Ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền 'Văn hóa Hòa Bình'
Tại hội nghị triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền
Tại hội nghị triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có các ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Giới thiệu tổng quan về giá trị của di sản "Văn hóa Hòa Bình”, văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”… Báo Hòa Bình trích đăng các ý kiến tại hội nghị.
* Huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng để bảo tồn, phát huy giá trị nền "Văn hóa Hòa Bình"
TS. Nguyễn Văn Việt
Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á
TS. Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phát biểu tại hội nghị.
Nền văn hóa Hòa Bình có giá trị khảo cổ học, tiền sử học, nhân loại học… trong và ngoài nước, ý nghĩa di sản nhân loại. Thực tế nhiều nước trên thế giới, tài sản văn hóa có khả năng trở thành một ngành kinh tế mang lại thu nhập cho người dân và ngân sách quốc gia, giá trị "quặng văn hóa” và giá trị du lịch, ngành nghề phục vụ du lịch.
Đối với nền "Văn hóa Hòa Bình”, giá trị đã tích tụ từ phát hiện và nghiên cứu của nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani. Bên cạnh đó cũng có nhiều phát hiện nghiên cứu của khảo cổ học Việt Nam và quốc tế với khả năng có những di tích quốc gia đặc biệt và thêm nhiều di tích cấp tỉnh nữa. Thời gian qua, nền "Văn hóa Hòa Bình” đã được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, Chính quyền. Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á với Trạm nghiên cứu Colani tại xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) là điểm tựa tốt cho Đề án. Tuy nhiên, hiện trạng chưa tương xứng với giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình”. Thời gian tới cần chú trọng động viên đào tạo chuyên gia địa phương. Thêm một bước trong phát hiện, nghiên cứu để đảm bảo ra đời một bảo tàng chuyên đề xứng tầm về văn hóa Hòa Bình với đội ngũ cán bộ chuyên gia tương ứng. Xếp hạng cấp tỉnh toàn bộ các di tích đã phát hiện, đề nghị xếp hạng từ 2 - 3 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt. Từ đó có đủ điều kiện lập hồ sơ trình UNESCO xác nhận di sản văn hóa khảo cổ học nhân loại. Để làm được điều đó cần có lộ trình từ nay đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 tập trung nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. Năm 2026 - 2027 có sự kiện tròn 100 năm M.Colani phát hiện và khai quật văn hóa Hòa Bình. Tổ chức đại điều tra phát hiện, khai quật khảo cổ học, trưng bày di động, tuyên truyền về văn hóa Hòa Bình tại những nơi phát hiện, tái phát hiện. Tạo ra nhận thức mở rộng tại các địa phương, nhắm trọng tâm vào các trường học, lực lượng thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… Giai đoạn 2028 - 2030 hình thành đội ngũ chuyên gia địa phương, tạo mạng xã hội trong và ngoài nước (Hội bạn Văn hóa Hòa Bình), xuất bản các công trình chuyên khảo, phổ cập và tiến đến hoàn thiện trưng bày chuyên đề về văn hóa Hòa Bình, xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO về di sản văn hóa, khảo cổ nhân loại.
* Bảo tồn, khai thác hợp lý giá trị Văn hóa Hòa Bình để phát triển du lịch
PGS. TS Nguyễn Duy Thiệu
Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Việt Nam
Theo UNESCO, văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.
Nói về nền văn hóa của người Mường ở Hòa Bình, cảnh quan chính nơi người Mường sinh tồn ở Hòa Bình là hệ sinh thái núi đá vôi. Các vòng cung núi đá vôi vùng Tây Bắc đã tạo nên các thung lũng núi bị cắt xén. Trong bối cảnh giao thông đường bộ chưa phát triển như trước đây, sự liên kết giữa các thung lũng rất khó khăn. Bởi thế mà mỗi khu cư trú trong một thung lũng lớn thường lập nên một mường độc lập (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động). Các thung lũng núi đá vôi tạo nên cảnh quan văn hóa đặc thù của người Mường. Trong cảnh quan vừa đề cập, ở đó thứ nhất là có rất nhiều hang động mà từ thời tiền sử con người đã sống ở đó như hang xóm Trại, mái đá làng Vành… Cảnh quan thung lũng núi đá vôi đã quy định hoạt động nông nghiệp để mưu sinh của người Mường (trồng trọt lúa nước, lúa nương, kết hợp với chăn nuôi và khai thác các sản phẩm trong rừng).
Về Văn hóa mưu sinh, phân bố trong hệ sinh thái như vừa mô tả, trong truyền thống, người Mường làm nông nghiệp là hoạt động chính để mưu sinh. Đối với các công trình kiến trúc dân gian trong truyền thống là nhà sàn. Tập quán ẩm thực có tính vùng miền phản ánh sự thích ứng của mỗi cộng đồng người với từng hệ sinh thái địa phương cụ thể. Cách thức và sở thích ẩm thực cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Mường…
Nhìn chung, người Mường có một nền văn hóa độc đáo và hết sức phong phú. Các sản phẩm, các di sản văn hóa của người Mường mang những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học rất rõ nét. Trách nhiệm của chúng ta hiện nay là phải nhận diện đầy đủ về nguồn lực văn hóa này, có chính sách và các dự án cụ thể để bảo vệ, bảo tồn. Bảo tồn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân và tìm cách khai thác hợp lý nguồn lợi văn hóa giàu có này để phát triển kinh tế - xã hội thông qua phát triển du lịch…
Biến di sản thành tài sản văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Bùi Huy Vọng
Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa
Những giá trị tiêu biểu chung nhất của di sản văn hóa dân tộc Mường là đề cao tinh thần yêu nước, yêu thương, đùm bọc, đoàn kết dân tộc và gắn kết gia tộc, cộng đồng, đề cao giá trị gia đình, biết ơn người có công và biết ơn tổ tiên. Sống thuận theo tự nhiên, bảo vệ và sàng lọc văn hóa… Từ các giá trị đó, bao đời qua đã góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần vượt qua gian khổ bảo vệ gia đình, cộng đồng, dân tộc, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn...
Bên cạnh các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Mường đã được công nhận di sản cấp quốc gia là: Mo Mường Hòa Bình, nghệ thuật chiêng Mường, lễ hội truyền thống Khai hạ dân tộc Mường, tri thức dân gian lịch Đoi/Roi (lịch tre)… Dân tộc Mường còn có nhiều di sản khác tuy chưa được công nhận di sản các cấp nhưng cũng rất tiêu biểu như: Nhà sàn Mường, ẩm thực dân gian Mường, trang phục nữ giới Mường, đặc biệt là hoa văn trên Tlôốc kwần - đầu váy, nghi lễ Kéo Si …
Việc biến di sản văn hóa thành tài sản văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy di sản phục vụ cho phát kiển KT-XH theo định hướng của Đảng, được xác định đó là một quá trình lâu dài và có tính cấp bách. Chính vì vậy, tôi mong muốn tỉnh có chính sách và nguồn lực để bảo tồn nguyên trạng, khôi phục các lễ hội dân gian, sưu tầm văn bản hóa, số hóa… các di sản văn hóa nhằm lưu giữ lâu dài. Đối với việc khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống, sử dụng không gian làng Mường, nhà sàn Mường, ẩm thực Mường… một số được phát triển thành sản phẩm du lịch để phát triển du lịch, việc đó là cơ bản, rất thực tế và có hiêu quả. Cần tiếp tục có lộ trình, có các dự án qua kênh nghiên cứu khoa học, qua văn học - nghệ thuật, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp truyền thông qua các kênh Youtube (trước hết dựng phim hoạt hình lấy chủ đề, các câu chuyện trong mo Mường, hệ thống truyền thuyết, truyện cổ dân tộc Mường...) để quảng bá, biến di sản văn hóa thành tài nguyên, sản phẩm phục vụ phát triển du lịch… Đặc biệt, đề nghị tỉnh cần có nguồn lực đầu tư xác đáng cho ngành Văn hóa tỉnh, quan tâm thiết thực đến đời sống, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nhà nghiên cứu về văn hóa Hòa Bình, trong đó có văn hóa Mường có điều kiện thực hành và nghiên cứu di sản. Cùng với đó, biên soạn bộ tài liệu về văn hóa Hòa Bình xưa và nay, văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh để phổ biến và là tài liệu chính thống cho tuyên truyền; có các buổi thuyết trình chuyên đề cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên… biết và hiểu về văn hóa Hòa Bình, văn hóa các dân tộc ở Hòa Bình, trong đó có các di sản văn hóa.
Nhóm phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội (TH)