Xuống đồng từ đường cày đầu xuân

Quan niệm xưa, ngày xuân cày ruộng tịch điền gắn với nghi lễ tế trời, khai đất, vừa mang ý nghĩa thiêng liêng, vừa trần thế nhằm coi trọng nông nghiệp, khuyến khích thần dân trăm họ chăm lo sản xuất, chính là lời khuyên, bài học lớn mà cha ông ta luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu.

Theo Bộ "Đại Việt sử ký toàn thư” viết: "Mùa xuân (năm Đinh Hợi 987), vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân (Kim Ngân điền)”. Có thể, việc "nhặt được vàng, bạc” cũng chỉ là biện pháp "quảng bá” của triều đình ngày xưa để khuyến khích nhân dân chăm cày cấy và tập trung sản xuất nông nghiệp. Sang đến thời Lý, khi kinh đô đã chuyển về thành Thăng Long, lễ tịch điền được vua Lý Thái Tông tiếp nối.

"Đại Việt sử ký toàn thư” chép về sự kiện vua đi cày ruộng tịch điền năm Nhâm Thân (1032), không phải mùa xuân mà vào đầu mùa hạ: "Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng Một, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động giang cày ruộng tịch điền, có nhà nông dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Xuống chiếu đổi gọi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên (tức là ứng với ý trời)...”.

Sau Cách mạng Tháng Tám, để trực tiếp động viên nhân dân hăng hái sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tham gia cấy lúa, tát nước cùng nông dân. Những năm gần đây, nước ta đã tái hiện Lễ Tịch điền vào những ngày xuân (thường vào ngày mùng 7 tháng giêng) nhằm để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp. Nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang đặt ra những nhiệm vụ mới cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững an ninh lương thực, vì một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch nhằm nâng cao mức sống và thu nhập của những người sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị cao, vừa tạo đà vững chắc để phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hóa và bền vững.

Nhằm tái hiện lại nghi lễ xuống đồng đầu xuân, hàng năm, tại lễ hội Khai hạ, ngoài các hoạt động lễ hội thì nghi thức cày đầu năm được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều người tham gia. Nghi lễ đi cày đầu xuân với mong muốn quanh năm ruộng đồng tươi tốt, thóc lúa đầy đụn, người dân luôn no đủ, xóm làng bình yên, vạn vật sinh sôi nảy nở trong năm mới. Con trâu tham gia nghi lễ phải to, khỏe, không phân biệt trâu đực hay trâu cái. Chiếc cày chắc chắn, sắc và phải đẹp. Thợ cày phải lành nghề. Để nghi thức xuống đồng được thực hiện chu đáo, địa phương tổ chức lựa chọn con trâu tốt, đạt tất cả các tiêu chí được tập luyện, chăm sóc để thực hiện nghi thức xuống đồng.

Đồng chí Bùi Văn Nức, Chủ tịch UBND xã Phong Phú (Tân Lạc) cho biết: Khác với mọi năm, Lễ hội Khai hạ năm nay huyện Tân lạc được chọn là địa phương làm lễ Khai hạ của cả 4 Mường. Và nghi lễ xuống đồng đầu năm là lễ xuống đồng của cả tỉnh. Để chuẩn bị nghi lễ này, chúng tôi đã chọn hơn 5.000 m2 ruộng tốt nhất của xã và những con trâu khỏe, đẹp nhất với mong muốn đóng góp vào sự thành công của Lễ hội Khai hạ, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa cho bà con của tỉnh.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/174659/xuong-dong-tu-duong-cay-dau-xuan.htm