Xuyên tạc thành tựu dân chủ, bảo đảm nhân quyền

Trang thông tin điện tử đảng Việt Tân xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

Trang thông tin điện tử đảng Việt Tân xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

Trong 10 sự kiện đáng chú ý năm 2021 ở Việt Nam do trang thông tin điện tử Đảng Việt Tân bình chọn có sự vu khống hết sức trắng trợn về thành tựu dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam: “Năm 2021, Cộng sản Việt Nam (CSVN) bắt hàng loạt tù nhân lương tâm - nổi bật là bà Nguyễn Thúy Hạnh” (sự kiện thứ 6); “Facebook đồng lõa với CSVN và tạo nguy cơ cho nền dân chủ khi không ngăn chặn Fake news” (sự kiện quốc tế thứ 10). Rồi liên tiếp các bài viết “Khi Việt Nam nói chuyện nhân quyền”, “Nhân quyền Việt Nam: Một năm đàn áp trong sự nương nhẹ của phương Tây”, “Biểu tình thì đã sao?”,...

Tràn ngập trong các nội dung bài viết, các bài bình luận đều là những ngôn ngữ thù địch xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam: “Chiến dịch đàn áp các tiếng nói bất đồng ở Việt Nam đang lên tới cao điểm trong những ngày cuối năm 2021 và hậu quả là Hà Nội đang bị phản đối chưa từng thấy của công luận quốc tế. Bày tỏ lo ngại sâu sắc và yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bốn nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung”; “Việt Nam đã đẩy mạnh các hành vi vi phạm nhân quyền trên diện rộng, truy lùng các nhà hoạt động cộng đồng, các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến một cách có hệ thống, cho thấy một kế hoạch của Hà Nội nhằm xóa sổ bất kỳ sự chống đối nào đối với sự cai trị của họ”;...

Nhận diện các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền, một số nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây, các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước lợi dụng, núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền” chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam. Chúng ra sức xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền ở nước ta, triệt để khai thác các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tham nhũng, khiếu kiện, đình công, phân hóa xã hội, tội phạm, tệ nạn xã hội, tình hình dịch bệnh Covid-19, việc bắt, xử lý các đối tượng chống đối chính trị,... nhằm vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đặt “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Đại hội XIII của Đảng xác định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của con người trên tất cả lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.

Những thành tựu về bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của người dân luôn được bảo đảm. Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do mình tin tưởng bầu ra. Nhà nước Việt Nam không ngừng phấn đấu để bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân.

Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được nêu trong các công ước mà mình đã tham gia, tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người. Tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, Việt Nam luôn được đánh giá cao về cách tiếp cận, ủng hộ đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong bảo đảm các quyền cơ bản của con người mà Việt Nam đạt được và đã dành cho Việt Nam số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu chọn thành viên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.

Những giọng điệu lạc lõng xuyên tạc, bóp méo phản ánh không đúng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội là nhằm dụng ý xấu hòng phá hoại sự ổn định và kìm hãm sự phát triển của đất nước Việt Nam. Khi thấy vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, họ tỏ ra tức tối và tìm cách xuyên tạc, nói xấu nhằm làm giảm uy tín, vai trò của Việt Nam.

Kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu khống, phủ nhận thành tựu về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Tích cực, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là trách nhiệm chung của mọi người dân, trong đó cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là lực lượng xung kích./.

Trung Dũng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xuyen-tac-thanh-tuu-dan-chu-bao-dam-nhan-quyen-a128987.html