Ý nghĩa và bài học từ 3 sự kiện trong cuộc đời Đức Phật - Vesak 2025

Vesak là dịp chúng ta cùng ôn nhắc lại, nhìn nhận, suy ngẫm về ý nghĩa và những bài học giá trị từ cuộc đời Đức Phật, đặc biệt từ ba sự kiện lớn này trong đời Ngài: đản sinh, thành đạo và nhập Niết-bàn.

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn…

Phật và chúng sanh đều có tánh Phật thanh tịnh, rỗng lặng và hằng tri như nhau, hay còn gọi là cùng một bản thể như nhau. Tuy nhiên, do sự chi phối của nhân quả và luân hồi mà Phật và chúng sanh có sự khác biệt: từ nhân quả khác nhau đến nghiệp khác nhau và dẫn đến sự luân hồi khác nhau.

Tánh Phật của mỗi chúng sanh, khi trải qua luân hồi thường bị che lấp đi. Chúng ta không nhớ trong thân người này có tánh Phật, tánh Phật là của ta. Thông thường vì không nhận diện được tánh Phật, chúng ta chỉ quan tâm thân người, thường làm theo sự ham muốn của thân và tánh người. Vì lẽ đó phát sinh mãi những nghiệp duyên mà nó dẫn dắt chúng ta cứ luân hồi trong tam giới, sanh tử rồi lại tử sanh.

Đức Phật dạy rằng: Người nào đã thấy được tánh Phật thanh tịnh rỗng lặng và hằng tri của chính mình rồi, tức đã thấy được tánh cùng một bản thể rỗng lặng hằng tri, khi nghe Đức Phật nói hoặc dạy một điều gì, không cần phải suy nghĩ và không cần phải luận bàn, cũng tự nhiên biết.

Không những chỉ cho chúng sanh nhận biết về Phật tánh có sẵn trong mỗi chúng sanh, Đức Phật còn hiển thị và minh chứng cho chúng sanh những bài học tương ứng với những giá trị chân lý Ngài đã truyền trao từ chính các sự kiện trong cuộc đời Ngài. Bằng lòng từ bi rộng lớn, tâm nguyện cao vời, Ngài đã không ngừng giúp đỡ cũng như khuyến khích tất cả chúng sanh đạt được thành tựu như mình.

Đức Phật đã để lại bao bài học quý giá cho nhân loại. Trong đó, ba sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của Ngài chính là những bài học sống động, đáng nhớ, đáng suy ngẫm và dễ dàng in sâu trong lòng chúng ta hơn cả.

Sự ra đời của Thái tử Tất-đạt-đa

Ngài là bậc Chánh đẳng chánh giác, thế nhưng Ngài cũng là một con người được sinh ra bằng xương bằng thịt như chúng ta, không thần thông biến hóa hay siêu nhiên gì khác. Ngay từ đầu, Ngài cũng chưa thể thấu suốt được tất cả các pháp, chân lý cao diệu.

Khởi đầu Ngài là một con người như chúng ta và dẫu có những tướng tốt, sự đến của Ngài là do nguyện sanh và tánh Phật được lưu giữ ở Ngài, nhưng Ngài vẫn trải qua cả một quá trình dài không ngừng học hỏi rèn luyện thân tâm, sống với tinh thần hướng thượng, hướng về những giá trị tốt đẹp, nỗ lực nuôi dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đặc biệt trong đời sống. Chính Ngài cũng phải luôn nỗ lực và tinh tấn vô cùng mới khai mở được trí tuệ, trở thành Đức Thế Tôn, bậc lãnh tụ tâm linh vĩ đại nhất, đáng tôn kính nhất của thế gian.

Bài học này cho chúng ta thấy sự cần thiết của việc nỗ lực, tinh tấn và không ngừng trau dồi khi chúng ta đặt ra và thực hiện một mục tiêu. Bài học cụ thể trong tu học chính là thực hiện phương pháp văn-tư-tu Ngài đã đưa ra với sự tinh tấn không ngừng: liên tục tư duy, thực hành và cải thiện bản thân để trở thành con người tốt lành và hoàn thiện về giới đức.

Sự kiện thành đạo của Đức Phật

Bài học tiếp theo từ sự kiện thành đạo của Đức Phật cũng chính là minh chứng rõ ràng cho ý nghĩa của bài học đầu tiên. Chúng ta được nhắc lại về ý nghĩa nhân - quả ngay tại đây: khi một người luôn nỗ lực khai mở trí tuệ, không ngừng rèn luyện thân tâm, chắc chắn sẽ đạt được những kết quả tương ứng. Thời điểm Ngài thành đạo chính là kết quả viên mãn cho những lần nỗ lực và cố gắng đến tột cùng, có lúc gần ảnh hưởng đến sinh mạng, từ nhịn ăn, tu khổ hạnh đến hành thiền miên mật, là kết quả cho sự kiên nhẫn trước bao thử thách và khó khăn nhưng không nản lòng trên con đường đi tìm chân lý.

Bài học Ngài dạy chúng ta vô cùng sâu sắc và đáng suy ngẫm về lòng nhẫn nại và ý chí, nỗ lực không thể nghĩ bàn. Chúng ta thấy rằng việc đạt được những thành tựu cao quý, phi thường thì cũng đòi hỏi sự kiên trì, công phu và nỗ lực rất nhiều chứ không hề đơn giản, dễ dàng.

Bên cạnh đó, sự thành đạo của Đức Phật cũng đánh dấu một ý nghĩa quan trọng: giáo pháp giải thoát khởi sinh và lan tỏa, đem lợi lạc cho khắp chúng sanh. Ngài đã từng trăn trở là làm sao để chúng sanh thoát khổ nên sự thành tựu này của Ngài đem lại lợi lạc lớn cho chúng sanh chứ không chỉ riêng Ngài. Điều này khiến chúng ta cần suy ngẫm và nhìn nhận về ý nghĩa của “tự độ và độ tha”: nếu mong muốn được mang lại những lợi ích và giá trị tốt đẹp cho xã hội, cho mọi người thì trước tiên chúng ta cần phải nỗ lực kiên trì, rèn luyện bản thân đạt được những giá trị đích thực và tốt đẹp mới có thể truyền trao năng lượng ấy cho đối tượng khác.

Sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn

Ngài nhập Niết-bàn khi các hạnh nguyện đã viên mãn. Chúng ta thấy rằng, Ngài đến thế giới này trong thân tướng con người, thế nên dù Ngài vĩ đại như thế nào thì sau cùng cũng thuận thế vô thường, đến rồi đi như chân lý vô thường bất biến trên thế gian này. Bài học cho chúng ta chính là cần nhận diện và hiểu rõ về bản chất vô thường của các pháp, dù vĩ đại, dù vượt trội thế nào sau cùng mọi pháp đều vô thường, biến đổi. Bởi vậy chúng ta nên trân quý vì thời gian là hữu hạn, chuyên cần tinh tấn, nỗ lực để chạm đến được chí nguyện, mục tiêu và có thể giữ được một cái tâm vững vàng, an nhiên khi đối diện vô thường bởi đã hiểu quy luật sinh, trụ, hoại, diệt là điều tất yếu.

Khi thấu triệt ý nghĩa về sự đản sinh, thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật, chúng ta có cho mình những bài học quý giá, sâu sắc, chân thực. Vesak chính là dịp chúng ta cùng ôn nhắc lại, nhìn nhận, suy ngẫm về ý nghĩa và những bài học giá trị từ cuộc đời Đức Phật, đặc biệt từ ba sự kiện lớn này trong đời Ngài.

Vesak hay còn gọi là Lễ Tam hợp kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật gồm đản sanh - thành đạo - nhập diệt được tổ chức nhằm giúp mỗi người Phật tử khởi sinh và tăng trưởng niềm tin kính nơi Phật, Pháp, Tăng. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của ba sự kiện này cũng giúp nhắc nhở chúng ta về giáo pháp mà Đức Phật đã truyền trao và việc thực hành ứng dụng giáo pháp trong đời sống của mình.

Ngày lễ Vesak được tổ chức với nhiều sự kiện, nghi thức đầy ý nghĩa. Mặc dù vậy, là người Phật tử, chúng ta vẫn phải nên hiểu bản chất của sự thực hành Phật pháp là ở việc rèn giũa thân tâm. Phật tử thấu hiểu giáo pháp, biết nghiêm trì giữ giới, biết ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống, sống an lạc cuộc đời mình và mang lại lợi lạc cho cộng đồng xã hội thì đó mới chính là hình thức tôn kính, ghi nhớ và tưởng niệm chân thực nhất, xứng đáng nhất đến Đức Thế Tôn và giáo pháp của Ngài. Đồng thời, việc thực hành những giá trị trên vào mỗi ngày chứ không chỉ riêng dịp Vesak sẽ mang lại niềm an lạc thường hằng cho người thực hành và cộng đồng xã hội.

An Trần

(Tác phẩm đạt giải khuyến khích cuộc thi “Cùng nghĩ về Vesak”)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/y-nghia-va-bai-hoc-tu-3-su-kien-trong-cuoc-doi-duc-phat-vesak-2025-post75967.html