Y tế - Sức khỏe Y tế - Sức khỏe Thiếu và yếu hệ thống xử lý nước thải y tế - Bài 2: Không sớm đầu tư sẽ bị phạt
Dù còn nhiều trở ngại trong đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở các cơ sở y tế, song, 'lỗ hổng' này đã kéo dài. Đây là thời điểm mà ngành y tế phải nhìn lại và dốc sức đầu tư để đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe.
Còn trông chờ, phụ thuộc ngoại lực
Theo khảo sát của Sở Y tế mới đây, ngoài BV Quảng Điền, BV Lao phổi, BV Phục hồi chức năng, BV Tâm thần Huế chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, hiện vẫn còn nhiều cơ sở y tế trên địa bàn, như: BV Hoàng Viết Thắng, BV Phú Lộc, BV A Lưới... dù đã đầu tư, nhưng do bể thu gom và xử lý đơn giản đã xuống cấp nên tạm ngưng hoạt động.
Thực trạng trên kéo dài từ nhiều năm nay và rất nhiều lần đặt lên bàn nghị sự của các sở, ngành chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến.
Một lý do được cộng đồng đặt dấu hỏi vì sao các cơ sở như BV huyện Quảng Điền, BV Lao phổi tỉnh, BV Tâm thần Huế khi xây dựng lại không lưu tâm đầu tư hạng mục hệ thống xử lý nước thải... Câu trả lời từ ngành y tế nêu rõ, lý do khách quan là do vốn xây mới các BV trên được đầu tư chia làm nhiều giai đoạn, các hạng mục phục vụ xử lý về môi trường lại thường được bố trí vốn ở giai đoạn 2. Do đó, nhiều công trình khi sang giai đoạn này thì đã cạn vốn, đành phải chờ.
Cách đây không lâu, trong dịp trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), đơn vị được Sở Y tế giao nhiệm vụ giám sát, lấy mẫu tại các cơ sở y tế để báo cáo hằng tháng. Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Sơn, trong quá trình kiểm tra, giám sát hệ thống xử lý nước thải y tế, hầu như các bệnh viện đều ý thức về vấn đề này. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn cũng như công nghệ xử lý, nên hầu hết các cơ sở trên địa bàn đều chưa có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo. Giải pháp xử lý tạm thời được các khoa, phòng tại các cơ sở y tế áp dụng chủ yếu là dùng chất diệt khuẩn cloramin B để xử lý trước khi thải ra bể chứa hoặc ra môi trường. Song, phương pháp này không thể diệt khuẩn triệt để.
Những bất cập trên là thực tế mà ngành y tế địa phương đang phải đối mặt. Kinh phí để đầu tư một hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh phải mất vài tỷ đồng, đó là chưa kể chi phí, nhân lực và chuyên môn để vận hành bảo dưỡng các thiết bị sau khi được đầu tư đi vào hoạt động. Thế nên, từ nội lực không thể đảm đương nổi mà phải có sự trợ giúp đắc lực từ nguồn vốn Trung ương, kinh phí sự nghiệp, nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án khác...
Nỗ lực để hoàn thiện
Giữa tháng 9/2019, tại buổi làm việc với Sở Y tế, Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh, bà Trần Thị Minh Nguyệt chia sẻ, qua các cuộc giám sát kiểm tra các cơ sở y tế, vấn đề nan giải, bất cập nhất vẫn là hệ thống xử lý nước thải. Bà Minh Nguyệt đề nghị Sở Y tế xem xét, đề xuất và kêu gọi các nguồn vốn để quan tâm hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế đang yếu và thiếu, nếu không sẽ để lại hệ lụy cho môi trường và cộng đồng dân cư.
Đại diện Sở Y tế trao đổi, trước đây, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế hầu hết được ưu tiên cho các hạng mục khám chữa bệnh, xây mới các khoa phòng, nên hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu xử lý đảm bảo. Gần đây, nhờ nguồn vốn từ các chương trình của Bộ Y tế, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế được chú trọng và hiện tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho từng đơn vị nhưng theo lộ trình. Trước hết, ưu tiên các cơ sở đang yếu và thiếu hệ thống xử lý nước thải để giải quyết những bức xúc về môi trường nảy sinh trong quá trình hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh.
Vẫn còn nhiều trở ngại cho vấn đề nước thải y tế nhưng muốn hoàn thiện cần phải có nỗ lực trong ngành; trong đó, đòi hỏi cái tâm và tài của lãnh đạo bệnh viện. Tài ở đây là khả năng nhìn xa trong quy hoạch phát triển, tính đến sự đồng bộ của bệnh viện trong tương lai, có hệ thống xử lý nước thải, vận hành hiệu quả. Tâm là thấy được các nguy cơ của nước thải y tế đối với cộng đồng, là nỗi lo của người hiểu biết sâu về chuyên môn y tế cho người dân, từ đó có kế hoạch cụ thể, tìm kinh phí, xin nguồn tài trợ... để đầu tư. Hiện nay, các cơ sở y tế ở địa phương đang hướng đến hoạt động tự chủ - thu chi nên cần phát huy nội lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng để góp phần giảm tải một phần ngân sách Nhà nước.
Giải pháp này đã được nhiều cơ sở y tế từng nằm trong danh sách đen gây ô nhiễm môi trường nỗ lực khắc phục tốt. Trong đó có BV Y học Cổ truyền tỉnh kêu gọi đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống bể điều hòa, bể lắng, bể khử trùng với công suất xử lý nước thải 200m3/ngày đêm; BV Giao thông vận tải Huế đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 180m3/ngày đêm bằng công nghệ sinh học hơn 8 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương; BV Đa khoa TP. Huế huy động từ nguồn tài trợ của tổ chức nước ngoài...
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thông tin, hiện đơn vị đang kêu gọi nguồn vốn sự nghiệp môi trường lập kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý nước thải kết hợp AAO tại BV Quảng Điền. Dự kiến, kinh phí cho dự án này khoảng 10 tỷ đồng, sẽ tiến hành vào năm tới. Đây được xem là một trong những động thái quyết liệt nhằm giúp các cơ sở y tế khắc phục những tồn tại về hệ thống xử lý nước thải...
Thực hiện Công văn 924 của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị, từ đầu năm 2020, các cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; trong đó, có các cơ sở y tế phải rà soát đánh giá hệ thống xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động tại cơ sở trước khi thải ra môi trường phải xử lý đạt cột A của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Sau năm 2020, nước thải của các cơ sở thải ra môi trường chưa đạt cột A của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, thì chủ cơ sở sẽ bị phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: HOÀI MINH