Xung đột nội bộ Sudan và vết 'trượt dài' khủng hoảng
Xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ ngày 15/4/2023 với tâm điểm tại Thủ đô Khartoum. Thống kê sơ bộ, chỉ sau 2 ngày chiến loạn, ít nhất 56 dân thường thiệt mạng và 595 người bị thương. Thủ đô Khartoum bị bao trùm bởi âm thanh của hỏa lực hạng nặng, tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu, xe bọc thép, xe bán tải vũ trang súng máy…
Bên cạnh hỏa lực trên đường phố Khartoum, hai bên cũng chiến đấu gay gắt trên truyền thông. Điển hình, RSF tuyên bố đã chiếm giữ Phủ Tổng thống, sân bay quốc tế, căn cứ quân sự, gây thương vong lớn cho quân đội Sudan… Ngược lại, Tổng tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah Al-Burhan bác bỏ và khẳng định, quân đội Sudan vẫn kiểm soát các mục tiêu này. Không quân Sudan cũng tiến hành các cuộc càn quét căn cứ RSF ở Khartoum.
Người phát ngôn của quân đội Sudan Nabil Abdallah tuyên bố, RSF đã châm ngòi cho cuộc giao tranh khi tấn công một số doanh trại quân đội. Ở bên kia “chiến tuyến”, RSF cáo buộc quân đội Sudan tấn công trước với số lượng quân đông đảo bao vây các doanh trại của RSF ở Khartoum; phát động các cuộc tấn công bằng cả vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng.
Theo giới quan sát, dù các bên đều chiếm “thế thượng phong” trong các tuyên bố của mình, nhưng thực tế, xã hội khó có thể kiểm chứng sự thật một cách độc lập. Dư luận quốc tế phần lớn nghiêng về quan điểm, quân đội Sudan đang thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đất nước, còn RSF đang thực hiện một cuộc nổi dậy.
Đúng hay sai là điều khó phân định, nhưng người dân chắc chắn sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Ngoài số dân thường thiệt mạng không ngừng gia tăng, nhiều thông tin, hình ảnh lan truyền phản ánh sự hoang mang, sợ hãi của người dân Khartoum. Thủ đô gần như “tê liệt” hoàn toàn từ khi bùng nổ đụng độ; điện, nước và nhiều tiện ích sinh hoạt bị đình chỉ. Người dân cũng đang được kêu gọi ở yên trong nhà khi an ninh chưa được thiết lập tốt. Trong khi đó, dư luận xã hội Sudan lo ngại, sự ảnh hưởng của cuộc giao tranh có thể sẽ còn kéo dài, thậm chí có thể tái diễn nhiều lần trong tương lai.
Theo giới quan sát khu vực, quân đội Sudan và RSF đã dung dưỡng một cuộc đối đầu căng thẳng, ngày càng nghiêm trọng hơn trong những tháng gần đây. Một trong những “giọt nước làm tràn ly” là đề xuất tích hợp RSF vào quân đội chính quy, cũng như cách thức giám sát quá trình sáp nhập. Sự bất đồng giữa các bên cũng làm trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ về quá trình chuyển đổi sang dân chủ ở quốc gia Bắc Phi này.
Nhìn lại căn nguyên của bất ổn, năm 2013, Tổng thống Sudan khi đó là Omar Al-Bashir thành lập RSF. Năm 2019, vị tổng thống này bị lật đổ và Sudan hình thành một chính phủ chuyển tiếp do lực lượng dân sự đứng đầu. Năm 2021, quân đội Sudan với sự hợp tác của RSF đã lật đổ chế độ dân sự này để cầm quyền lãnh đạo đất nước. Theo đó, Sudan được lãnh đạo bởi Hội đồng chuyển tiếp với Chủ tịch Hội đồng là Tổng tư lệnh Abdel Fattah Al-Burhan, Phó Chủ tịch Hội đồng là Tướng Mohamed Hamdan Dagalo - Chỉ huy RSF. Những tháng gần đây, mối quan hệ của hai vị này ngày càng xấu đi, khiến bất đồng giữa hai lực lượng thêm nhiều phần trầm trọng.
Liên hợp quốc và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế kêu gọi chấm dứt ngay chiến sự với đánh giá, tình hình ở Sudan đang rất mong manh và cực kỳ nguy hiểm. Song, giới lãnh đạo thế giới tin rằng vẫn có cơ hội để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang một chính phủ do dân sự lãnh đạo, thay vì quân sự như hiện nay. Bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế và đối thoại từ cộng đồng quốc tế, cả hai bên cho thấy thái độ đối địch gay gắt. Đặc biệt, Tổng tư lệnh quân đội Sudan đã ban hành sắc lệnh giải tán RSF và phát lệnh truy nã Tướng Dagalo. Đồng thời tuyên bố sẽ không đàm phán hay đối thoại trước khi lực lượng của ông Dagalo giải thể.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, căng thẳng giữa hai bên sẽ khó có thể sớm “xuống thang”, thậm chí có thể chuyển hóa lên một mức độ khác khiến Sudan sẽ trượt dài trên con dốc khủng hoảng.