Xung quanh việc tăng, giảm dư nợ cho vay
736 tỷ đồng là số dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng thêm được tính đến hết tháng 3 so với cuối năm 2019 (tương ứng tỷ lệ 1,21%), nâng tổng mức cho vay trên địa bàn toàn tỉnh lên 61.779 tỷ đồng, cao hơn mức dự báo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh trước đó. Tuy nhiên, theo đại diện một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, nhiều khả năng, trong quý II sẽ khó duy trì được mức tăng trưởng dư nợ dương.
Trong số 34 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn, có tới 19 tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng âm. Số còn lại có mức tăng trưởng dương, nhưng cũng chỉ một số ngân hàng có mức tăng dư nợ được cho là đáng kể từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Thực tế này cho thấy những khó khăn mà hiện nay các ngân hàng đang gặp phải. Ngay đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên - đơn vị có số tăng dư nợ cao nhất toàn tỉnh trong quý I với 810 tỷ đồng (tương ứng mức tăng 7,44% so với cuối năm 2019) thì theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Thái Nguyên số dư nợ tăng cao cũng chỉ tập trung ở 2 khách hàng doanh nghiệp (DN) lớn, số còn lại cơ bản vẫn giữ nguyên.
Còn ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên thì chia sẻ: Tính đến cuối tháng 3, dư nợ của Chi nhánh giảm 133 tỷ đồng (tương ứng -1,7%), nhưng đến ngày 16-4, con số này đã lên tới gần 300 tỷ đồng. Dư nợ giảm cả ở khối doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh. Thông thường trong quý I, sau Tết nguyên đán, khi thu được tiền hàng, khách sẽ trả ra nên khiến dư nợ thời gian này thường không tăng hoặc tăng không đáng kể. Năm nay, thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ nên hầu như DN và hộ dân không có nhu cầu nhận nợ lại, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, hàng ăn, lưu trú. Nói như vậy không có nghĩa là không có khách hàng tăng thêm dư nợ hay vay mới. Tuy nhiên, số khách hàng này không nhiều và cũng chỉ có ở Hội sở tỉnh, còn chi nhánh các huyện hầu như không có.
Trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước với 8 chi nhánh chiếm gần 66%, trong quý I, số dư nợ tăng thêm 611 tỷ đồng; khối các ngân hàng thương mại cổ phần khác chiếm 20% tổng dư nợ, giảm 200 tỷ đồng; 2 ngân hàng nước ngoài (chiếm 1,86% tổng dư nợ) tăng 265 tỷ đồng; khối Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô (chiếm trên 6%) tăng hơn 60 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển (chiếm 6,2%) giảm trên 2 tỷ đồng. Theo đại diện lãnh đạo một số ngân hàng, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì nhiều khả năng, số dư nợ của nhiều ngân hàng sẽ giảm trong quý II do nhiều DN và người dân chưa thể trở lại sản xuất, kinh doanh như trước khi có dịch và đây cũng là thời điểm được cho là “đã thấm mệt”. Bên cạnh đó, đại diện một số ngân hàng cho biết có thể sẽ giải ngân một số dự án mới mà trước đó đã có hồ sơ vay vốn từ cuối năm 2019, nhưng vì dịch COVID-19 nên chưa được giải ngân trong quý I.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tăng trưởng tín dụng quý I năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây và thị trường tiền tệ tài chính hiện diễn biến khó lường. Hoạt động của DN tốt hay xấu đều tác động trực tiếp vào hệ thống ngân hàng nên với việc kinh tế thế giới có dấu hiệu của sự suy thoái, xuất nhập khẩu gặp khó khăn khiến nhiều DN trong nước đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động, thậm chí phá sản, đặt ra thách thức đối với ngành ngân hàng. Để giúp các DN và cá nhân vay vốn giảm bớt phần nào khó khăn, các ngân hàng đều đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay, cũng như thực hiện việc gia hạn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ... Tính đến ngày 31-3, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ trên 400 tỷ đồng. Các giải pháp này đang và sẽ khiến các ngân hàng giảm đáng kể lợi nhuận trong năm 2020. Và hiện đã có một số ngân hàng phải giảm từ 10-15% lương của cán bộ, nhân viên...
Có thể nói, trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì việc các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực là điều khó tránh. Thực tế này đòi hỏi các ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực, thậm chí là nỗ lực nhiều hơn trong việc đồng hành cùng khách hàng để vượt qua khó khăn. Trong đó, việc thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục cho vay và giảm các loại phí liên quan là điều mà cả khách hàng DN và hộ kinh doanh cần nhất lúc này. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một khía cạnh khác, thì dịch COVID-19 cũng đang được ví như một phép thử đối với cả DN và ngân hàng. Bởi sau đây, cả DN và ngân hàng đều sẽ tìm thấy được cho mình đối tác thích hợp: Đủ sức khỏe, giàu bản lĩnh và sẵn sàng đồng hành.