Ý kiến cử tri

Ý kiến cử tri về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Cử tri Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Tân Hưng, Hải Dương:

Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA

Đến nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Việc khai thác hiệu quả FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng xuất, nhập khẩu của Việt Nam 8 năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại. Đặc biệt, năm 2023 đạt mức xuất siêu 28 tỷ USD, cao gần gấp 3 lần so với năm trước; 5 tháng đầu năm 2024, thặng dư thương mại đạt hơn 8,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng. Xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, có thể thấy, để khai thác hiệu quả các FTA, ngoài vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại... thì suy cho cùng vẫn là vấn đề con người trong triển khai các FTA. Có nghĩa là phải có con người hiểu biết, có kỹ năng, nghiệp vụ thực thi, hiểu về các điều khoản của hiệp định thì mới phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của chúng ta, từ đó mới tận dụng được hiệu quả lợi ích của các FTA.

Do đó, ở cấp quốc gia, mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải có kế hoạch, có chiến lược để tuyển dụng, đào tạo đội ngũ thạo về kỹ năng đàm phán, hiểu được các quy định của pháp luật quốc tế, cũng như những điều khoản của các FTA; đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực này.

NAM TRỰC (ghi)

Quang cảnh phiên họp tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên họp tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

**********

Cử tri PHẠM THÁI VINH, xã Băng Ađrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk:

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Tôi thấy phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cơ bản đầy đủ những vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.

Đáng chú ý, hoạt động công thương có nhiều đổi mới, thương mại điện tử phát triển mạnh; việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế còn tồn tại.

Đó là: Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ lực chưa bền vững. Hoạt động công thương, hoạt động thương mại điện tử; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp.

Hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, nhất là tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các hạ tầng lớn có tính lan tỏa; còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng).

TRƯỜNG LƯU (ghi)

**********

Cử tri Đinh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam:

Nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên

Theo dõi phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn về khắc phục tình trạng số lượng lớn kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến trả lời của Tổng Kiểm toán. Tôi đánh giá cao vai trò và sự cần thiết của Kiểm toán Nhà nước trong tất cả lĩnh vực có sử dụng đến tài chính công, ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, phục vụ tốt cho Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời phục vụ Quốc hội trong công tác điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Từ đó góp phần giảm thất thoát tài chính công, tài sản công và đưa ra những kiến nghị điều chỉnh kịp thời với chính sách, pháp luật, chống thất thoát, lãng phí.

Để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, theo tôi cần trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các kiểm toán viên. Cụ thể, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức kiểm toán, bảo đảm chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ, phù hợp với từng loại hình kiểm toán; đặc biệt tăng cường đào tạo nghiệp vụ về điều tra, phỏng vấn. Xây dựng đội ngũ kiểm toán viên vừa hồng vừa chuyên, có biện pháp ngăn ngừa tiêu cực trong quá trình làm việc với đơn vị được kiểm toán thông qua hoạt động kiểm toán công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn hiệu quả những hành vi tiêu cực, vi phạm, về phía Kiểm toán Nhà nước cần thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung bảo đảm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường kiểm toán những dự án đầu tư xây dựng quan trọng quốc gia, kiểm toán việc thực hiện các cơ chế đặc thù.

Kiểm toán Nhà nước tham gia ngay từ khâu xem xét quyết định chủ trương đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện, thanh, quyết toán. Đối với việc hạn chế các sai phạm trong đấu thầu thì cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ liên quan đến công tác đấu thầu, bổ sung hoàn thiện những tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm bảo đảm lựa chọn được nhà thầu phù hợp nhất với gói thầu.

ANH VIỆT (ghi)

**********

Cử tri Nguyễn Thị Hoa, tổ 5, phường Hợp Minh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái:

Chính sách cho vận động viên sau giải nghệ

Tôi rất quan tâm tới chất vấn của đại biểu liên quan đến giải pháp lâu dài để bảo đảm tương lai cho vận động viên (VĐV), đặc biệt là VĐV gặp chấn thương. Xuất phát từ thực tế gia đình có con em làm VĐV chuyên nghiệp, tôi thấy rằng việc bảo đảm tương lai cho VĐV là một nhu cầu thực sự bức thiết. Ngoài những nỗi lo về cơm áo gạo tiền sau khi chấm dứt sự nghiệp thi đấu, VĐV còn gặp khó khăn về chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề nghiệp.

Thực tế cho thấy, tuổi nghề của các VĐV thường khá ngắn ngủi. VĐV chuyên nghiệp thường gặp nguy cơ chấn thương cao và việc hồi phục sau chấn thương không chỉ đòi hỏi chi phí lớn mà còn cần thời gian dài, ảnh hưởng đến sự nghiệp và tương lai của họ. Chỉ có rất ít trường hợp VĐV thành công trong việc theo đuổi môn thể thao mình từng thi đấu trên cương vị huấn luyện viên. Đa phần VĐV sau khi giải nghệ phải vật lộn với cuộc sống, gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc ngoài lĩnh vực thể thao.

Do đó, mong mỏi của tôi là bên cạnh việc Nhà nước quan tâm đầu tư vào chăm sóc y tế và chế độ bảo hiểm đặc biệt cho VĐV, cần có chính sách xây dựng các chương trình đào tạo nghề song song, giúp VĐV có cơ hội học tập và phát triển kỹ năng mới trong suốt sự nghiệp thi đấu. Việc này giúp họ có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hơn sau khi giải nghệ, để không bị bỏ lại phía sau.

MINH HUYỀN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/y-kien-cu-tri-779893