Ý nghĩa trong nghi lễ cầu mưa của người Ê Đê ở Krông Bông

Lễ cầu mưa, hay cầu mùa là một trong những nét đẹp văn hóa trong nghi lễ nông nghiệp truyền thống của người Ê Đê. Vào thời điểm bắt đầu mùa nương rẫy mới, cũng là lúc thời tiết nắng gay gắt gây hạn hán, đồng bào Ê Đê thường làm lễ cầu mưa (khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch), với mong muốn mưa thuận, gió hòa, người dân có cuộc sống no đủ.

Những người dân Ê Đê trong trang phục truyền thống tham gia nghi lễ cầu mưa. Ảnh: Thúy Hạnh

Những người dân Ê Đê trong trang phục truyền thống tham gia nghi lễ cầu mưa. Ảnh: Thúy Hạnh

Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk với dân số hơn 106 nghìn người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 42% dân số.

Cuộc sống có nhiều thay đổi, buôn làng dần đô thị hóa, việc tổ chức lễ cúng truyền thống cũng dần mai một. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Nhà nước và ngành văn hóa, những năm gần đây, buôn làng đã khôi phục các lễ hội truyền thống, lưu truyền cho thế hệ sau. Việc phục dựng, tái hiện nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022-2025.

Chuẩn bị tiến hành lễ cầu mưa, người dân trong buôn sẽ chọn một khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần cây cổ thụ có càng nhiều tổ ong càng tốt, gần bến nước để thực hiện nghi lễ. Theo quan niệm của người Ê Đê, đó là nơi đất tốt.

Sau khi phát hoang, làm sạch nơi thực hiện nghi lễ, kín đáo đặt các loại bẫy, người dân trong buôn tiến hành làm một chòi Pưk có hai tầng để chuẩn bị lễ cúng. Cũng theo quan niệm của người Ê Đê, tầng trên để thờ ông trời và bà trời, tầng dưới là kho lúa, tượng trưng cho sự no đủ, cũng là nơi đặt tượng gỗ Thần ác. Đây là vị thần mà người Ê Đê cho rằng đã xui khiến chim, thú vào phá rẫy, làm mất mùa khiến dân không được no đủ.

Tại lễ cúng, người dân trong buôn cũng chuẩn bị nhiều dụng cụ làm nông như: Ba cây đao, ba chiếc khiên, ba thúng đựng lúa, ba cái gùi, các loại bẫy, cậy chọ trỉa lúa, dụng cụ đựng nước mưa, làm các mô hình tượng trưng cho các loại thú. Bên cạnh đó, còn có những vật không thể thiếu trong lễ cúng, như bốn ché rượu cần ngon nhất, một con heo, một con dê, hai con gà cùng các bộ phận của con vật hiến tế, một chén đồng đựng tiết heo và một chén đồng đựng rượu đặt trên mâm cúng để dâng lên thần linh. Người dân cũng lựa chọn ra 40 người, gồm cả nam lẫn nữ mặc trang phục truyền thống của người Ê Đê cùng thực hiện lễ cúng.

Khi mọi thủ tục chuẩn bị cho lễ cúng đã sắp đặt xong, một hồi chiêng vang lên, thầy cúng đại diện cho người dân Ê Đê bắt đầu lễ cúng. Thầy cúng đọc lời cầu xin thần linh ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy kho, buôn làng no ấm, xin thần linh xua đuổi những điều xui xẻo.

Sau đó, thầy cúng và người dân trong buôn sẽ thực hiện tiếp các nghi lễ như cầm bát rượu pha tiết heo vẩy vào các gùi lúa, công cụ lao động, vẩy xuống đất rẫy... Hành động này mang ý nghĩa muốn mời thần linh cùng dùng rượu với dân làng. Thầy cúng cũng dẫn người dân trong buôn mang theo một con dê sống đi qua rừng, đến một con suối ở chân núi để thực hiện nghi lễ cúng cầu an, cầu sức khỏe. Tại lễ cúng, thầy cúng cầm dao chặt đầu Thần ác, với ý nghĩa loại trừ tà ma, đuổi Thần ác đi nơi khác, người dân trong buôn thực hiện nghi lễ gieo hạt.

Nghi lễ gieo hạt chính thức được bắt đầu. Cứ hai người đàn ông đi trước chọc lỗ, hai người phụ nữ đi sau gieo hạt và lấp lỗ lại. Dụng cụ gieo hạt là một ống tre. Người dân đổ lúa giống vào ống tre này để gieo và dùng đầu cật tre cứng hơn để lấp lỗ lại. Khi đã gieo hạt xong, mọi người đem nước đựng trong ống tre ra, vẩy ướt đất, hành động này mang ý nghĩa thần linh đã nghe lời cầu khẩn của dân làng trong lễ cúng, nên cho mưa xuống tưới mát nương rẫy. Tiếp theo nghi lễ gieo hạt, thầy cúng và dân làng thực hiện nghi lễ cầu an và sức khỏe.

Các nghi lễ sau khi được thực hiện xong, người dân trong làng tỏa ra các bẫy thú, hun khói cho tổ ong bay đi để gỡ tổ ong xuống lấy mật. Thầy cúng cầm khiên, giáo múa một vòng quanh rẫy và đi về chòi Pưk để đưa tượng Thần ác xuống chặt đầu với ý nghĩa loại trừ tà ma, đuổi Thần cá đi nơi khác trong tiếng hò reo của dân làng. Người đứng đầu trong buôn mời thầy cúng ăn thịt, uống rượu trong mâm cúng, tiếp đến là những người dân trong buôn.

Kết thúc lễ cầu mưa, mọi người cùng nhau vui vẻ uống rượu, chuyện trò. Khi rượu trong ché đã nhạt, người dân ai về nhà đó và chuẩn bị sẵn các dụng cụ lao động để khi mưa xuống sẽ bắt đầu một mùa rẫy mới.

Theo ông Y Thu Niê, Trưởng buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), nghi lễ cầu mưa không chỉ đơn thuần là một hoạt động văn hóa truyền thống của người Ê Đê, mà còn là một nghi lễ được người dân chú trọng nhất. Bởi cầu mưa là nghi lễ chứa đựng rất nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Ê Đê, với mong muốn được thần linh hỗ trợ, khắc phục những khó khăn mà con người chưa thể giải quyết được.

Nghi lễ cầu mưa mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc đã được phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/y-nghia-trong-nghi-le-cau-mua-cua-nguoi-e-de-o-krong-bong-post475083.html