Y tế phải có những đặc thù vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân
Chiều 8/9, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến về dự án luật này, một số đại biểu cho rằng nên thông qua dự án luật này tại 3 kỳ họp. Bởi vì đây là dự án luật rất quan trọng, không chỉ là kim chỉ nam cho xử lý những vấn đề trước mắt, những vấn đề đang rất bức xúc mà còn là nền tảng và kim chỉ nam cho cả hệ thống y tế tiệm cận với nền y tế tiến bộ. Hơn nữa trong dự thảo luật hiện nay đang có một số chính sách mới được bổ sung và một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nên cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra, đặc biệt những vấn đề đưa ra phải thật sự “chín”.
Theo các đại biểu, y tế là một ngành đặc biệt, đặc thù liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, lâu nay ngành này được được đối xử như những quan hệ bình thường của xã hội, từ lao động, việc làm, mua sắm, đấu thầu… Do vậy, cần có những chính sách cụ thể đối với ngành y tế, nhất là trong đấu giá, đấu thầu, đồng thời có những chính sách đặc thù để tháo gỡ những tồn tại từ trước đến nay.
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị phải quan tâm hơn nữa đến ngành y; cần có những chính sách cụ thể đối với ngành y tế, nhất là trong đấu giá, đấu thầu,…Nhiều vấn đề đang xảy ra hiện nay không nằm ở vấn đề chuyên môn mà nằm tại các điều kiện bảo đảm như giá, tự chủ, thiết bị,…
Đại biểu cũng cho rằng cần xem xét lại về quy định hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh tại Điều 101 dự án Luật. Tán thành với việc quy định khám, chữa bệnh ban đầu cơ bản và chuyên sâu, tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, trong dự án luật vẫn chưa làm rõ về khái niệm y tế cơ sở. Đồng thời cần có quy định cụ thể về cấp độ khám, chữa bệnh ban đầu, khám, chữa bệnh cơ bản và chuyên sâu và có quy định riêng quy định về hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh.
Còn đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, qua dự thảo Luật này, nhiều yếu tố đầu vào của ngành y tế được tăng cường như: lãnh đao quản trị, trang thiết bị, quy trình chuyên môn, nguồn tài chính… Dự thảo Luật có nhiều quy định liên quan đến loại bỏ những lãng phí về nhân lực, nguồn lực, về việc di chuyển, về sai sót trong công việc chuyên môn… nhưng vấn đề liên quan đến nguồn lực tài chính vẫn còn bất cập. Vấn đề tài chính trong y tế rất cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng: Cần minh bạch về cơ chế tài chính cho bệnh viện công, vì đây là nội dung hết sức quan trọng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều. Các ý kiến cũng đều nhận định rất cần làm rõ, minh bạch về cơ chế tài chính để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, các bệnh viện tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành. Trong khi đó, các bệnh viện công lập thì cơ chế tài chính lại chưa thực sự rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã phát biểu là nên chăng cần có một điều về cơ chế tài chính nhưng trong bản dự thảo cuối cùng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thấy có điều riêng cho nội dung này.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị bổ sung vào Điều 4 chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh để làm rõ thêm về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này nhằm đảm bảo Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển đã được ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết Trung ương 20 cũng chỉ rõ, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước, ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả, có nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cũng nhận định, đây là dự luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và cử tri; cũng là sự động viên rất lớn đối với các cán bộ, nhân viên, y tế, những người đang tích cực tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu cho rằng đây là vấn đề phức tạp của ngành y tế, nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế. Lần sửa đổi Luật này là cơ hội lớn để tháo gỡ những vướng mắc, hướng tới thực hiện đúng chủ trương của Đảng về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh; sửa đổi các quy định hiện hành để các cơ sở y tế quản lý được, thực hiện được một cách công khai, thuận lợi.
Điều 106 của dự thảo Luật quy định: Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Nếu chỉ quy định "tính đủ“ thì sẽ không đảm bảo được về việc tính đúng. Vì vậy, cần sửa đổi dự thảo luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí "tính đúng, tính đủ“ giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.