Xung quanh việc cấp đổi căn cước công dân

Căn cước công dân hết thời hạn, sai thông tin cần phải cấp đổi lại là quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, với không ít người, việc đi làm thủ tục cấp đổi CCCD lại gặp nhiều khó khăn.

Người dân thực hiện các thủ tục làm căn cước công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Người dân thực hiện các thủ tục làm căn cước công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Theo quy định, người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi phải đổi CCCD. Bên cạnh đó, những trường hợp đã được cấp CCCD nhưng bị sai sót, hư hỏng cũng cần phải cấp lại. Do vậy, thời gian qua, số lượng người thuộc diện cần phải cấp đổi CCCD là khá lớn.

Để được cấp đổi, người dân có thể đăng ký hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của cơ quan công an cấp huyện hoặc đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Việc này tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến không ít người gặp khó.

Biết CCCD của mình sắp hết hạn do đủ 40 tuổi, anh H. đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, Công an TP. Thái Nguyên (trên đường Phù Liễn), để đăng ký cấp đổi. Tại đây, cán bộ trực yêu cầu người dân đăng ký trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo nội dung ghi trên bảng hướng dẫn dựng trước ghế chờ. Các bước đăng ký được anh H. và mọi người có mặt thực hiện trên điện thoại di động nhưng rất nhiều người không thể đăng ký thành công. Nguyên nhân chính do số điện thoại không trùng khớp với tên đăng ký tài khoản, mặc dù số điện thoại đã được sử dụng, đăng ký tên chính chủ từ hàng chục năm nay, kể cả những người sử dụng dịch vụ trả sau.

Đăng ký trên Cổng dịch vụ công không được, anh H. và nhiều người đành phải quay về. Sau đó, anh H. truy cập và đăng ký thủ tục trên máy tính và phải sử dụng số điện thoại khác (tất nhiên phải là sim đăng ký chính chủ). Sau khi đăng ký thành công, anh H. quay lại điểm làm thủ tục cấp đổi thì cán bộ trực cho biết phần mềm Cổng dịch vụ công bị lỗi, không truy cập được nên không thể thực hiện các bước tiếp theo.

Vì thế, anh H. tìm đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để đăng ký thực hiện. Tại đây, cán bộ trực lại cho biết, Trung tâm không làm trực tuyến (online) mà ai đã đăng ký trên Cổng dịch vụ công thì phải đến công an cấp huyện để thực hiện. Nếu muốn cấp đổi ở Trung tâm thì cần có giấy xác nhận của công an xã, phường nơi cư trú… Như vậy, nếu muốn cấp đổi CCCD thì ít nhất anh H. phải thêm 1 lần đi lại nữa.

Nói về chuyện đổi CCCD, chị N.T.K.N (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi cũng cũng mất vài lượt đi lại để làm thủ tục cấp đổi CCCD mới thực hiện được. Không hiểu sao, tôi đã làm đi làm lại đầy đủ từng bước theo hướng dẫn mà không thể đăng ký tài khoản thành công trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, mặc dù số điện thoại của tôi đã đăng ký chính chủ từ lâu. Về sau, được một người hỗ trợ tôi mới đăng ký thành công và tiến hành các bước cấp đổi.

Còn trường hợp của chị Hoàng N. (giảng viên một trường đại học tại TP. Thái Nguyên) lại khác. Chị muốn xin cấp đổi lại CCCD do thông tin bị sai lệch nhưng mãi vẫn chưa được giải quyết. Theo chị N., khi đi làm CCCD, chị đã khai đầy đủ, chính xác các thông tin, vậy nhưng, khi nhận thẻ CCCD thì mới phát hiện thông tin bị ghi sai năm sinh, dẫn đến mã định danh sai. Chị N. đã nộp hồ sơ xin đính chính và cấp lại từ tháng 6-2023 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và các giao dịch cá nhân của chị.

Phải khẳng định rằng, CCCD là một một bước tiến lớn, thậm chí còn được coi là một “cuộc cách mạng” về giấy tờ tùy thân của người dân. Loại thẻ này có nhiều ưu điểm, như: tính bảo mật cao, lưu trữ nhiều thông tin, tích hợp nhiều dữ liệu (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, đất đai, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác), tạo thuận lợi cho người sử dụng. Vậy nhưng, khi thực hiện việc cấp đổi, không ít người dân cảm thấy khó khăn như đã đề cập ở trên.

Trao đổi một số vướng mắc liên quan đến việc cấp đổi CCCD, đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho rằng, việc khó truy cập, tạo tài khoản và đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia là do nhiều nguyên nhân như: người dùng chưa thực hiện chính xác các thao tác đã hướng dẫn; số điện thoại chưa được chuyển đổi đăng ký từ chứng minh nhân dân (9 số) sang CCCD nên không đăng ký được. Do vậy, cần thực hiện bước chuyển đổi đăng ký sim điện thoại từ chứng minh nhân dân sang CCCD. Nếu người dân đã đăng ký mã định danh điện tử bước 2 (VNeID) thì nên truy cập, đăng ký trên phần mềm này. Còn việc chưa thực hiện thủ tục cấp đổi CCCD trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh do chưa có đường truyền dữ liệu dân cư, đơn vị đã tham mưu, đề nghị tỉnh triển khai nội dung này. Tuy nhiên, việc cấp đổi CCCD trực tiếp như hiện nay lại thuận tiện cho những người già, người chưa có điện thoại thông minh, người còn hạn chế trong sử dụng công nghệ…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202402/xung-quanh-viec-cap-doi-can-cuoc-cong-dan-9da0fb9/