Y Bây - Vị trưởng buôn Ê Đê đam mê truyền thụ âm nhạc dân tộc cho lớp trẻ
Y Bây Kbuôr (SN 1981) được biết đến là trưởng buôn trẻ nhiệt huyết của buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Thời gian qua, anh đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là gương điển hình trong các hoạt động dẫn dắt truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ người đồng bào Ê Đê thêm yêu nhạc cụ dân tộc.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), từ nhỏ anh Y Bây đã có niềm đam mê với các loại nhạc cụ dân tộc, nhất là âm thanh trầm bổng của cồng chiêng. Đặc biệt, từng nhiều năm giữ vai trò là Phó Bí thư Đoàn xã Ea Tu, anh Y Bây Kbuôr rất tích cực trong các hoạt động phong trào xã. Năm 2019, Y Bây trở về buôn được người dân tín nhiệm bầu làm buôn trưởng kiêm nhiệm phó bí thư chi bộ buôn. Đồng thời, trở thành một trong những vị buôn trưởng trẻ nhất của tỉnh Đắk Lắk.
Buôn Kmrơng Prong A có trên 760 hộ dân với 2 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào Ê Đê chiếm 50%. Để bà con tin tưởng, làm theo chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước bản thân anh Y Bây và gia đình phải gương mẫu, đi đầu thực hiệ, từ đó mới tuyên truyền, vận động bà con học tập làm theo.
Với vai trò trưởng buôn và là đại biểu hội đồng nhân dân xã, anh Y Bây thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên tinh thần kịp thời, nắm bắt tình hình cuộc sống và ý kiến, kiến nghị của người dân để phản ánh đến chính quyền địa phương. Tích cực vận động bà con tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thi đua sản xuất và xóa đói, giảm nghèo.
Bên cạnh các hoạt động chăm lo an sinh xã hội cho buôn, anh Y Bây cũng rất tâm huyết trong việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê. Anh Y Bây luôn tâm niệm “nói phải đi đôi với làm” chính vì vậy hàng chục năm qua, vào những ngày hè và các ngày rảnh cuối tuần anh đã tập hợp các cháu có năng khiếu để dẫn dắt, hướng dẫn các cháu trong buôn làm quen với cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc khác như ching tre, đàn t’rưng, đàn đá...
Anh Y Bây chia sẻ, hiện ở buôn Kmrơng Prong A đã hình thành 3 đội chiêng thuộc các nhóm tuổi là thiếu nhi, thanh niên và người lớn tuổi. Từ các đội chiêng này đã tuyển chọn được nhiều cá nhân điển hình, đại diện cho thành phố, cho tỉnh tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Qua những lần giao lưu, giúp các bạn trẻ mạnh dạn và tự tin hơn khi đứng trên sân khấu. Các em cũng quan tâm hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chủ động học nhiều bài chiêng, cách diễn tấu mới phù hợp.
"Đặc biệt, để giúp các em hiểu hơn về các loại nhạc cụ tôi cũng thường xuyên trực tiếp hướng dẫn các em cách chế tác và cảm âm một số loại nhạc cụ từ tre, nứa... nhằm giúp các em nhận biết cũng như học hỏi, sáng tạo.", anh Y Bây cho biết thêm.
Phần thưởng cho sự nỗ lực trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống qua các lớp truyền dạy nhạc cụ của anh Y Bây là những bằng khen của các cấp từ địa phương đến trung ương. Đó cũng là động lực để Y Bây luôn phấn đấu và đồng hành cùng các cháu trong buôn nơi mình sinh ra.
"Học đánh chiêng cũng có lúc dễ, lúc khó, đặc biệt là cần có sự đam mê. Đánh sai nhịp thì bác Y Bây sẽ chỉ lại đánh cho đúng nhịp thì thôi. Bác Y Bây hướng dẫn chúng con rất nhiệt tình và chu đáo, vì thế con và các bạn rất thích học, chưa vắng buổi nào.", Em Y Pháp Adrơng (buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự.
Hiện trong tỉnh Đắk Lắk có hàng chục lớp truyền dạy chiêng ở các thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa này. Hàng trăm bộ chiêng, hàng nghìn bộ trang phục truyền thống được cấp về cho các thôn buôn và trường học. Đặc biệt, việc phục dựng các nghi lễ, lễ hội; các đợt liên hoan cồng chiêng được tổ chức định kỳ thường xuyên; cùng với đó là gắn kết việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch đã giúp lan tỏa sâu rộng hơn tình yêu đối với di sản của các dân tộc Tây Nguyên.
Phó Giám đốc sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk, Lại Đức Đại cho biết, thời gian qua, sở đã phối hợp cùng với địa phương để phát huy những giá trị vốn có của cồng chiêng. Đồng thời, đưa văn hóa cồng chiêng trở thành một trong những hoạt động không chỉ góp phần bảo tồn mà còn là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Với sự quan tâm của trung ương, địa phương và với niềm tự hào của mỗi người con Tây Nguyên, sức sống của cồng chiêng sẽ mãi ngân vang nơi vùng đất đại ngàn.