Làng Đông Cứu và những mũi kim bền bỉ giữ gìn di sản thờ Mẫu

Nằm ở ngoại thành Hà Nội, làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) nổi danh bởi nghề thêu khăn chầu, áo ngự – những sản phẩm gắn liền với nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2016.

Các sản phẩm khăn chầu, áo ngự cần những kĩ thuật thêu đặc biệt

Các sản phẩm khăn chầu, áo ngự cần những kĩ thuật thêu đặc biệt

Nghề thêu gắn liền với tín ngưỡng

Nghề thêu của làng Đông Cứu được truyền lại từ ông Lê Công Hành, một vị Tiến sĩ dưới triều vua Lê Thần Tông, thế kỷ 17. Tương truyền, trong chuyến đi sứ sang phương Bắc, ông đã học được kỹ thuật thêu rồi đem về truyền dạy cho dân làng. Từ đó, nghề thêu phát triển mạnh mẽ, trở thành nguồn sống chính của nhiều hộ dân làng Đông Cứu.

Khác với các sản phẩm thêu thông thường, khăn chầu, áo ngự của làng Đông Cứu mang tính đặc thù cao bởi tính chất tâm linh và những quy chuẩn khắt khe về hình thức, màu sắc, họa tiết.

Là người gắn bó lâu năm với nghề, Ông Nguyễn Thế Du – Chủ tịch Hội làng nghề thêu Đông Cứu – cho biết: “Để làm nên một tòa khăn áo hầu đồng, người nghệ nhân – họa sĩ không chỉ cần tay nghề mà còn phải am hiểu lịch sử và tín ngưỡng hầu thánh trong dân gian xưa. Từ thiết kế mẫu đến từng chi tiết trang phục đều phải đúng với tín ngưỡng và phù hợp với từng giá hầu.”

Chẳng hạn, trang phục của các ông Hoàng thường sử dụng biểu tượng rồng, còn trang phục Thánh Mẫu lại thêu phượng. Người thợ phải nắm vững kỹ thuật thêu cổ, kết hợp nhiều thao tác phức tạp: vừa thêu nhồi đặc chỉ, vừa thêu xoắn, bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại, tinh xảo.

Ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội làng nghề thêu Đông Cứu bên những sản phẩm của gia đình

Ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội làng nghề thêu Đông Cứu bên những sản phẩm của gia đình

Kỹ thuật “bắt nét kim tuyến” được dùng để tạo viền các họa tiết như chùm vân, vảy rồng, móng rồng… “Nhồi lộn kim tuyến” phù hợp với các họa tiết mây, hình thắt, đường cong. Để thêu được những hình ảnh sống động như rồng, phượng, cá, chim, mặt trời…, nghệ nhân còn dùng kỹ thuật thêu quắn (se hai sợi chỉ to – nhỏ để thêu), hoặc “thêu thắt thịt” nhồi cao tạo hiệu ứng ba chiều nổi bật.

Nghề thêu Đông Cứu không đơn thuần là một nghề thủ công mà còn là sự kết tinh giữa văn hóa, tín ngưỡng và nghệ thuật. Tuy nhiên, để giữ nghề và phát triển trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ dàng. Những người gắn bó với nghề thêu luôn trăn trở với bài toán truyền nghề cho lớp trẻ.

“Nghề thêu này không chỉ cần tay nghề mà còn phải có niềm đam mê, lòng tự hào và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa – tín ngưỡng dân gian. Nếu lớp trẻ không mặn mà, không được đào tạo bài bản, nghề dễ mai một,” ông Nguyễn Thế Du chia sẻ.

Chính vì vậy, Đông Cứu đặc biệt chú trọng đến việc truyền dạy nghề: từ kiến thức lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng đến kỹ thuật thêu truyền thống, những mẹo thêu theo lối cổ.

Đồng thời, làng nghề cũng bắt nhịp xu hướng mới, cải tiến thiết kế, ứng dụng công nghệ vào quảng bá, tạo nên sản phẩm vừa giữ được hồn cốt truyền thống, vừa phù hợp nhu cầu người tiêu dùng hiện đại.

Nhờ nghề thêu, nhiều hộ dân trong làng Đông Cứu giờ đã có cuộc sống khấm khá

Nhờ nghề thêu, nhiều hộ dân trong làng Đông Cứu giờ đã có cuộc sống khấm khá

Thách thức và cơ hội

Thị trường khăn chầu, áo ngự hiện nay cạnh tranh gay gắt. Hàng nhái, hàng công nghiệp tràn lan, giá rẻ nhưng thiếu chiều sâu về kỹ thuật lẫn yếu tố tâm linh. Để tồn tại, nhiều hộ dân Đông Cứu buộc phải linh hoạt kết hợp giữa thêu tay và thêu máy nhằm rút ngắn ngày công, hạ giá thành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Hiện tại, toàn làng có 576 hộ, trong đó khoảng 80% làm nghề thêu. Gần 100 hộ đã đầu tư máy móc, kết hợp giữa thêu tay với thêu hiện đại. Giá của một tòa khăn áo đầy đủ hiện dao động rất đa dạng tùy theo chất lượng và kỹ thuật thêu.

Với dòng sản phẩm thêu rối đơn giản, mức giá có thể dưới 30 triệu đồng. Những bộ được thêu kỹ, tỉ mỉ theo đúng quy chuẩn tín ngưỡng có giá từ 40 đến 50 triệu đồng. Đặc biệt, những tòa khăn áo thêu tinh xảo bậc nhất – thường đặt riêng cho các giá hầu quan trọng – có thể lên tới 700 đến 800 triệu đồng, phản ánh giá trị văn hóa và tay nghề đỉnh cao được gửi gắm trong từng đường kim, mũi chỉ.

Nhờ giữ được nghề và biết thích ứng với thời cuộc, nhiều hộ dân trong làng Đông Cứu giờ đã có cuộc sống khấm khá. Những ngôi nhà tầng mọc lên san sát, xe máy, ô tô không còn là chuyện xa lạ.

Theo bà Vũ Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc duy trì và phát triển nghề thêu truyền thống của làng Đông Cứu.

Trong những năm qua, xã đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế huyện tổ chức nhiều chương trình khuyến công, đặc biệt chú trọng đến công tác truyền nghề, đào tạo nghề cho lớp trẻ nhằm tạo nguồn kế cận, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.

Bên cạnh đó, xã cũng triển khai các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn để đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất; hỗ trợ chi phí vận chuyển, đồng thời tạo điều kiện để các hộ sản xuất tham gia các sự kiện, hội chợ quảng bá sản phẩm làng nghề do huyện và thành phố tổ chức.

Tuy nhiên, một trong những trăn trở lớn nhất hiện nay là Đông Cứu vẫn chưa có không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm đúng nghĩa – nơi có thể kết hợp quảng bá nghề thêu với phát triển du lịch văn hóa tâm linh và trải nghiệm làng nghề.

Người dân mong muốn sớm được quy hoạch một khu sản xuất tập trung nằm ngoài khu dân cư, thuận tiện hơn trong việc đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đồng thời bảo đảm môi trường sống và giảm thiểu tiếng ồn, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.

Nguyễn Thị Xuân bỏ công việc ổn định về quê "giữ nghề" truyền thống của gia đình

Nguyễn Thị Xuân bỏ công việc ổn định về quê "giữ nghề" truyền thống của gia đình

Khi người trẻ trở về

Không ít người trẻ đã chọn rời làng ra phố học hành, lập nghiệp. Nhưng có những người lại đi ngược dòng, quay về nơi “bắt đầu” để gìn giữ truyền thống. Nguyễn Thị Xuân (28 tuổi), sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề thêu ở Đông Cứu, là một trong số đó.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Xuân từng làm việc trong một ngân hàng tại Hà Nội với mức lương ổn định 7 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng công việc bàn giấy và vòng xoay phố thị không khiến cô tìm thấy niềm vui. Xuân quyết định trở về làng, nơi cha mẹ cô vẫn ngày ngày miệt mài bên khung vải.

Cùng với việc học lại nghề từ chính cha mẹ, Xuân mở kênh TikTok mang tên @khanaochamxu, nơi mỗi video là một lát cắt đầy màu sắc về thế giới hầu đồng: tà áo trắng tinh khôi của Cô Bơ, sắc đỏ rực rỡ trên áo Chúa Thác Bờ, hay những đường thêu lấp lánh kim tuyến uốn lượn như sóng trên tà áo Cô Chín, Ông Hoàng.

Chỉ sau vài tháng, kênh của Xuân đã thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi, phần lớn là giới trẻ mê văn hóa dân gian và nghệ thuật truyền thống. Nhiều người từ khắp các vùng miền nhắn tin đặt hàng, thậm chí có khách nước ngoài liên hệ tìm hiểu.

Ảnh chụp màn hình kênh tiktok của Xuân

Ảnh chụp màn hình kênh tiktok của Xuân

“Em không chỉ bán hàng, em kể chuyện. Đằng sau mỗi bộ lễ phục là một hệ giá trị, là một phần linh hồn văn hóa,” Xuân nói.

Nhờ mạng xã hội, gia đình Xuân mở rộng được khách hàng, phát triển thêm tổ thêu. Doanh thu cao điểm có tháng lên tới 1 tỷ đồng – một con số mà ngay cả Xuân cũng không dám tin khi mới nghỉ việc ngân hàng.

Những người như Xuân không còn hiếm ở Đông Cứu. Nhiều bạn trẻ sau khi học thiết kế, mỹ thuật, marketing đã quay về làng, vừa giữ nghề, vừa tìm cách làm mới sản phẩm theo thị hiếu đương đại.

Họ là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp những tòa khăn áo thêu tay mang hơi thở tín ngưỡng bước ra khỏi giới hạn lễ đàn để hiện diện nhiều hơn trong đời sống văn hóa đương thời.

NGHIÊM THỌ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/lang-dong-cuu-va-nhung-mui-kim-ben-bi-giu-gin-di-san-tho-mau-136600.html