Xung đột phủ bóng hội nghị thượng đỉnh châu Phi
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 38 quy tụ đại diện từ 55 quốc gia thành viên.
Các vấn đề chính trong chương trình nghị sự bao gồm xung đột leo thang ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo ở Sudan, cùng với lệnh cắt giảm viện trợ từ Mỹ.
Diễn ra tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia từ ngày 15 đến 16-2, hội nghị cũng sẽ bầu ra chủ tịch mới của AU - một chức vụ đại diện cho khoảng 1,5 tỉ người trên khắp châu lục.
Chuyên gia Liesl Louw-Vaudran của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) khẳng định cuộc bầu cử sẽ được theo dõi chặt chẽ, nhất là khi người kế nhiệm cựu Thủ tướng Chad Moussa Faki Mahamat được kỳ vọng có thể tiếp thêm sinh lực cho tổ chức.

Người dân chạy trốn giao tranh ở miền Bắc và miền Nam Kivu đến cảng Kituku ở TP Goma - DRC Ảnh: DOCTORS WITHOUT BORDERS
Một ngày trước hội nghị, theo Reuters, các tay súng M23 do Cộng hòa Rwanda hậu thuẫn tuyên bố đã chiếm được sân bay Kavumu ở miền Đông của DRC.
Chủ yếu được sử dụng cho các chuyến bay của tổ chức phi chính phủ và quân sự, sân bay Kavumu là rào cản quân sự quan trọng cuối cùng trước khi phiến quân M23 tiến đến TP Bukavu, nơi hơn 1 triệu người sinh sống.
Sau khi triển khai chiến dịch tấn công chớp nhoáng và chiếm giữ Goma (thành phố lớn nhất miền Đông của DRC) vào cuối tháng 1, các tay súng M23 nhanh chóng di chuyển về phía Nam.
Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc cảnh báo tình hình hiện "xấu đi nhanh chóng", đồng thời lưu ý cuộc xung đột đang diễn ra đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng, hơn 2.800 người bị thương và hơn 500.000 người phải di dời.
"Chúng ta phải nhanh chóng giải quyết vấn đề, bởi cuộc xung đột này có thể tạo ra tiền lệ dẫn đến nhiều bất ổn hơn" - Tổng thống DRC Felix Tshisekedi khẳng định tại cuộc thảo luận ở Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 14-2.
Ông cho biết thêm hơn 7 triệu người đã phải di dời kể từ khi xung đột nổ ra hơn 20 năm trước. Cũng có mặt tại Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Rwanda Juvenal Marizamunda nhấn mạnh quốc gia của ông không đạt được bất cứ điều gì từ một DRC bất ổn - theo hãng tin Anadolu.
"Cuộc khủng hoảng ở miền Đông của DRC là một thách thức đối với tất cả các nước trong khu vực. Rwanda đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hậu quả tàn khốc về con người, chính trị và kinh tế từ cuộc khủng hoảng này" - ông khẳng định.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xung-dot-phu-bong-hoi-nghi-thuong-dinh-chau-phi-196250215200329293.htm