich-hoat-cuoc-dua-nang-cap-phao-binh-chau-au-i739203/