Ý đồ thực sự của Singapore khi 'độc quyền' Taylor Swift ở Đông Nam Á
Singapore là thành phố giàu có nhưng cũng nổi tiếng với sự cứng nhắc, khuôn phép. Chính phủ nước này đang cố gắng thay đổi nó thành điểm đến vui vẻ, sôi động hơn.
Trong nhiều thập kỷ, Singapore nổi tiếng là trung tâm thương mại và sản xuất công nghệ cao, mọi thứ đều đi vào khuôn khổ. Một trong những quy định tiêu biểu cho tính khuôn phép ở quốc gia này là khi chính phủ cấm nhai kẹo cao su vào những năm 1990, theo The Wall Street Journal.
Giờ đây, quốc đảo sư tử đang cố gắng để rũ bỏ cái tiếng "ù lì" bằng cách tái định vị bằng một trong những công cụ phổ biến: Các buổi concert ca nhạc. Nước này đã liên tiếp tổ chức các buổi hòa nhạc với những nghệ sĩ hạng A của Anh như Coldplay và Ed Sheeran.
Taylor Swift, cùng với tour diễn thành công nhất lịch sử âm nhạc toàn cầu Eras Tour, đã kết thúc chặng biểu diễn của mình tại Sân vận động Quốc gia Singapore (Sports Hub Singapore) vào ngày 9/3.
Singapore cũng là điểm đến duy nhất của giọng ca "Lover" tại Đông Nam Á trong hành trình Eras Tour. Chính quyền nước này nói rằng mục tiêu của việc tổ chức tour diễn của Taylor Swift là nhằm xây dựng thương hiệu để nơi đây thành một "điểm đến vui vẻ, sôi động".
Và họ không nói đùa.
Thoát khỏi cái bóng cứng nhắc
Bằng chứng là Singapore đã cứng rắn để đảm bảo thế độc quyền Eras Tour tại Đông Nam Á, bằng cách cung cấp một khoản hỗ trợ hàng triệu USD cho đội ngũ của ngôi sao người Mỹ. Được coi là một phần trong thỏa thuận, Taylor Swift không trình diễn ở các quốc gia lân cận đã tạo nên nỗi thất vọng lớn với chính quyền một số nước láng giềng.
Ngày 5/3, Thủ tướng Lý Hiển Long đã bác bỏ những lời chỉ trích rằng thành phố giàu có này đang bám víu vào Swift. "Hóa ra đó là một thỏa thuận thành công. Tôi không cho rằng điều đó là không thân thiện", ông nói.
Việc thúc đẩy trình diễn của các ngôi sao nhạc pop là một trong những nỗ lực mới nhất trong kế hoạch dài hơi của Singapore để định vị mình trở nên sinh động hơn.
Trong nhiều thập kỷ, quốc đảo sư tử đã tuyên bố rằng để thu hút nhân tài toàn cầu và ngăn chặn tình trạng di cư, nước này phải cạnh tranh với nhiều thành phố như Barcelona và được biết đến là một địa danh văn hóa phong phú.
Nhiều thành phố giàu có khác, những nơi bị coi là nhàm chán như Riyadh (thủ đô Saudi Arabia) hay Oslo (thủ đô Na Uy), cũng đang bắt tay vào nỗ lực tương tự để làm nổi bật văn hóa, tái phát triển các khu vực của thành phố và xây dựng các bảo tàng nghệ thuật lộng lẫy.
Taimur Baig, giám đốc điều hành và là nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng DBS của Singapore, cho biết: "Đã có nhiều hoạt động giải trí do nhà nước hỗ trợ được thực hiện và nhìn chung là thành công. Chúng bổ sung vào tài sản vô hình, không chỉ còn là về thuế suất nữa".
Tuy nhiên, Singapore vẫn gặp một số trở ngại trong việc củng cố vị thế của mình trong danh sách những thành phố tuyệt vời nhất thế giới. Có một sự thật là sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã biến nơi đây trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Các nhạc sĩ và nghệ sĩ độc lập thường không đủ khả năng sống tại đây.
Sự trật tự mà nhiều người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài đánh giá cao ở thành phố này cũng góp phần khiến nó bị dán nhãn "nghiêm ngặt".
Singapore thiếu sức hấp dẫn gai góc của Berlin (Đức) hay New York (Mỹ). Việc xịt sơn graffiti ở quốc đảo sư tử có thể bị phạt tù và đánh roi. Khi nước láng giềng Thái Lan hợp pháp hóa cần sa, Singapore cảnh báo cư dân trở về nước có thể bị phạt tù nếu sử dụng ma túy ở nước ngoài.
Mike Michelini, một chuyên gia thương mại điện tử làm việc ở Thái Lan, thường xuyên đến Singapore công tác, cho biết thành phố này cực kỳ an toàn cho khách quốc tế song cũng thấy ngột ngạt với quy định cấm nhai kẹo cao su.
"Thành phố này rất sang trọng và cao cấp, nhưng cũng rất nghiêm ngặt", Mike nói.
Chớp thời cơ
Ở một chiều hướng khác, đất nước bảo thủ đang nới lỏng mình một chút. Năm 2023, nước này đã bãi bỏ một đạo luật chưa được thi hành liên quan đến hình sự hóa quan hệ tình dục giữa nam giới. Singapore cũng giống nhiều quốc gia châu Á khác không công nhận kết hợp dân sự hay hôn nhân đồng giới.
Kim Lovely, giám đốc điều hành người Australia của một công ty tiếp thị có trụ sở ở Singapore, kể rằng khi mới chuyển Singapore vào năm 2002, nước này được biết đến là một "quốc gia tốt đẹp" - nghĩa là mọi người bị đe dọa trừng phạt bởi những hành vi bất thường như cho chim hoang ăn.
Kim nói rằng nhận thức về thành phố đang thay đổi khi nó trở thành một điểm đến văn hóa. Bà thấy thế hệ lãnh đạo gần đây "rất sắc sảo về mặt thương mại và âm thầm phá bỏ bản chất cứng rắn và thích kiểm soát của Singapore".
Danh tiếng của Singapore cũng tăng lên khi một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực mất chỗ đứng.
Đối thủ chính của Singapore cho danh hiệu thủ phủ tài chính châu Á là Hong Kong (Trung Quốc) đã phải hứng chịu một làn sóng di cư của người nước ngoài.
Còn Bangkok (Thái Lan), nổi tiếng với cuộc sống đường phố đầy màu sắc, đã tụt hậu trong thập kỷ qua kể từ khi có cuộc chính biến quân sự và các cuộc biểu tình sau đó gây rối loạn.
Chính phủ Singapore quyết tâm chớp lấy thời cơ và đảm bảo vị thế là điểm đến văn hóa hàng đầu ở châu Á. Gần một năm rưỡi trước, chính phủ đã nắm quyền kiểm soát khu liên hợp thể thao và giải trí khổng lồ Sports Hub từ tay đối tác tư nhân, sau khi xác định rằng "chất lượng và số lượng các sự kiện, chương trình giải trí của khu này không đạt như những gì chúng tôi dự kiến".
Khi chính phủ nắm quyền kiểm soát chặt chẽ Sân vận động Quốc gia, địa điểm có sức chứa 55.000 chỗ ngồi, họ đã tìm cách thu hút các nghệ sĩ tên tuổi đến với đất nước. Việc đoàn quan chức tới gặp nhóm của Swift trước khi lịch trình Eras Tour được ấn định cũng là một phần trong kế hoạch.
Cú chuyển mình
Bên cạnh các sự kiện âm nhạc lớn, quốc gia này còn tìm cách quảng bá mình thú vị theo những cách khác. Chính phủ đã hỗ trợ sản xuất bộ phim đình đám về giới siêu giàu năm 2018 "Crazy Rich Asian", lấy bối cảnh các khu ăn uống sang trọng và cảnh quan đẹp ở Singapore.
Kể từ đó, chính phủ còn công bố một quỹ hỗ trợ tài chính cho các bộ phim lấy bối cảnh ở nước này.
Nhiều người trong đội tiên phong nghệ thuật của Singapore nói rằng thành phố này đã trở nên bớt khô khan hơn. Stephanie Chan, một nhà thơ kiêm nhà tổ chức sự kiện ở Singapore, đã rời nước này đến Mỹ vào năm 2005, khi 18 tuổi. Cô về nước cách đây 10 năm, bị thu hút bởi bối cảnh nghệ thuật độc lập đang phát triển.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, cô đã nhận được khoản tài trợ 7.500 USD từ chính phủ để chuyển 4 bài thơ của mình thành phim ngắn. Chan cho biết Singapore, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chung, có sức sống mãnh liệt hơn vì không có rào cản ngôn ngữ giữa dân địa phương với người nước ngoài, cho phép nhóm khán giả đa dạng xem chương trình hài kịch.
"Chúng tôi có phong cách hài của riêng mình nhưng cũng rất cởi mở", Chan nói.
Amanda Lee Koe, một tiểu thuyết gia người Singapore, đang sống luân phiên giữa Berlin, New York và Singapore. Cô cho biết đã có sự thay đổi tích cực về cách nhìn nhận nghệ sĩ và nghệ thuật ở quốc đảo sư tử. Nhưng cô cảnh báo người thuộc cộng đồng LGBTQ+, vốn có nhiều đại diện trong nghệ thuật Singapore, vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.
"Về lâu dài, Singapore không thể chỉ muốn truyền tải hình ảnh bóng bẩy về sức sống văn hóa; họ (chính quyền - PV) cần thực sự đi theo tiếng nói, tin tưởng người dân của mình và đón nhận các giá trị tiến bộ", cô nói.