Ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (phần 2)

Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh Long An đã chỉ đạo và tổ chức đóng góp Luật Đất đai (sửa đổi) theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Dưới đây là một số nội dung đóng góp cụ thể cho dự thảo luật này.

(Tiếp theo phần 1)

4.Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương V)

a) Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 60)

- Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ, không được trái với quy định của Luật Quy hoạch. Do đó, đề nghị bổ sung một nguyên tắc mới (hoặc lồng ghép vào các nguyên tắc) cho tương thích với Luật Quy hoạch, có thể là: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ Luật Quy hoạch; bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa các lợi ích, trong đó có lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia là cao nhất”.

- Dự thảo bỏ nguyên tắc “ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường” của Luật hiện hành là hợp lý. Song đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều này cụm từ “bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực”. Bởi đây là những vấn đề rất quan trọng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải tính tới. Như vậy khoản 3 sẽ là: “Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực; bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

- Đề nghị bổ sung 01 khoản quy định: “Bảo đảm tính độc lập với nhau giữa các đơn vị tư vấn, Hội đồng thẩm định và cơ quan lập quy hoạch. Điều này là cần thiết mới đảm bảo tính khách quan, minh bạch; cũng nhằm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

b) Vấn đề Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (Điều 64)

Về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, tại điểm b khoản 1 Điều này, đề nghị dự thảo thể hiện cho đầy đủ và đưa cụm từ “quy hoạch tỉnh” lên trước cụm từ “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…” cho phù hợp với logic và nội dung công việc để quy định tại khoản 2 sẽ là: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu của tỉnh”.

c) Việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 68)

Tán thành việc dự thảo quy định việc lấy ý kiến nhân dân khá cụ thể, mở rộng hơn nhiều so với Luật hiện hành, đó là: MTTQ Việt Nam các cấp, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan; việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng quy định đầy đủ, chặt chẽ hơn, nhất là hình thức công khai ở cấp huyện rất đa dạng (trên trang web, niêm yết tại trụ sở, lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân đại diện cho các xã,..).Việc sửa đổi này nhằm đảm bảo và phát huy vai trò của nhân dân tham gia công việc rất quan trọng này theo hướng trân trọng và thực chất. Bên cạnh đó, đề nghị dự thảo bổ sung thành phần “các chuyên gia am hiểu lĩnh vực” tham gia vào hoạt động này.

d) Về tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 72)

Tại khoản 1, đề nghị dự thảo thay từ “được” bằng từ “phải” để quy định tại khoản này là: “Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thuê tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Bởi đây là quy trình bắt buộc phải thuê tư vấn.

5. Về thu hồi đất, trưng dụng đất (Chương VI)

a) Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78)

Dự thảo lần này có quy định thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Trên cơ sở đó quy định loại dự án, công trình nào thuộc diện phải thu hồi hoặc không thu hồi đất theo tiêu chí, điều kiện khá chặt chẽ nhằm tránh việc thu hồi đất tràn lan gây bức xúc trong xã hội. Đây là điểm rất tích cực so với Luật hiện hành nên chúng tôi cơ bản đồng tình, song cũng đề nghị:

+ Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để có thể thu hẹp hoặc quy định chặt chẽ hơn các dự án (hoặc một phần dự án) thuộc diện phải thu hồi đất quy định tại khoản 2 Điều này, trong đó có dự án xây dựng cơ sở tôn giáo (điểm d khoản 2).

+ Đề nghị bổ sung cụm từ “xã hội” vào cuối đoạn mở đầu của Điều 78 để quy định tại khoản này thành: “Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án phát huy nguồn lực đất đai,… nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.

b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 80)

- Tại điểm h khoản 1 dự thảo quy định: “Đất sản xuất nông nghiệp không được sử dụng trong thời hạn 36 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng” là thuộc trường hợp Nhà nước phải thu hồi. Trong khi đó, Luật hiện hành quy định mốc thời gian tương ứng, lần lượt với đất trồng cây hàng năm là 12 tháng, đất trồng cây lâu năm là 18 tháng, đất trồng rừng là 24 tháng liên tục.

Chúng tôi cho rằng thời gian quy định như dự thảo là quá dài, đề nghị giảm xuống còn 24 hoặc 30 tháng. Lý do: dự thảo lần này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tập trung, tích tụ đất sản xuất nông nghiệp (sẽ phân tích sau đây, khi đóng góp phần Chế độ sử dụng đất) và cấm “không đưa đất vào sử dụng” (khoản 3 Điều 12); thực tiễn cho thấy các trường hợp vi phạm cũng đã xảy ra không ít. Vì thế cần quy định chặt chẽ, khắt khe hơn để các chủ thể sử dụng đất phải đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, tránh bỏ hoang,” đầu cơ chờ thời”.

- Tại điểm i khoản 1 dự thảo quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng so với thời hạn ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ cùng với khoản tiền thuế tăng thêm theo quy định và việc này phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 của năm phát hiện vi phạm, quá thời hạn này mà người sử dụng đất không nộp tiền thì Nhà nước thu hồi đất.

Trường hợp chậm tiến độ quá 48 tháng mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án, chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản trên đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Trong khi đó Luật hiện hành quy định: Chủ đầu tư không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không thực hiện thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và nộp một khoản tiền,… cho Nhà nước; quá thời hạn gia hạn trên mà vẫn không thực hiện thì Nhà nước sẽ thu hội đất.

Chúng tôi cho rằng quy định như dự thảo là phù hợp, chặt chẽ, tiến bộ hơn so với Luật hiện hành; khi luật được thông qua và đi vào cuộc sống sẽ góp phần khắc phục tình trạng nhà đầu tư chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, xin gia hạn kéo dài, dẫn đến nhiều dự án treo, gây lãng phí tài nguyên đất và tạo bức xúc trong xã hội như đã qua. Tuy nhiên, để quy định chặt chẽ, thể hiện tính tích cực, kiên quyết hơn (cũng như và tương thích với trường hợp đất sản xuất nông nghiệp vừa nêu bên trên) chúng tôi đề nghị rút ngắn thời gian chậm tiến độ xuống còn “quá 36 hoặc 40 tháng” thay vì “quá 48 tháng” như dự thảo Luật./.

(Còn tiếp)

Đặng Văn Xướng (Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/y-kien-gop-y-cua-ban-thuong-vu-hoi-luat-gia-tinh-doi-voi-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-phan-2--a151129.html