Y tế Thái Nguyên thích ứng trong kỷ nguyên số
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, y tế tiếp tục cho thấy vai trò trụ cột vững chắc về an sinh xã hội và phát triển con người, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Cùng với y tế cả nước, y tế Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng ngày càng cao hơn trước yêu cầu của xã hội.

“Kiosk y tế thông minh” được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 2-2025 đã giúp việc đăng ký khám bệnh của người dân tại Trung Y tế TP. Thái Nguyên trở nên thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi.
Bước tạo đà quan trọng
Bác sĩ Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, khẳng định: Với việc lấy người dân làm trung tâm, Y tế tỉnh đã có những chuyển mình để thích ứng trong “kỷ nguyên số”, trong đó toàn ngành chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, hướng tới nền y tế thông minh, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), phục vụ người dân tốt hơn.
Ngay từ năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 157/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển công nghệ thông tin (CNTT) y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, xã đã và đang ứng dụng phần mềm quản lý thông tin y tế, thực hiện trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đúng hạn. Hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đạt mức 4-5 theo quy định; các phần mềm thông tin y tế, quản lý xét nghiệm, truyền tải và lưu trữ hình ảnh đều đạt ở mức cao; 100% bệnh viện đã triển khai phần mềm thông tin y tế (HIS) để số hóa quy trình khám bệnh, quản lý hồ sơ bệnh nhân, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc… giúp giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian.
100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã liên thông dữ liệu lên Cổng giám định BHYT. 100% bệnh viện, trung tâm y tế hai chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện bệnh án điện tử. Tính đến cuối tháng 4, 12/27 đơn vị được thẩm định và dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 6-2025, về trước kế hoạch 3 tháng so với mục tiêu Chính phủ đề ra…

Với việc đạt chuẩn chất lượng ISO 15189:2022, các kết quả được thực hiện tại Khoa xét nghiệm Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên từ năm 2025 đã được liên thông sử dụng giữa các bệnh viện.
Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh, việc thực hiện khám chữa bệnh từ xa cũng đã được một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh. Song song với việc thực hiện kết nối với bệnh viện tuyến trung ương (như Bạch Mai, Việt Đức…), một số bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã trực tiếp kết nối, tham gia hỗ trợ, hội chẩn cho các bệnh viện tuyến dưới… Qua đó, cùng nhằm hỗ trợ xử trí ca bệnh khó, giúp nâng cao năng lực của bác sĩ tại các bệnh viện.
Ngoài ra, hệ thống hồ sơ sức khỏe của tỉnh cũng được quan tâm đẩy mạnh, với trên 1,1 triệu dữ liệu, chiếm gần 85% người dân đã được cập nhật trên hệ thống…
Mục tiêu tốp đầu
Chưa bằng lòng với kết quả đạt được, tại Hội nghị “Chuyển đổi số ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên năm 2025” diễn ra ngày 7/3/2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng đã giao nhiều nhiệm vụ cho ngành Y tế tỉnh. Trong đó, đồng chí yêu cầu Sở Y tế trình phê duyệt lại Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57 và các chương trình hành động của Tỉnh ủy trong lĩnh vực Y tế năm 2025 và phấn đấu hết tháng 6-2025, Thái Nguyên phải nằm trong tốp 3 của cả nước trong thực hiện Đề án 06 về lĩnh vực y tế.
Theo đó, ngoài mục tiêu hoàn thành bệnh án điện tử và liên thông hồ sơ bệnh án tại các đơn vị trực thuộc sở trong tháng 6-2025, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế hai chức năng trên địa bàn tỉnh đều phải thực hiện kết nối liên thông dữ liệu y tế của tỉnh lên Hệ thống điều phối dữ liệu y tế quốc gia (G-medical) và đã hoàn thành trước ngày 31/3/2025. Xây dựng và phát triển Bệnh viện A - bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trở thành bệnh viện thông minh.
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật cao, đặc biệt là triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông minh phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…
Từ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh, cũng như sự tham giá tích cực, chủ động của ngành Y tế nên Thái Nguyên được chọn là một trong 4 tỉnh của cả nước tham gia thí điểm Hệ thống điều phối dữ liệu y tế G-medical, kết nối dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh lên Trung tâm điều phối dữ liệu y tế quốc gia tại Bệnh viện Bạch Mai.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân. Trong ảnh: Khu vực khám bệnh tại Bệnh viện A Thái Nguyên.
Theo đó, tính đến đầu tháng 4, 100% bệnh viện trực thuộc Sở Y tế (17/17); bệnh viện thuộc bộ, ngành (3/3) và bệnh viện tư nhân (7/7) trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kết nối dữ liệu. 43% phòng khám đa khoa và phòng khám đa khoa tư nhân (9/21); 100% trạm y tế (172/172) đã tham gia hệ thống. Tổng số hồ sơ liên thông lên Trung tâm điều phối dữ liệu y tế G-medical là 83.820 hồ sơ.
Hiện nay, Sở Y tế Thái Nguyên đang tiếp tục triển khai kết nối các phòng khám đa khoa tư nhân, trạm y tế các trường học, các khu công nghiệp vào hệ thống nhằm đảm bảo dữ liệu y tế được liên thông toàn diện từ tuyến cơ sở đến tuyến Trung ương.
Theo đánh giá mới đây của Bộ Y tế, Thái Nguyên đã vươn lên vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành về triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VneID và đứng vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành về tăng trưởng theo ngày gần nhất.
Đẩy mạnh ứng dụng AI
Năm 2025, ngành Y tế Thái Nguyên hướng đến ứng dụng AI trong chẩn đoàn và điều trị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường AI trong quản lý bệnh viện và y tế cộng đồng như dự báo dịch bệnh, giám sát sức khỏe cộng đồng… Bồi dưỡng kiến thức AI cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế, phấn đấu 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế sử dụng ít nhất 1 công cụ AI ứng dụng vào công việc chuyên môn; mỗi đơn vị y tế triển khai ứng dụng AI trong công tác quản lý, hoạt động chuyên môn.
Việc triển khai chuyển đổi số được ngành Y tế tỉnh xác định là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung và ngành y tế nói riêng, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế số chất lượng cao, được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe liên tục, toàn diện, suốt đời.