Xung đột Ukraine: Cựu Tổng thống Nga cảnh báo Thế chiến III, Tổng thống Serbia nói về nguy cơ lan rộng
Trong khi cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng thế giới tiến gần đến mối đe dọa của Thế chiến III, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic lo ngại xung đột Nga - Ukraine sẽ sớm lan sang các vùng lãnh thổ khác.
Theo Đài RT, ngày 23/1, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã có bài phát biểu trước lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền ở Moskva, cho rằng Mỹ và các đồng minh gần như châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ ba bằng cách chuẩn bị tấn công Nga, khiến Moskva không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động.
Ông Medvedev nói: “Đảng của chúng ta nên giúp mọi người trên khắp thế giới hiểu rằng chiến dịch đặc biệt đang diễn ra (ở Ukraine) là một phản ứng bắt buộc và là biện pháp cuối cùng trước sự chuẩn bị xâm lược của Mỹ và các (nước) vệ tinh của họ”.
“Rõ ràng là thế giới đã tiến gần đến mối đe dọa của Thế chiến III vì những gì đang xảy ra”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Ông Medvedev là Tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012, sau đó trở thành Chủ tịch đảng cầm quyền và Thủ tướng. Ông từ chức Thủ tướng vào năm 2020 để điều hành Hội đồng An ninh quốc gia.
Tối cùng ngày, cũng theo Đài RT, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã phát biểu trước quốc dân, cho rằng Belgrade đang phải đối mặt với áp lực từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vấn đề Kosovo vì cuộc xung đột ở Ukraine có khả năng sẽ sớm leo thang.
Theo ông Vucic, EU trên thực tế đang có chiến tranh ở Ukraine, cho nên, họ muốn “sân sau” của mình, bao gồm cả Serbia, phải chịu khuất phục. Tuy nhiên, cảm giác mách bảo ông rằng là xung đột “sẽ không lắng xuống mà sẽ chỉ lan rộng”.
“Bây giờ bạn thấy đấy, không chỉ có Nga đấu với Ukraine. Nó sẽ sớm lan sang các vùng lãnh thổ khác. Việc đất nước của chúng ta không nằm trong số đó là tùy thuộc vào chúng ta,” ông Vucic nói.
Trước đó vào ngày 15/1, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cũng nhận định rằng xung đột ở Ukraine đã trở thành một cuộc chiến ủy nhiệm chống Nga của NATO thông qua Ukraine.
Trên thực tế, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu, phương Tây đã tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev.
Ngày 19/1, Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 2,5 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm 90 xe thiết giáp chở quân Stryker, 59 xe chiến đấu bộ binh Bradley, hệ thống phòng không Avenger và đạn dược các loại. Gói hỗ trợ mới nhất này đã nâng tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine kể từ tháng 2/2022 lên hơn 26,7 tỷ USD.
Sau đó, theo hãng tin Reuters, trong cuộc họp kín ngày 23/1, các ngoại trưởng EU đã thông qua gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 500 triệu euro (544 triệu USD). Cũng tại hội nghị lần này, các ngoại trưởng EU tiếp tục đề nghị với Đức về việc triển khai xe tăng Leopard do nước này chế tạo tới Ukraine, sau khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẽ không cản trở nếu Ba Lan muốn chuyển những xe tăng này cho Kiev.
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk vị thế đặc biệt trong nhà nước Ukraine.
Đầu tháng 10/2022, Nga đã sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia vào lãnh thổ của mình sau các cuộc trưng cầu dân ý trước đó một tháng.
Về phần mình, giới lãnh đạo Ukraine cho biết họ sẵn sàng giành lại tất cả các vùng lãnh thổ thuộc biên giới của đất nước được thành lập sau năm 1991 bằng vũ lực nếu Moskva không từ bỏ chúng.
Trong “công thức hòa bình” đưa ra lần đầu tiên vào tháng 11/2022, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cũng yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nghĩa là Nga phải từ bỏ 4 vùng mới sáp nhập cùng với bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bác bỏ kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông Zelensky, cho rằng đề xuất này “không thực tế và không thỏa đáng”.