Y tế tư nhân ngày càng trở thành 'đối thủ' đáng gờm của y tế công
Khi y tế tư nhân mới manh nha, không ai nghĩ chỉ sau 20 năm, hệ thống này đã có sự bứt phá cả về số lượng, quy mô và chất lượng, trở thành 'đối thủ' cạnh tranh 'không hề nhẹ' của hệ thống y tế công lập.

Về chuyên môn, BV Việt Đức vẫn là BV ngoại khoa hàng đầu cả nước
Tôi đưa một người quen đi sinh ở một bệnh viện (BV) tư nhân trên địa bàn Hà Nội. Trong phòng chờ sinh, luôn có nhân viên y tế bên cạnh thai phụ, hỏi han và sẵn sàng hỗ trợ, chu đáo như người ruột thịt, tạo cảm giác yên tâm trong thời khắc sản phụ cần được hỗ trợ về cả tinh thần lẫn sức khỏe.
Thái độ ân cần, tươi cười với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, của từ nhân viên bảo vệ, y tá đến bác sĩ, khiến tôi ngỡ ngàng trong sự hài lòng. Quả thật, dịch vụ chất lượng này dường như chỉ có ở BV tư.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đến 2025, cả nước đã có 384 BV tư nhân, chiếm 23% tổng số BV trong cả nước, cùng khoảng 50.000 phòng khám.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng khẳng định y tế tư nhân đóng góp quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt, được coi là tác nhân quan trọng tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ, là động lực cho y tế công. Sự cạnh tranh công - tư lành mạnh trong bối cảnh các BV tự chủ là tốt và bệnh nhân được hưởng lợi.
Hệ thống y tế công đóng vai trò chủ đạo và đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là giữa các vùng miền, nhưng dù được đầu tư nhiều hơn, y tế công vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Riêng về chất lượng phục vụ, không thể phủ nhận là y tế tư hơn hẳn y tế công, cho dù những năm gần đây, với sự quyết liệt của Bộ Y tế, sự giám sát của mạng xã hội, tình trạng “vòi vĩnh”, “hành” bệnh nhân đã giảm đáng kể.
Vừa qua, khi làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN), Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của y đức và y thuật, đồng thời yêu cầu Trường ĐHYHN quan tâm giáo dục y đức bên cạnh chuyên môn.
Trước đây, y tế tư nhân chỉ có thế mạnh về mảng phục vụ, còn bệnh nhân nặng thường chuyển về BV công, nhưng nay, y tế tư nhân đã phát triển chuyên môn mạnh mẽ. Nhiều BV đã điều trị được những bệnh nặng, phức tạp như tim mạch, thần kinh, đột quỵ, sản, sơ sinh…
Các BV tư ngày càng chú trọng đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, có thiết bị hơn cả y tế công, dù về tay nghề, BV công là nơi đào tạo nhiều bác sĩ ở BV tư, nhưng lại không đủ lực để đầu tư.
Y tế tư có lợi thế không bị bó buộc bởi các nguyên tắc tài chính cứng nhắc nên linh hoạt trong cung cấp các dịch vụ chất lượng cho người bệnh, đảm bảo thuốc men kể cả khi BV công thiếu thốn phải hoạt động cầm chừng.

Mổ não bằng robot AI ở BV Tâm Anh - kỹ thuật hiện đại
Bên cạnh đầu tư vào cơ sở vật chất, BV tư bị mặc định là chất lượng kém hơn BV công, nhưng những năm gần đây, nhiều BV tư đã bỏ tiền ra “săn đầu người”, kéo những bác sĩ đầu ngành, giáo sư, tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao ở BV công lớn về làm việc.
Có giáo sư ngoại khoa đang là Hiệu phó một trường đại học y danh tiếng đã được mời về hệ thống y tế tư với mức lương gần một tỷ đồng/tháng. Trưởng khoa sản của một BV lớn cũng được một BV tư mời về với mức lương cầm tay 500 triệu/tháng, cùng hơn 350 triệu/tháng tiền thuế và bảo hiểm xã hội do BV đóng. Giám đốc trung tâm phẫu thuật tim mạch của một BV lớn cũng được một BV tư "rải thảm" về với mức lương "khủng".
Vì thế, chất lượng chuyên môn của BV tư đang thay đổi mạnh. Ở khoa sản của một BV tư lớn, việc chống nhiễm khuẩn đạt tiêu chuẩn quốc tế, nên rất hiếm dùng kháng sinh, trong khi chống nhiễm khuẩn đang là vấn đề lớn ở nhiều BV công, khiến nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn BV, làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Trang thiết bị, cơ sở vật chất vượt trội, chất lượng chuyên môn dần nâng cao, đặc biệt là thái độ phục vụ chuyên nghiệp, đã tạo nên thế mạnh cho y tế tư. Một số BV tư đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của người có thu nhập cao.
Việc mới đây VFF đã lựa chọn một BV tư để điều trị chấn thương cho tuyển thủ Nguyễn Xuân Son, chứ không phải là một BV công, đã cho thấy họ tìm thấy niềm tin về cả chuyên môn, trang thiết bị lẫn chất lượng phục vụ ở BV tư, là điều y tế công đáng phải suy nghĩ.
Đáng nói nữa là giá cả dịch vụ y tế tư và công không còn chênh nhau nhiều như trước, thậm chí, có gói kỹ thuật, giá tương đương BV công, trong khi cơ sở vật chất, máy móc, thái độ phục vụ tốt hơn.

BV Nhi Trung ương đứng đầu cả nước về mổ tim bẩm sinh phức tạp
Nhiều BV công chuyên môn đứng đầu, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là thái độ với bệnh nhân không thể bằng BV tư. Ở Hà Nội, chỉ một hai BV công là hội đủ các điều kiện để không bị BV tư lấn át, bởi liên tục đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, dịch vụ phục vụ chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao đồng đều.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân nhờ chính sách không phân biệt công - tư của Đảng, Nhà nước, nếu y tế công không thay đổi mạnh mẽ, sẽ dễ bị y tế tư lấn át trong cuộc cạnh tranh sòng phẳng này. Bởi nhận thức, điều kiện của người dân ngày càng cao.