Cây nêu được làm từ những cây tre cao được giữ nguyên phần lá ở ngọn. Dưới gốc sẽ rắc vôi bột trắng hình cánh cung hướng ra bên ngoài nhà. Ở mỗi vùng miền khác nhau, miền xuôi hay miền ngược, đồng bằng hay dân tộc thiểu số sẽ có cách trang trí cây nêu khác nhau.
Cây nêu còn được gọi là cây thiên - địa - nhân, kết nối trời, đất và nguyện ước của con người. Trên mỗi ngọn nêu được treo các linh vật hoặc phẩm vật khác nhau để thể hiện nguyện ước của con người có thể chạm tới thần linh với ý nghĩa để trừ tà dữ, bảo vệ bình an cho gia đình.
Mỗi một vật trang trí lên cây nêu đều mang một ý nghĩa nhất định, nếu không phải bảo vệ bình an thì cũng là cầu may mắn, sung túc. Chẳng hạn như cái khánh biểu tượng cho những điều tốt lành; lông gà biểu tượng cho bình an; lá dứa để trừ tà hay tiền vàng mã cầu tài lộc.
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Dân gian quan niệm rằng, khi những vì thần bảo hộ gia đình đi vắng thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, trừ tà dữ, bảo vệ bình an cho gia đình...
Cây nêu trong Tết xưa.
Cây nêu trong truyện cổ tích chính là cây tre.
Mỗi phong tục xưa trong Tết cổ truyền đều mang những ý nghĩa đẹp, xua rủi lấy may. Cũng như tiếng pháo đêm Giao thừa, cây nêu nhằm xóa bỏ điều xui và mong ước những điều lành đến nhiều hơn trong năm mới.
Dựng cây nêu là phong tục truyền thống lâu đời, ý nghĩa đối với nhiều dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Cây nêu không chỉ thể hiện ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”, biểu tượng tâm linh mà còn chuyển tải những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp.
Những năm gần đây, tại một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa của Hà Nội tổ chức tục lệ thượng nêu để giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống trong phong vị đón Tết cổ truyền của người Việt.