Ý nghĩa ngày Tết cổ truyền tại các trường học

Đã trở thành hoạt động thường niên, mỗi dịp tết Nguyên đán, các trường học của huyện Mường Khương náo nức tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh trải nghiệm phong vị Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

 Ngày học cuối cùng của năm Giáp Thìn 2024, học sinh được tham gia nhiều hoạt động tập thể vui nhộn chào Xuân 2025.

Ngày học cuối cùng của năm Giáp Thìn 2024, học sinh được tham gia nhiều hoạt động tập thể vui nhộn chào Xuân 2025.

Ngày học cuối cùng của năm Giáp Thìn, sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nấm Lư rộn vang tiếng nhạc, từng tốp học sinh nô đùa vui vẻ. Đúng như tên gọi “Xuân yêu thương - Tết sum vầy”, chương trình đem đến cho thầy cô giáo và học sinh nhiều hoạt động ý nghĩa như gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, chơi các trò chơi dân gian và hiện đại, trò chuyện tìm hiểu về phong tục Tết Việt.

 Bày mâm ngũ quả đón Tết.

Bày mâm ngũ quả đón Tết.

Thầy giáo Ngô Ngọc Bẩy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nấm Lư chia sẻ: Tết cổ truyền với nếp sinh hoạt mang đậm bản sắc của người dân Việt Nam được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Các hoạt động trải nghiệm đón tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 mà nhà trường tổ chức là sự tiếp nối giáo dục truyền thống, tạo không khí vui tươi cho các thầy cô giáo và học sinh bước vào năm mới với khí thế mới, nỗ lực đạt thành tích cao trong dạy và học.

Nhiều năm liền tham gia các hoạt động trải nghiệm đón Tết cổ truyền tại nhà trường, em Lục Quỳnh Như, lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nấm Lư tỏ rõ sự thích thú: “Mỗi năm trường đều tổ chức hội chợ và hoạt động trải nghiệm các gian hàng, gói bánh chưng, văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian. Qua mỗi dịp như vậy, chúng em học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như hiểu thêm, yêu hơn văn hóa dân tộc”.

Cảm xúc của Lục Quỳnh Như cũng là cảm xúc chung của các học sinh khác trong trường. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nấm Lư hiện có hơn 400 học sinh, trong đó phần lớn là người Nùng Dín, ngoài ra còn có người Mông, Phù Lá… Tuy nhiên, dù là dân tộc nào thì các em cũng chung niềm vui đón Tết cổ truyền của dân tộc với những phong tục đặc trưng của mảnh đất “hình chữ S”.

Vừa trở ra từ trò chơi kéo co, em Lèng Thị Hường, lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nấm Lư hào hứng chia sẻ: "Tham gia vui Tết cổ truyền được tổ chức tại nhà trường em cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Đặc biệt, năm nay là năm học cuối cấp, những hoạt động ý nghĩa như gói bánh chưng, biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi để lại cho chúng em kỷ niệm khó quên".

Nhìn học trò vui đùa trong chương trình đón Tết, thầy giáo Ngô Ngọc Bẩy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nấm Lư cho biết: Trường có hơn 300 học sinh bán trú, do đó chúng tôi chú trọng tổ chức các hoạt động tập thể tạo không khi vui tươi, phấn khởi để các em thêm yêu trường, mến bạn, tăng tỷ lệ chuyên cần, đồng thời giúp các em có điều kiện thực hành và hiểu hơn về văn hóa dân tộc, từ đó góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.

 Nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức tạo không khí đón xuân cho học sinh.

Nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức tạo không khí đón xuân cho học sinh.

Cũng như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nấm Lư, các trường học từ mầm non đến THPT và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của huyện Mường Khương đều tổ chức các hoạt động trải nghiệm giúp học sinh vui Xuân, đón Tết. Mỗi năm, mỗi trường học tổ chức hoạt động với chủ đề riêng, tên gọi khác nhau như “Tết xưa - Tết nay”, "Festival chào Xuân - vui Tết"… nhưng đều với mục đích chính là giáo dục học sinh về Tết xưa của dân tộc hay Tết trong thời kỳ đổi mới, để khi các em trưởng thành, hội nhập với bạn bè quốc tế vẫn nhớ về giá trị cội nguồn của dân tộc.

Cùng với tổ chức các các chương trình, hoạt động đón tết Nguyên đán, nhiều trường cũng tổ chức hoạt động thiện nguyện, trao quà Tết cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm động viên các em vươn lên trong học tập. Qua đó góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái và giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

 Tết ấm áp bên thầy cô và bạn bè.

Tết ấm áp bên thầy cô và bạn bè.

Ông Thền Quang Hợp, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho học sinh trải nghiệm Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam phải phù hợp với từng cấp học, đa dạng về nội dung và hình thức. Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học được tham gia phiên chợ quê, nhận biết nguyên liệu làm bánh chưng, các loại bánh đặc chưng của vùng quê mình sinh sống; học sinh từ bậc trung học cơ sở trở lên được trải nghiệm thi gói bánh chưng, tham gia những trò chơi dân gian. Những hoạt động này giúp học sinh có thêm kiến thức và kỹ năng mới, có ý thức hơn trong việc phụ giúp gia đình đón Tết, gắn kết tình thân bạn bè thông qua các hoạt động tập thể thú vị, ý nghĩa.

Xuân Ất Tỵ 2025 đã cận kề, từ mỗi mái trường, những cô cậu học trò trở về nhà vui Xuân, đón Tết sẽ không chỉ mang theo câu chuyện cụ thể về bánh chưng bánh dày, cây nêu, câu đối tết… mà còn là những bài học bồi đắp tâm hồn học sinh tinh thần tương thân tương ái, giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tô Dung - Tất Đạt

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/y-nghia-ngay-tet-co-truyen-tai-cac-truong-hoc-post396661.html