Xuyên Việt với xe điện MG 4 EV - gian nan vì trạm sạc
Hơn 2.000 km và gần 10 lần sạc pin, chuyến hành trình từ Bắc vào Nam trên chiếc MG 4 EV có thể là trải nghiệm khó quên với người lái.

Tại Việt Nam, việc thị trường xe điện được thống trị bởi VinFast là chuyện không thể chối cãi. Tuy vậy thị trường vẫn có những lựa chọn khác.
Xe điện VinFast phổ biến, những chuyến hành trình dài ngày bằng xe điện nội địa cũng không còn quá mới mẻ với cộng đồng sử dụng ôtô. Trong khi đó, câu chuyện trải nghiệm khi di chuyển bằng xe điện của các thương hiệu Trung Quốc lại chưa nhiều.
Dưới đây là hành trình xuyên Việt trên chiếc MG 4 EV do anh Bạch Thành Trung cầm lái. Anh Trung là quản trị viên của diễn đàn công nghệ VOZ, sở hữu nhiều mẫu xe điện, trong đó có VinFast, từng có nhiều trải nghiệm xuyên Việt và xa hơn nữa bằng ôtô điện.
Tìm "cảm giác lạ", mua vì giá tốt
Tôi đã sử dụng qua nhiều mẫu xe điện, đặc biệt là ôtô thuần điện VinFast. Từ những ngày đầu tiên xe điện Việt mở bán, tôi đã đặt mua và mang chúng đi khắp cung đường. Sự thật sau hơn 2 năm cầm lái, tôi đã quá quen thuộc với những chiếc xe điện nên mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn.
Gần đây, ôtô điện Trung Quốc được mang về Việt Nam khá nhiều, vì vậy tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để "thử" cầm lái xe điện hãng mới đi dọc tuyến đường Việt Nam. Để xem so với các lời đánh giá có cánh từ quốc tế, xe điện từ đất nước tỷ dân sẽ hoạt động thế nào với thời tiết, khí hậu và đường phố Việt.

MG 4 EV. Ảnh: Phúc Hậu.
Thật ra ngay khi MG 4 EV được mang về Việt Nam, tôi đã tìm hiểu, khá thích thiết kế của xe. Khi cả thế giới đang chạy theo xu hướng SUV điện, MG vẫn mang đến một chiếc hatchback cỡ B.
May mắn, đây lại là loại xe tôi yêu thích.
Tuy nhiên ở thời điểm đó, xe có giá đến hơn 900 triệu đồng, không đủ thuyết phục để tôi quan tâm. Đến khi MG 4 EV được áp dụng khuyến mại xuống còn khoảng 650 triệu đồng, tôi mới "xuống tiền".
Tôi nhận xe tại đại lý MG tỉnh Bắc Giang, bắt đầu chuyến hành trình ngay buổi sáng cùng một người bạn.
Gần 10 lần sạc và những cú "quay xe" nhớ đời
Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ bắt đầu hành trình từ Bắc Giang, đến Hà Nội để sạc lần đầu tiên. Khi khởi hành, xe còn đầy pin và không có trở ngại nào diễn ra.
Có kinh nghiệm trong việc sạc xe điện VinFast, tôi đã tính toán trước việc sử dụng xe điện không phải VinFast sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc tìm chỗ sạc, vì vậy tôi đã lên kế hoạch sạc pin tại các địa điểm có thể sạc điện được trước khi bắt đầu hành trình.
Tuy nhiên, khi đến Long Biên (Hà Nội), các trạm sạc theo chỉ dẫn bản đồ đều không sử dụng được. Một trạm thuộc hãng xe khác không chia sẻ với khách hàng ngoài, trạm còn lại ngừng hoạt động không rõ nguyên nhân.
Sau vài chục phút tìm kiếm, tôi cuối cùng cũng được sạc pin lần đầu, chuẩn bị tiếp tục hành trình.

Không phải trạm sạc nào cũng có thể "ăn pin". Ảnh: NVCC.
Chúng tôi di chuyển đến Huế trong ngày dự kiến ở lại một đêm. Nhằm tiết kiệm đủ pin cho điểm đến tiếp theo tại Đà Nẵng, tôi chọn sạc xe ở 2 địa điểm khác nhau tại Huế. Tuy nhiên, khó khăn về việc tìm kiếm trụ sạc tiếp tục diễn ra.
Ở lần sạc thứ 2, tôi ghé đến một đại lý xe điện Trung Quốc tại Vinh (Nghệ An). Thời gian chờ, nhân viên tại đây có phần "dò xét", kiểm tra liệu tôi có phải nhân viên hãng khác đến "sạc nhờ" hay không.
Họ chia sẻ thẳng thắn nếu là người dùng, hãng và đại lý vẫn sẵn sàng chia sẻ hệ thống trạm sạc. Tuy nhiên thương hiệu vẫn ưu tiên khách hàng, cũng muốn ngăn chặn tình trạng sạc nhờ của một số nhân viên hãng xe.
Chúng tôi tiếp tục sạc lần 3 qua đêm tại trạm gần nơi nghỉ chân. Tuy nhiên, buổi sáng hôm sau khi kiểm tra, tôi phát hiện xe đã bất ngờ ngừng nhận điện từ một giờ sáng. Ở thời điểm này, chiếc xe chỉ còn 19% pin.

Trạm sạc còn hoạt động nhưng được che chắn gây nhầm lẫn cho người dùng. Ảnh: NVCC.
Khi di chuyển đến Đà Nẵng, tôi mất hơn một giờ đồng hồ để tìm và cắm sạc lần 4. Hành trình tiếp tục đến Tuy Hòa, nơi chúng tôi sạc lần 5 trước khách sạn. Xe lại ngừng sạc qua đêm, pin chỉ đạt 49% sau 8 giờ.
Do không đủ pin để đi tiếp, tôi cùng bạn đã dừng lại tại một trạm tư nhân ở Phú Yên trước khi đến Phan Rang. Đây là lần sạc thứ 6. Tại Phan Rang, chiếc MG4 EV tiếp tục được sạc lần 7 ở một trạm tư nhân nhưng tiếp tục thất bại vì sự cố mất điện.
Trước khi vào cao tốc Phan Rang - TP.HCM, chúng tôi thực hiện lần sạc cuối. Sau hơn 30 phút, pin đạt 50%, đủ để kịp đến TP.HCM.
"Vượt nghìn chông gai"
Chuyến hành trình 2.000 km này cũng đủ để tôi nhận ra những điểm đáng khen ở MG 4 EV. Xe có khối lượng nhẹ (so với xe điện), vì vậy di chuyển lanh lẹ ở các cung đường.
SAIC - tập đoàn mẹ của MG - không phải là một thương hiệu mạnh về xe thuần điện, nên họ không phát triển nhiều platform dành riêng cho phân khúc khác nhau. Điều này khiến MG 4 EV tuy là xe bình dân nhưng lại dùng chung nền tảng với xe thể thao của hãng là Cyberster.
Chính vì thế nó có những ưu điểm mà các xe cùng hạng không thể nào có được, ví dụ như dẫn động cầu sau, phân bố trọng lượng cân bằng hoàn hảo là 50:50 và cấu hình giảm sóc thiên về thể thao.
Ưu điểm là MG 4 EV chạy "máu" nhưng vẫn rất nhẹ nhàng, linh hoạt, không bị văng - mang lại cảm giác an toàn cho tôi.

MG 4 EV.
Nhà sản xuất cũng tinh chỉnh hệ truyền động trên MG 4 EV khác hẳn xu hướng êm ái, nhẹ nhàng của những mẫu xe đồng hương. Mô men xoắn được đẩy lên cao rất nhanh, phanh tái sinh mạnh mẽ đủ khiến người cầm lái "chúi đầu". Bộ pin trên xe cũng có phạm vi hoạt động tốt hơn mức công bố.
Tuy nhiên khuyết điểm là cảm giác không êm ái thoải mái ở mọi dải tốc độ. Ở những dải tốc độ hơi thấp hoặc hơi cao thì người trong xe đều nhấp nhổm nếu mặt đường không tốt.
Nhìn chung MG 4 EV phù hợp với sở thích chạy xe kiểu thể thao cực đoan, sướng cho người cầm lái chứ không hợp lắm với nhu cầu chạy xe gia đình.
Chất lượng xe không tệ, nhưng "kiếp nạn" lớn nhất của hành trình là việc tìm kiếm trạm sạc.
Các trạm sạc của đại lý MG hay hãng xe Trung Quốc khác thường được đặt ở trung tâm, nhưng chúng tôi di chuyển đường dài vì vậy không thuận tiện.
Hiện tại, bản đồ trạm sạc của các công ty thứ 3 và đại lý xe Trung Quốc đang được tổng hợp từ người dùng, không có ứng dụng hỗ trợ chính thức. Vì vậy, bản đồ sẽ không thể cập nhật kịp thời tình trạng trụ sạc. Điều này cũng khiến chuyến hành trình trở nên khó khăn.

8 ứng dụng sạc được dùng cho hành trình xuyên Việt bằng MG 4 EV. Ảnh: NVCC.
Trạm của công ty thứ 3 lại khá ít và đôi lúc chỉ được lắp đặt phục vụ đối tượng riêng biệt. Ví dụ khi đi đến lối ra cao tốc Phan Rang, bản đồ chỉ dẫn hiển thị một trạm sạc nhưng tôi không thể sử dụng do đây là trụ được lắp nhằm phục vụ khách hàng nội bộ.
Để sạc pin, người dùng cần truy cập vào ứng dụng, quét mã thanh toán trên trụ sạc. Các công ty trạm sạc tư nhân hiện khá đa dạng vậy nên để có thể thanh toán, tôi phải tải 7-8 ứng dụng khác nhau.
Chi phí mỗi lần sạc khoảng 8.000 đồng/kWh, tổng cộng khoảng 1,5 triệu đồng cho hành trình 2.000 km.
Tôi vẫn cảm thấy thoải mái và có phần háo hức với chuyến hành trình này. Là người yêu thích thử thách, cầm lái MG 4 EV khiến tôi có những trải nghiệm khó quên.
Tuy nhiên, nếu là khách hàng thông thường, có lẽ tôi khó lòng chịu đựng việc chạy khắp nơi để tìm trạm sạc.
Câu chuyện với MG 4 EV có thể chỉ là một trong những lát cắt nhỏ của thị trường xe điện Việt Nam. Thực tế cho thấy xe điện Trung Quốc hoàn toàn có khả năng vận hành dài ngày, song cơ sở hạ tầng vẫn là rào cản lớn cần vượt qua.
Khi hệ thống trạm sạc ngày càng hoàn thiện, có lẽ những chuyến hành trình bằng xe điện sẽ bớt "gian nan" hơn và cảm giác băng qua từng cung đường sẽ càng thêm trọn vẹn.