Ý nghĩa lì xì ngày Tết và những điều cần tránh
Lì xì (mừng tuổi) đầu năm là phong tục truyền thống của dân tộc ta. Bản chất của việc lì xì không nằm ở số tiền mà ở ý nghĩa tinh thần tốt đẹp.
Ý nghĩa của lì xì ngày tết
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ThS. Nguyễn Văn Phương, Giảng viên Khoa Văn hóa-Du lịch (ĐH Thủ Đô Hà Nội) cho biết, lì xì (mừng tuổi) là phong tục thú vị trong văn hóa phương Đông. Phong tục mừng tuổi đã có nguồn gốc từ Trung Hoa thời thượng cổ, theo sự giao thoa văn hóa, phong tục này truyền sang Việt Nam và một số nước Đông Á khác.
Tuy nhiên, ở mỗi nền văn hóa khác nhau, phong tục này có những sự khác biệt nhất định, mang sắc thái riêng. Ở Trung Hoa xưa, mừng tuổi là người bề trên ban cho, tặng cho những người bên dưới mình. Hành động này thể hiện mong muốn ban cho phúc lành, cho đi phước của những người cao tuổi, những bậc tôn trưởng trong gia đình. Bên cạnh việc chia sẻ phúc lành còn kèm theo sự bảo ban, giáo huấn của bề trên với người bề dưới.
Khi phong tục này du nhập vào Việt Nam, việc lì xì mừng tuổi đầu năm không chỉ là hành động của bề trên cho người dưới mà còn có việc người dưới, người nhỏ tuổi mừng tuổi người lớn hơn mình. Điều này thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu, sự kính trọng của người dưới với bề trên. Đây là sự tiếp thu có cải biến, phát huy trong văn hóa. Xuất phát từ quan niệm đó có thể thấy rằng ý nghĩa của lì xì không nằm ở số lượng, giá trị kinh tế của vật được cho đi.
Bản chất của việc lì xì không nằm ở số tiền mà ở ý nghĩa tình thần tốt đẹp, là lời chúc may mắn của người lớn đến trẻ con và lời chúc sức khỏe của người trẻ đến người già.
"Lì xì không chỉ là giá trị tài vật, giá trị của vật cho đi mà nằm ở tâm ý, ở ý nghĩa bên trong. Suy nghĩ mừng tuổi càng nhiều càng may mắn và quan niệm rất sai lệch, không nên để lan truyền ra giới trẻ hiện nay", ThS. Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Ứng xử thế nào để không biến tướng phong tục lì xì Tết?
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên Giảng viên khoa Ngữ Văn (Đại học khoa học xã hội và nhân văn), lì xì âm Hán Việt là "lợi thị" có nghĩa là tiền lãi do buôn bán mà có. Vì "lộc bất hưởng tận" nên người ta thường dành tiền lãi san sẻ cho những người khác để cùng chung vui và cầu may hơn nữa.
Người phát cho trẻ em vì tin rằng, trẻ nhỏ có tâm hồn vô tư trong sạch, không xung khắc với ai nên thường đem đến nhiều may mắn trong ngày đầu năm. Người ra đường gặp trẻ nhỏ đầu tiên cũng tin rằng công việc sẽ suôn sẻ.
Ngày nay, nhiều người lớn đã lợi dụng phong tục lì xì để “hối lộ” biếu xen, điều này đã ảnh hưởng xấu đến một phong tục đẹp và ý nghĩa. Để phong tục lì xì trở lại với ý nghĩa ban đầu vốn có, các chuyên gia cho rằng cha mẹ, người lớn cần phải dạy trẻ cách nhận lì xì sao cho lễ phép, không được so đo nhiều ít, đòi lì xì hay bóc phong bao trước mặt khách mà trân trọng trao lại cho cha mẹ, nhờ cha mẹ cất giữ để mua đồ dùng, sách vở hoặc mua đồ tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Những điều cần tránh khi lì xì ngày Tết
Không nhận lì xì bằng một tay: Khi nhận lì xì dù là người lớn hay nhỏ hơn đều phải nhận bằng hai tay để bày tỏ sự tôn trọng với người tặng.
Không vòi thêm lì xì: Cha mẹ cần dặn dò con trẻ, nhất là những đứa trẻ thường hay đòi hỏi không nên đòi thêm lì xì từ ông bà, cha mẹ, điều này là bất kính cùng với đó là làm mất đi ý nghĩa truyền thống của bao lì xì ngày đầu năm.
Không mở bao lì xì trước mặt người tặng: việc mở bao lì xì là việc rất riêng tư và khi mở bao lì xì trước mặt người tặng được xem như là hành động bất lịch sự, xem nặng đồng tiền hơn tấm lòng của người tặng.