Y đức và thu nhập, đời sống của nhân viên ngành y
Trong nhiều năm qua, vấn đề y đức được dư luận rất quan tâm. Nhưng dư luận dường như lại ít quan tâm tới thu nhập, đời sống của nhân viên ngành y.
Xin dẫn ra một ví dụ: Năm 2022, riêng tỉnh Hải Dương đã có hàng trăm nhân viên y tế bao gồm cả bác sĩ, điều dưỡng viên bỏ việc và nghỉ việc. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là thu nhập thấp, công việc nhiều áp lực.
Từ khi có Covid-19, công việc của người lao động trong ngành y nhiều áp lực hơn trước. Có những áp lực tâm lý đè nặng mà họ chưa từng phải đối diện, đó là căng thẳng (stress) khi “cơn bão” đi qua và hậu quả, dư âm của nó. Khi nhân viên nghỉ việc thì áp lực công việc và áp lực tâm lý lại được cộng thêm cho những người ở lại…
Áp lực tăng mà thu nhập thấp tất nảy sinh những vấn đề như nghỉ việc, bỏ việc, làn sóng chuyển từ bệnh viện công ra bệnh viện tư… Hệ thống y tế công còn có những nhược điểm khác dẫn đến khó tuyển dụng người vào, ở khâu nào đó, cấp nào đó, đơn vị nào đó vẫn còn tình trạng tiêu cực.
Hiện nay, đa số các bệnh viện phải vận hành theo cơ chế mới. Bệnh nhân là khách hàng, cơ sở y tế cần bệnh nhân để có nguồn thu và trên cơ sở đó mới có thu nhập cho cả đội ngũ. Sự thay đổi về cơ chế trong bối cảnh các cơ sở y tế đã sống thời gian dài trong cơ chế bao cấp, cơ chế hạch toán ít quan tâm đến lợi nhuận, cơ sở vật chất lạc hậu thì thời gian vừa qua là một thử thách bởi “vạn sự khởi đầu nan”.
Nhưng rõ ràng khi các bệnh viện tự chủ thì y đức đang tốt lên. Bệnh nhân được đối xử tốt hơn. Đa số những chiếc phong bì (nếu có) đều đến sau dưới hình thức cảm ơn. Tức hiếm còn cảnh mặc cả vòi vĩnh phong bì để được hưởng dịch vụ y tế (có thể tốt hơn) như đã từng xảy ra nhiều trước đây.
Y đức hẳn nhiên là một sự đòi hỏi của xã hội từ xưa đến nay.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sống ở thế kỷ 18 quan niệm về y đức coi “nhân là một đức tính cơ bản”, “là điều kiện tiên quyết để vào nghề y”. Người thầy thuốc cần có 8 chữ: nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần; tránh 8 chữ/8 tội: lười, keo, tham, dối, dốt, ác, hẹp hòi, thất đức…
Xa hơn, đại danh y - thiền sư Tuệ Tĩnh, quê Cẩm Giàng (Hải Dương), sống ở thế kỷ 14, người có tâm Phật, y đức xuất phát từ việc chứng kiến nhiều trận dịch lớn đã cướp đi mạng sống của dân nghèo, với mong muốn trị bệnh cứu người, ngài đã nghiên cứu dược liệu, thu thập phương thuốc quý trong dân gian, trồng cây dược liệu, lập y xá tại các ngôi chùa để chữa bệnh cho dân.
Bác Hồ thì nói ngắn gọn “lương y như từ mẫu”.
Mọi thời đại đều đòi hỏi người thầy thuốc phải sống với cái tâm trong sáng, không tham lợi, có y thuật giỏi và sẵn lòng cống hiến.
Nhưng nâng cao đời sống của nhân viên ngành y lại luôn là một nhu cầu, sự chờ mong của đội ngũ người lao động ở lĩnh vực đặc thù này. “Có thực mới vực được đạo”. Năm 2023, Hải Dương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan tâm tới ngành y. Đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất từ sửa chữa, nâng cấp đến xây dựng thêm các đơn nguyên ở nhiều cơ sở y tế. Đó là tăng chỉ tiêu giường bệnh. Đó là quan tâm chính sách bảo hiểm, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm nhiều đối tượng, các chính sách an sinh xã hội… Những chính sách đó dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động tích cực đến đời sống của nhân viên ngành y. Họ cũng mong có nhiều sự quan tâm hơn nữa, nhất là sự năng động của đội ngũ lãnh đạo ngành y, cơ sở y tế để nâng cao đời sống, để họ yên tâm công tác.
Có một chuyện không liên quan trực tiếp đến ngành y nhưng lại có một đáp số chung. Đó là sự hài hòa giữa đạo và đời hay giữa y đức và thu nhập, đời sống của nhân viên ngành y. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cố gắng giải quyết việc này từ thế kỷ 13. Trong nhà thờ tổ chùa Côn Sơn (Chí Linh) có bức tượng ngài mặc cà sa hở một bên vai. Có thể hiểu bên vai ở trần đó là trần tục. Bên đạo và bên đời hòa quyện trong một con người. Bởi vậy Phật giáo Trúc Lâm có sức sống hơn 700 năm qua. Đòi hỏi về y đức cũng cần quan tâm thỏa đáng tới đời sống của bác sĩ, điều dưỡng và các cán bộ, nhân viên trong ngành y tế. Đó mới là lẽ phải vậy!
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/y-duc-va-y-thuc-373933.html