Xung đột Ukraine sẽ phủ bóng Đối thoại Shangri-La
Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ dùng diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á trong tuần này để tố cáo nhau trong hàng loạt vấn đề, từ đảo Đài Loan (Trung Quốc) đến xung đột ở Ukraine, dù hai bên vẫn thể hiện sẵn sàng thảo luận để quản lý khác biệt.
Đối thoại Shangri-La, nơi quy tụ các quan chức quốc phòng, ngoại giao và các hãng sản xuất vũ khí lớn từ khắp thế giới, sẽ diễn ra từ ngày 10-12/6 tại Singapore. Năm nay là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Bên lề diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự kiến sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức cách đây hơn 2 năm.
“Từ quan điểm của mình, chúng tôi chờ đợi cuộc gặp sẽ tập trung vào quản lý cạnh tranh trong các vấn đề khu vực và toàn cầu”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Theo báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ dùng cuộc gặp này để thảo luận vấn đề hợp tác với Mỹ.
Hai Bộ trưởng LIoyd Austin và Ngụy Phượng Hòa dự kiến sẽ dùng bài phát biểu tại diễn đàn để tái khẳng định cam kết với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó sẽ có những luận điểm chỉ trích bên kia.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục căng thẳng vì mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề, từ đảo Đài Loan (Trung Quốc) đến hoạt động quân sự ở Biển Đông và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương.
Dù diễn đàn tập trung vào các vấn đề châu Á, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay dự kiến vẫn là trung tâm của các cuộc thảo luận.
Ukraine sẽ cử một phái đoàn đến dự đối thoại, còn Nga vắng mặt, một nguồn tin nắm được danh sách tham gia cho biết.
“Đoàn Mỹ sẽ dùng dịp này để chỉ trích quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc với Nga”, Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam Singapore, nói với Reuters.
“Chúng ta sẽ thấy sự đề cập đến quan hệ đối tác Nga – Trung… Trung Quốc sẽ bảo vệ quan hệ đó, cũng như quan điểm về chính sách của họ đối với Ukraine”, ông Li nhận định.
Những hòn đá tảng
Trong khi Mỹ đang phải dồn vốn liếng chính trị và quân sự vào cuộc xung đột ở Ukraine, ông Austin sẽ phải thuyết phục các đối thủ của Trung Quốc ở châu Á rằng họ vẫn có thể dựa vào Washington.
“Họ nói rằng Trung Quốc là một mối đe dọa lớn và thậm chí là mối đe dọa cấp bách. Nhưng dường như phần lớn sự chú ý và nguồn lực của họ đang hướng đến châu Âu”, Elbridge Colby, một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, nhận xét.
Cuộc gặp song phương giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).
“Mỹ sẽ lắc qua lắc lại về vấn đề Đài Loan, cũng như về sự quyết liệt gia tăng của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND Corp., đánh giá.
Tổng thống Biden gần đây tuyên bố Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc đại lục tấn công đảo Đài Loan, nhưng sau đó các quan chức dưới quyền nói lại rằng chính sách của Mỹ vẫn chưa thay đổi và Washington không ủng hộ độc lập cho Đài Loan (Trung Quốc).
Mỹ lâu nay duy trì chính sách mơ hồ chiến lược về việc có can thiệp trực tiếp để bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc) hay không.
Các đảo quốc Thái Bình Dương gần đây nổi lên trở thành một mặt trận quan trọng trong nỗ lực cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đặc phái viên của Tổng thống Biden sẽ thăm quần đảo Marshal trong tuần tới, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.
Tuần trước, hội nghị trực tuyến với 10 ngoại trưởng Thái Bình Dương do Ngoại trưởng Trung Quốc chủ trì tại Fiji đã nhất trí xem xét đề xuất của Bắc Kinh về một thỏa thuận an ninh và thương mại quy mô khu vực.
Một vấn đề lớn khác sẽ được nói đến tại Đối thoại Shangri-La là mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ Triều Tiên, sau khi nước này đã thực hiện ít nhất 18 vụ phóng thử vũ khí từ đầu năm đến nay.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ có bài phát biểu chủ đạo tại đối thoại, với nội dung dự kiến là kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở châu Á – Thái Bình Dương.