Xung kích giúp dân nơi đỉnh lũ Đà Nẵng
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngày 15-10, gần 300 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân của Ban CHQS quận Liên Chiểu (Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng) và Tiểu đoàn Đặc công 409, Tiểu đoàn Trinh sát 32 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) tiếp tục ra quân tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân sinh sống tại các khu vực trũng thấp, ngập sâu đi sơ tán; phối hợp cùng lực lượng chức năng địa phương tích cực thu gom củi gỗ, rác thải, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, mương, sông, suối; bảo đảm chu đáo nơi ăn, chỗ ở cho bà con đến tránh trú tập trung.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Sau 2 ngày 2 đêm đi sơ tán, tránh lũ trong các cơ quan, công sở, trường học trên địa bàn, sáng 15-10, thấy trời ngớt mưa, nước lũ xuống dần, hàng trăm người dân sinh sống tại tổ 45, 46, 47, 48, 65, 67 Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lục tục rủ nhau trở về nhà. Phát hiện sự việc, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng lực lượng quân sự, Công an đã kịp thời tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục ở lại khu sơ tán để đảm bảo an toàn.
Đến gần trưa, trời bất chợt đổ mưa xối xả. Những con hẻm nhỏ nằm dọc tuyến đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt, Trần Kế Xương lại tiếp tục ngập sâu khiến nhiều người không kịp trở tay. Với lực lượng, phương tiện tại chỗ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Tiểu đoàn Đặc công 409 đã kịp thời cơ động, sơ tán được 14 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đưa về đơn vị tá túc.
Trên chiếc xuồng cao su cứu hộ chòng chành, liêu xiêu giữa dòng nước lũ, anh Trần Nam Tiến (32 tuổi, trú tại tổ 67 Đà Sơn) cho biết: “Nhà tôi nằm cạnh bờ kênh. Tối 13-10, do mưa lớn, nhà tôi bị ngập gần tới nóc, may nhờ có bộ đội phát hiện, sơ tán kịp thời nên mọi người đều bình an vô sự. Sáng nay, tranh thủ lúc vợ con đang ngủ, tôi trở về nhà tìm xe máy, nồi cơm mang đi gửi tạm, tránh thiệt hại nặng quá sẽ phải mua mới. Thế nhưng khi tôi chưa kịp làm gì thì nước lũ đã dâng lên đến cổ. Nếu không có bộ đội ứng cứu, chẳng biết mọi chuyện sẽ ra sao”.
Trực tiếp chỉ huy lực lượng đi cứu hộ, cứu nạn, Thượng úy Trương Quang Thiên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đặc công 409 cho biết: “Điều khiển ca nô, xuồng máy cứu hộ đi trong những khu dân cư bị ngập sâu luôn là khó khăn, thử thách lớn của bộ đội Đặc công. Nếu không may va phải cọc ngầm, cột điện, hàng rào hay các vật sắc nhọn chìm sâu dưới nước, mọi chuyện đều có thể xảy đến rất nhanh. Để đảm bảo an toàn, quá trình cơ động, bộ đội phải lựa từng con nước mà đi. Nhiều đoạn anh em phải chủ động tắt máy, gắng sức chèo, chống đưa thuyền ngược sóng tiếp cận mục tiêu. Quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, quá trình cơ động thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải chia nhỏ đội hình, đi vào từng hẻm nhỏ liên tục phát loa tay thông báo tìm người”.
Trưa cùng ngày, theo đề nghị của cấp ủy, chính quyền địa phương, gần 50 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ Ban CHQS quận Liên Chiểu và Tiểu đoàn Đặc công 409 khẩn trương cơ động đến khu vực cầu Bà Xí, dùng câu liêm, gậy gỗ, cuốc xẻng thu gom, vận chuyển được gần 8m3 củi gỗ, rác thải, khơi thông toàn bộ dòng chảy từ tuyến kênh Đa Lộc ra sông Cu Đê và cửa biển Nam Ô.
Nhờ vậy, hơn một giờ sau, các đoạn ngập úng trên tuyến đường đường Mẹ Suốt, Trần Kế Xương, Đồng Trí 1 đã thông xe trở lại. Ông Nguyễn Văn Thể, Phó chủ tịch phường Hòa Khánh Nam cho biết: “Phường Hòa Khánh Nam hiện có 69/70 tổ dân phố bị ngập, trong đó có nhiều khu vực ngập trên 2m. Ngày 13-10, nhiều người dân sinh sống tại các khu vực trũng thấp đã chủ động đi sơ tán, tránh trú, ở nhờ nhà người thân, nhưng đến đêm 14-10, nước lũ tiếp tục lên cao, họ lại phải khăn gói chuyển đến các điểm trường và doanh trại của Tiểu đoàn Đặc công 409, Tiểu đoàn Trinh sát 32. Lúc mưa lũ hiểm nguy, có bộ đội Khu 5 kề vai sát cánh, cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân rất yên tâm, phấn khởi”.
Mái ấm giữa biển nước
Chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của bà con vùng lũ, ba ngày trước, ngay sau khi nhận được thông tin về trận mưa lũ lịch sử sắp diễn ra, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã tiến hành dồn dịch quân số, chuẩn bị chu đáo nơi ăn, chốn ở, sẵn sàng đón nhận từ 1.500 - 2.000 người dân đến sơ tán. Ở Tiểu đoàn Đặc công 409, tuy phần lớn lực lượng đang phân tán thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chốt trực, cảnh báo, điều tiết giao thông, song đơn vị vẫn bảo đảm đầy đủ mỗi ngày 3 bữa cơm canh nóng sốt, để đồng bào yên tâm tránh lũ.
Nhà ở chỗ cao, chưa khi nào bị ngập nên cuối tuần trước, xem dự báo thời tiết, thấy Đà Nẵng có mưa lớn diện rộng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan (40 tuổi, trú tại tổ 67, Đà Sơn) chỉ nhắc nhau đi mua thêm ít thịt cá, rau xanh dự trữ, chứ chẳng nghĩ gì đến chuyện sẽ đi sơ tán. Vậy mà tối 14-10, khi cả nhà đang ăn cơm thì nước lũ tràn về, ngập cả bộ bàn ghế đang ngồi. Hoảng hốt, vợ chồng chị vội ôm các con chạy lên gác lửng, rồi bấm số điện thoại đường dây nóng, nhờ bộ đội đặc công đến cứu.
Tại khu sơ tán, do đang trong thời gian ở cữ nên chị Loan và 2 cháu nhỏ sơ sinh Thu Hương, Thu Hiền được bộ đội ưu ái sắp xếp cho một phòng riêng (phòng của Trung úy Trịnh Quang Duy, Trung đội trưởng Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công 409) có đầy đủ tiện nghi, còn chồng chị và 2 cháu lớn ở cùng mọi người trong phòng tập thể. Mỗi lần xuống thăm khám, kiểm tra sức khỏe của 3 mẹ con chị Loan, Đại úy QNCN Nguyễn Xuân Nghĩa, nhân viên quân y Tiểu đoàn đều tận tình tư vấn, hướng dẫn chị Loan các kiến thức, kỹ năng phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong mùa mưa lũ.
Cả ngày dầm mưa ứng cứu nhân dân, vừa về đến đơn vị, Binh nhất Bùi Quang Hóa, Nguyễn Ngọc Hào và các chiến sĩ trẻ lại tranh thủ đến các dãy nhà ngồi chơi, nói chuyện, động viên bà con vùng lũ. Hơn một năm tuổi quân, Hóa và Hào đã 3 lần vượt lũ dữ cứu dân nên được bà con quý mến chẳng khác nào ruột thịt.
Gia đình Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Sơn, lái xe Tiểu đoàn 409 sinh sống tại Đà Sơn, hiện đang bị ngập rất sâu, song nhờ chủ động đưa vợ con đến nhà người thân tránh trú từ cuối tuần trước, nên 3 ngày qua anh vẫn kề vai, sát cánh cùng đồng đội tỏa về các hướng cứu dân.
Lo cho dân như lo cho mình, dưới mái nhà chung thắm tình đoàn kết quân dân của bộ đội Khu 5, hàng trăm người dân vùng lũ Đà Thành vẫn được chăm sóc ân cần, chu đáo, giúp họ từng bước quên đi những lo toan, phiền muộn.
Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT HÙNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.