Xung đột Nga – Ukraine: Viễn cảnh hòa bình vẫn còn xa vời
Con đường thoát khỏi xung đột hiếm khi dễ dàng. Lựa chọn hòa bình, điều tưởng chừng ai cũng mong muốn, lại quá khó khăn ở Ukraine, nơi đặt nhiều toan tính của các cường quốc.
Chiến trường vẫn đầy khốc liệt, trong khi đàm phán hòa bình đã đóng băng kể từ tháng 3 năm ngoái và chưa có dấu hiệu bên nào có thể nhượng bộ, mở đường cho một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột.
Chỉ bốn ngày sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát hôm 24/2/2022, hai bên đã tổ chức vòng đàm phán hòa bình đầu tiên, vào 28/2 tại Belarus. Cuộc họp kết thúc mà không có kết quả, các phái đoàn của cả hai bên nhanh chóng quay trở lại thủ đô của họ để tham vấn. Vòng đàm phán thứ hai và thứ ba diễn ra vào ngày 3 và ngày 7/3/2022, tại một địa điểm không được tiết lộ thuộc vùng Gomel, Belarus, nằm giáp biên giới với Ukraine. Sau đó, vòng đàm phán thứ tư được tổ chức từ ngày 14-17/3 và vòng thứ 5 vào 21/3 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không mang lại kết quả gì đáng kể.
Sau loạt vòng đàm phán kết thúc mà không đạt được tiến triển nào, ngày 17/5/2022, Ukraine và Nga cho biết các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt giao tranh đã tạm ngừng, đồng thời đổ lỗi cho nhau. Tới nay, mặc dù cả Kiev và Moskva đều khẳng định vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán, nhưng các bên đều đưa ra những điều kiện mà đối phương cho rằng "phi thực tế" và đây chính là bế tắc chưa có cách nào khai thông.
Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố, xung đột không thể chấm dứt cho đến khi Ukraine giành lại được toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có 4 vùng lãnh thổ mới bị Nga sáp nhập, gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhia, Kherson, và bán đảo Crimea sáp nhập Nga từ năm 2014. Ông Zelensky thậm chí đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột, trong đó có yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine; Nga phải rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới của Ukraine với Nga; Lập tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh...
Trong khi đó, Moskva coi Crimea là vấn đề "không thể thương lượng". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng tuyên bố việc Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát trong chiến dịch quân sự ở Ukraine là điều không thể. Ông Peskov nhấn mạnh, nếu Ukraine muốn hòa bình, nước này phải tính tới "những thực tế lãnh thổ mới", ngầm đề cập đến Crimea và 4 vùng mới sáp nhập Nga.
Về phía các đồng minh và đối tác của Ukraine ở phương Tây, những nước này đều công khai tuyên bố ủng hộ một giải pháp ngoại giao hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên, các lãnh đạo phương Tây, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẳng định không thúc ép Ukraine đàm phán, mục tiêu của họ chỉ là làm thế nào để giúp Kiev có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán. Phương cách đó, hiện tại, theo các đồng minh phương Tây là rót vũ khí để giúp Kiev chiếm ưu thế trên chiến trường. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Những gì diễn ra trên bàn đàm phán hoàn toàn liên quan đến tình hình trên chiến trường. Bởi vậy, cách tốt nhất để đạt được hòa bình lâu dài và bền vững ở Ukraine là cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước này".
Giới quan sát cho rằng, cả Nga và Ukraine đều không muốn từ bỏ những gì mà họ đã đạt được để thỏa thuận với bên còn lại. Điều này cho thấy hy vọng về các cuộc đàm phán hòa bình vẫn còn quá xa vời.
Theo chuyên gia quân sự, Phó giáo sư Song Zhongping ở Bắc Kinh, trong bối cảnh hiện nay, "nếu không thể giành được từ chiến trường, thì sẽ không thể giành được từ bàn đàm phán", và điều này áp dụng cho cả Nga và Ukraine. Hai bên đều tin rằng họ có thể tiếp tục thay đổi hiện trạng bằng các biện pháp quân sự, đây là lý do các trận chiến dữ dội ở miền Đông và miền Nam Ukraine vẫn tiếp diễn.
"Đối với Nga, năm 2023 là một năm quan trọng, vì chính quyền Tổng thống Putin cần chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024. Nếu Nga không thể củng cố những gì đã đạt được hoặc thậm chí thỏa hiệp quá nhiều với Mỹ và Ukraine, chương trình nghị sự năm 2024 của ông Putin sẽ gặp khó khăn, vì vậy Nga không thể điều chỉnh các điều kiện đàm phán của mình", Cui Heng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc), nhận định.
Trong khi đó, "đối với Ukraine và Mỹ, không gian đàm phán cũng bị hạn chế. Tại thời điểm này, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ bị gây sức ép bởi "sự đúng đắn về chính trị", nên dù muốn đối thoại với Nga để tìm cách xoa dịu căng thẳng và ít nhất để cho tình hình kinh tế khó khăn tạm lắng, họ cũng không dám thay đổi lập trường cứng rắn với Nga", ông Cui Heng nhấn mạnh.
Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ, việc giảm bớt sự ủng hộ dành cho Ukraine vào năm 2023 cũng khó xảy ra. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, vấn đề Ukraine sẽ không bị các đảng viên Cộng hòa thách thức quá nhiều do "sự đúng đắn về chính trị", và khi Tổng thống Biden thể hiện không tốt trong các vấn đề đối nội, ông sẽ không ngần ngại sử dụng Ukraine như một "quân bài" để đảm bảo cơ hội tái đắc cử.
Mới đây, sau khi Tổng thống Nga Putin đọc bản Thông điệp Liên bang 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có bài phát biểu tại Ba Lan, đều với trọng tâm là cuộc xung đột ở Ukraine. Hai bài phát biểu đối lập vào cùng ngày 21/2 là lời nhắc nhở rằng một năm sau xung đột, cả Washington và Moskva đều đang tỏ ra quyết tâm hơn: một bên là tăng cường sức mạnh quốc phòng cho Ukraine; một bên là ý chí không thể bị đánh bại trên chiến trường. Giới phân tích nhận định đây dường như là kịch bản của một "cuộc chiến bất tận". Việc Nga liền sau đó quyết định đình chỉ hiệp ước New START, thỏa thuận hạt nhân duy nhất còn lại với Mỹ, đã nhấn mạnh thêm lập trường cứng rắn của Moskva.
Con đường thoát khỏi xung đột hiếm khi dễ dàng. Lựa chọn hòa bình, điều tưởng chừng ai cũng mong muốn, lại quá khó khăn ở Ukraine, nơi đặt nhiều toan tính của các cường quốc. Cuộc xung đột đang bước sang năm thứ hai, nhưng triển vọng về một thỏa thuận hòa bình vẫn vô cùng ảm đạm. Các dự báo của giới quan sát hầu như chỉ xoay quanh tình hình chiến trường. Phát biểu trước Đại hội đồng ở New York hôm 12/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói rằng ông lo ngại khả năng leo thang hơn nữa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ đồng nghĩa thế giới đang hướng tới một "cuộc chiến rộng lớn hơn". "Triển vọng hòa bình ngày càng giảm đi. Nguy cơ leo thang và đổ máu tiếp tục gia tăng", ông Guterres nói. Nhà phân tích Jade McGlynn tại Đại học King’s College London cũng cho rằng: “Khác biệt trong cách nhìn nhận cuộc xung đột này của cả hai bên khiến hòa bình gần như không thể xảy ra”.
Chừng nào tiếng nói vì hòa bình còn xa, thì đau thương vẫn trút xuống nạn nhân của bất kỳ cuộc chiến nào, ở Ukraine là hàng triệu dân thường và hàng ngàn người lính đang phải chịu cảnh bom rơi lửa đạn.