Xung đột Nga - Ukraine làm lộ điểm yếu của chuỗi cung ứng ô tô
Các dây chuyền sản xuất ô tô phải ngừng hoạt động ở Đức, Anh và Áo phơi bày yếu điểm của ngành công nghiệp này là ngày càng phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa gián đoạn vì xung đột Ukraine. Các nhà phân tích nói rằng chiến sự Ukraine sẽ buộc tất cả các công ty phải tính đến việc họ sẽ phải đối mặt với môi trường chính trị ngày càng thiếu ổn định.
Các nhà sản xuất ô tô Đức từng coi Nga là một thị trường tăng trưởng đầy hứa hẹn, nhưng họ đã bỏ rơi thị trường này chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine.
Volkswagen đã ngừng sản xuất tại hai nhà máy ở Nga và dừng xuất khẩu xe sang Nga, với lý do “hoạt động kinh doanh bị gián đoạn”. Mercedes-Benz và BMW cũng thực hiện các bước tương tự, thông báo rằng họ sẽ ngừng sản xuất và xuất khẩu xe sang Nga.
Vấn đề trước mắt mà các nhà sản xuất ô tô châu Âu phải đối mặt là làm thế nào để sản xuất trở lại bình thường trong bối cảnh nguồn cung cấp hệ thống dây điện được sản xuất ở miền tây Ukraine đã bị cắt đứt sau khi Nga tấn công. Chuỗi cung ứng vốn đã chật vật do thiếu chất bán dẫn và các bộ phận khác.
Ukraine đã trở thành trung tâm sản xuất các hệ thống kết nối các bộ phận điện tử như đèn hậu hoặc hệ thống giải trí bên trong ô tô.
Việc lắp ráp được thực hiện phần lớn bằng tay, đòi hỏi số lượng lớn công nhân lành nghề. Ukraine hấp dẫn vì lao động tương đối rẻ và lực lượng lao động được giáo dục tốt.
Ukraine cũng gần các nhà máy sản xuất ô tô của châu Âu. Miền Tây Ukraine, nơi các nhà cung cấp ô tô như Leoni đang hoạt động, cách các nhà máy BMW ở Bavaria 12 giờ lái xe.
Khi cuộc chiến khiến hoạt động sản xuất tại Ukraine ngừng lại, ngành ô tô bị tác động ngay lập tức. Không có ô tô nào có thể hoạt động mà không có hệ thống dây dẫn, hệ thống này thường được thiết kế riêng cho từng loại xe cụ thể.
Trong vòng vài ngày sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, BMW đã đóng cửa một số nhà máy ở Đức, Áo và Anh vì tình trạng thiếu phụ tùng. Volkswagen đã đình chỉ sản xuất tại nhiều địa điểm, bao gồm nhà máy chính ở Đức ở Wolfsburg và nhà máy sản xuất xe điện ở Zwickau.
Porsche, thuộc Volkswagen, đã ngừng hoạt động một nhà máy ở Leipzig để sản dòng xe Cayenne. Mercedes-Benz cho biết họ đã điều chỉnh ca làm việc tại một số địa điểm nhưng tất cả các nhà máy của hãng đều đang hoạt động.
Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức cảnh báo, chiến tranh và các lệnh trừng phạt có thể sớm hạn chế nguồn cung cấp nguyên liệu thô từ Nga mà các nhà sản xuất ô tô cần. Chúng bao gồm palladium, được sử dụng cho thiết bị khử ô nhiễm trong ô tô và niken, thiết bị cần thiết cho pin ô tô điện.
Trong khi đó, Ukraine là nguồn cung chính của neon, một loại khí được sử dụng cho các tia laser hiệu suất cao, dùng để sản xuất các chất bán dẫn.
Cuộc giao tranh cũng đã ảnh hưởng đến vận tải hàng không, cũng như giao thông đường sắt trên đường sắt xuyên Siberia, phương thức mà các nhà sản xuất ô tô Đức dùng để vận chuyển tới các nhà máy ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở thành thị trường xe hơi lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới, đồng thời là nguồn lợi nhuận quan trọng của hầu hết các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả các công ty Mỹ như General Motors hay Tesla.
Hãng xe Đức Volkswagen bán hơn một nửa số mà họ sản xuất tại Trung Quốc, và quốc gia tỉ dân chiếm khoảng 1/3 doanh số của BMW và Mercedes-Benz.
Trung Quốc đang là nguồn cung cấp lithium tinh chế quan trọng cần thiết cho pin ô tô điện, đồng thời là nhà sản xuất pin lớn.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến châu Âu quan ngại về mối quan hệ của Trung Quốc với Nga. Tại Berlin, các nhà chức trách đang tranh cãi về việc châu Âu, đặc biệt là Đức và ngành công nghiệp xe hơi, đã trở nên phụ thuộc quá mức vào thương mại với Trung Quốc.
Dù vậy, các nhà sản xuất xe đã nỗ lực để đối phó với sự hỗn loạn về hậu cần từ lúc mới bùng dịch COVID-19 cho tới nay. Joachim Damasky, giám đốc điều hành của hiệp hội công nghiệp ô tô Đức, cho biết các hãng xe sẽ chuyển sang các dùng nguồn cung hệ thống dây ở các quốc gia khác, như Tunisia. VIệc thay thế nguồn cung sẽ mất từ hai đến bốn tuần.
Minh Khôi(theo New York Times)
Bạn nghĩ gì về ảnh hưởng của chiến sự Nga- Ukraine tới ngành công nghiệp xe hơi thế giới? Hãy chia sẻ bài viết góc nhìn của mình về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!