Xung quanh vấn đề đưa Lịch sử vào môn học tự chọn bậc THPT
Từ năm học 2022-2023, chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở lớp 10 THPT. Ngoài 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh lớp 10 lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn học tự chọn, trong đó, Lịch sử là môn học tự chọn thuộc nhóm khoa học xã hội. Vấn đề này đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận.
Lý giải về lý do đưa Lịch sử vào môn học tự chọn ở bậc THPT, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, chương trình giáo dục mới quy định 14 nội dung giáo dục, mỗi nội dung đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó, một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi.
Riêng giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1-9. Cụ thể, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý từ lớp 1-5, giúp học sinh làm quen với nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lý từ lớp 6-9, giúp học sinh có nền tảng kiến thức từ cổ đại đến hiện đại của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Cấp THPT, chương trình môn Lịch sử chuyên sâu, mở rộng giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai. Ngoài ra, chương trình mới cũng dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương.
Mặc dù vậy, nhưng việc đưa Lịch sử vào môn học tự chọn ở bậc THPT vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng như vậy là không thỏa đáng với vị trí đặc biệt quan trọng của môn học này; thậm chí, có người lo ngại, nếu môn Lịch sử không được giảng dạy đầy đủ trong trường sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng là các thế hệ sau dần lãng quên quá khứ, ảnh hưởng đến tình yêu đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.
Thầy giáo Vũ Xuân Đông, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kim Xá, huyện Vĩnh Tường chia sẻ quan điểm cá nhân: “Lịch sử, văn học là những môn học dạy học sinh làm người, nhất là trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng cho học sinh càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, phải học và dạy lịch sử cho thật tốt chứ không nên xếp vào môn học tự chọn”.
Với 13 năm giảng dạy môn Lịch sử, cô giáo Phạm Thị Kim Dung, Trường THPT Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc chia sẻ: “Là môn học nền tảng, Lịch sử cung cấp cho thế hệ trẻ kiến thức về quá trình hình thành, phát triển của mỗi quốc gia, do đó, được xem như sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại và bồi đắp, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người.
Hơn nữa, kiến thức lịch sử ở bậc THCS là kiến thức cơ bản, khái quát, chưa chuyên sâu như bậc THPT. Vì vậy, theo tôi 100% học sinh cần phải học Lịch sử. Ngoài ra, tôi băn khoăn nếu Lịch sử là môn tự chọn, có ít học sinh lựa chọn thì giáo viên môn Lịch sử sẽ như thế nào?”.
Khảo sát ý kiến của một số người dân, phần lớn đồng quan điểm cần thiết dạy học môn Lịch sử ở bậc THPT. Có con gái chuẩn bị dự thi tuyển sinh vào lớp 10, chị Đỗ Thị Bích Liên, xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường cho biết: “Lịch sử là cội nguồn, gốc rễ của dân tộc, vì vậy tôi mong muốn con tôi và các thế hệ học sinh đều học lịch sử xuyên suốt 12 năm phổ thông”.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Bộ GDĐT xem xét một cách thận trọng chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa Lịch sử vào môn học tự chọn ở cấp THPT.
Bộ GDĐT đã tổ chức buổi tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai chương trình GDPT 2018 và môn Lịch sử bậc THPT. Tại buổi tham vấn, Bộ trưởng Bộ GDĐT và các thành viên Ban phát triển chương trình, Hội đồng thẩm định chương trình GDPT tổng thể đã nghe nhiều ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử.
Đồng thời, các chuyên gia cũng khẳng định chương trình GDPT 2018 được xây dựng đúng đường lối; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để việc triển khai Chương trình GDPT 2018 bậc THPT thuận lợi và hiệu quả.
Tại Vĩnh Phúc, cùng với việc bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành, Sở GDĐT đã triển khai lấy ý kiến về lựa chọn các môn học ở cấp THPT đối với học sinh lớp 9. Kết quả, hơn 51% học sinh lựa chọn học môn Lịch sử ở cấp học THPT, cho thấy học sinh Vĩnh Phúc rất quan tâm tới lịch sử và bảo đảm môn Lịch sử vẫn được giảng dạy ở các trường THPT. Xác định ý nghĩa chiến lược của chương trình GDPT 2018 và tầm quan trọng của môn Lịch sử, các trường THPT có những dự kiến để đẩy mạnh giảng dạy môn học nền tảng này.
Thầy giáo Hà Minh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Lập Thạch cho biết: “Dù là môn học tự chọn nhưng cũng không quá lo ngại việc ít học sinh lựa chọn Lịch sử hay thừa giáo viên bộ môn này bởi hiện nay nhà trường có vai trò quan trọng trong việc tư vấn giúp học sinh định hướng lựa chọn tổ hợp môn học. Trường THPT Ngô Gia Tự đã xây dựng 4 tổ hợp môn học tự chọn, trong đó có 3 tổ hợp có môn Lịch sử.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường truyền thông, đầu tư các điều kiện dạy và học lịch sử; đồng thời, đổi mới mạnh mẽ cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá để môn Lịch sử ngày càng hấp dẫn, thu hút học sinh”.
Các trường THCS cũng đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ học sinh chọn học môn Lịch sử. Trường THCS Kim Xá đã tăng cường tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh học sinh về vai trò, ý nghĩa của môn Lịch sử; đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy như ứng dụng công nghệ thông tin trong mỗi bài giảng, dự kiến tổ chức các chương trình trải nghiệm, tham quan địa danh lịch sử của tỉnh, bảo tàng tỉnh… để khơi dậy niềm yêu thích lịch sử của học sinh.
Về phía học sinh cần nhận thức rõ vai trò quan trọng, sự cần thiết của môn Lịch sử; đồng thời, sớm định hướng nghề nghiệp để có sự lựa chọn sáng suốt, phù hợp. Đặc biệt, dù chọn hay không chọn môn Lịch sử thì các em vẫn phải nâng cao ý thức, trách nhiệm với lịch sử nước nhà và luôn phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc.