Y tế TP.HCM sẽ 'hụt hơi' sau sáp nhập, nguy cơ quá tải bệnh viện tuyến cuối

TP.HCM đối mặt nguy cơ quá tải y tế tuyến cuối khi sáp nhập ba địa phương. Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo 'Thực trạng cung ứng dịch vụ y tế và giải pháp sau hợp nhất' do Sở Y tế TP.HCM tổ chức.

Tuyến cuối lo ngại quá tải

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau hợp nhất, tổng diện tích đơn vị hành chính mới sẽ là 6.772 km², dân số tăng từ gần 10 triệu lên hơn 13,7 triệu người. Tuy nhiên, các chỉ tiêu bình quân về y tế theo dân số trên 10.000 dân đều giảm so với trước.

Cụ thể, số giường bệnh trên vạn dân giảm từ 41,7 xuống còn 31,3; bác sĩ từ 20,8 xuống 13,08; điều dưỡng từ 37 xuống 29.

Mặc dù tổng số bác sĩ và giường bệnh có tăng, nhưng khi so sánh với mức tăng dân số gần 40%, rõ ràng hệ thống y tế đang đối mặt với bài toán hụt hơi về nguồn lực.

Sự mất cân đối này không chỉ thể hiện qua các con số thống kê. Thực tế, nó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: Thời gian chờ khám chữa bệnh kéo dài, tỷ lệ bác sĩ trên mỗi bệnh nhân giảm, khả năng tiếp cận y tế của người dân, đặc biệt tại các địa phương mới sáp nhập, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Lãnh đạo 3 Sở Y tế TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hội thảo bàn giải pháp giảm tải (Ảnh SYT)

Lãnh đạo 3 Sở Y tế TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hội thảo bàn giải pháp giảm tải (Ảnh SYT)

Theo dự báo sau khi hợp nhất, tổng số lượt khám ngoại trú và điều trị nội trú của ba địa phương sẽ đạt mức trên 51 triệu lượt và hơn 3,8 triệu lượt mỗi năm.

Riêng TP.HCM đảm nhận hơn 30% tổng số lượt khám và 23% số ca điều trị nội trú của cả nước.

Với vai trò trung tâm y tế của cả khu vực, TP.HCM từ lâu đã chịu áp lực lớn từ việc tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến từ các tỉnh thành lân cận. Việc mở rộng địa giới và dân số càng làm tăng gánh nặng cho vai trò tuyến cuối này. Không chỉ vậy, sự chênh lệch về hệ thống cấp cứu và y tế cơ sở giữa ba địa phương cũng là vấn đề đáng lo.

Trong khi TP.HCM đã hình thành hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện và mạng lưới cấp cứu vệ tinh 115, thì Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu chưa triển khai mô hình tương tự.

Điều này đồng nghĩa, trong giai đoạn đầu sau hợp nhất, TP.HCM sẽ phải đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ cấp cứu cho cả vùng mới, đẩy hệ thống phản ứng nhanh vào tình thế căng thẳng.

Ngoài ra, tổ chức y tế dự phòng cũng bị đặt trong tình trạng thử thách lớn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) hiện chỉ giám sát 22 quận huyện, nhưng sau hợp nhất sẽ phải mở rộng phạm vi hoạt động lên gần gấp đôi. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, trang thiết bị và mô hình tổ chức, năng lực giám sát và phòng chống dịch bệnh có thể bị giảm sút.

Mở rộng mạng lưới cấp cứu ngoại viện

Trước những thách thức này, Sở Y tế TP.HCM đề xuất hàng loạt giải pháp. Trước hết, ngành y tế xác định phải nhanh chóng quy hoạch lại mạng lưới y tế theo mô hình đa trung tâm, có phân vùng cụ thể. Trong đó, việc phát triển các cơ sở 2 và cơ sở 3 của các bệnh viện tuyến cuối đóng vai trò trọng tâm.

Các cơ sở này sẽ được đặt tại các đô thị vệ tinh hoặc vùng giáp ranh giữa TP.HCM và hai tỉnh, nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm và nâng cao năng lực tiếp cận y tế cho người dân vùng ven.

Song song đó, TP.HCM cũng kiến nghị điều chỉnh quy mô đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030, bổ sung 16 dự án y tế mới, nâng tổng vốn đầu tư từ hơn 58.000 tỷ đồng lên hơn 65.000 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, thành phố còn đề xuất 6 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), tổng vốn hơn 10.000 tỷ đồng, tập trung vào những lĩnh vực mà Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu còn thiếu hụt như: Bệnh viện phục hồi chức năng, tim mạch, y học cổ truyền và điều dưỡng.

Về nhân lực, một giải pháp then chốt là tái cơ cấu phân bổ bác sĩ và điều dưỡng, đồng thời cải thiện chế độ đãi ngộ để thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ tại các vùng xa trung tâm.

Cùng với đó, mô hình CDC khu vực cũng đang được nghiên cứu để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả giám sát khi địa bàn hoạt động mở rộng.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/y-te-tphcm-se-hut-hoi-sau-sap-nhap-nguy-co-qua-tai-benh-vien-tuyen-cuoi-post1201129.vov